Như vậy, ngoài chuyến đi hào hứng nam bắc, hai vơ chồng tôi còn cuộc gặp gỡ lịch sử của nhiều thầy trò và bạn bè sau 30 năm xa cách.
Đúng ngày giờ, chúng tôi ra phi trường, gặp Lộc Tiệp, rồi thầy trò cùng lên phi cơ. Tuy ngồi máy bay lâu, nhàm chán, nhưng có thầy trò nên chúng tôi cũng vui hơn. Lâu lâu, thầy trò lại ra một góc của chiếc phi cơ Boeing 747 khổng lồ, đứng nói chuyện, bàn tán ngày gặp gỡ.
Máy bay hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, cái đầu tiên mà tôi nhận được là phi trường đã rộng hơn trước. Mấy tòa nhà khác của phi trường đang được canh tân.
Lần này, chúng tôi không báo cho thân nhân, học sinh ngày về chính xác, nên chẳng ai ra đón. Lộc Tiệp thì đã dặn trước, nên có người nhà thuê xe đón hai em. Xe rộng lắm, nên hai em mời chúng để nói chuyện cho vui, còn xe tôi thuê thì cho chở đồ về Lách trước.
Khi xe đến xã Vĩnh Bình thì trời đã sụp tối và về đến chỗ xe chở hành lý thì tối mịt. Anh tài xế xe này lại không quen đường, nên thay vì chở chúng tôi xuống Tân Thiềng quê vợ thì anh ta chở chúng tôi xuống một nơi mà chúng tôi không biết đấy là đâu. Hai vợ chồng vào 1 quán ven con đừơng tráng nhựa mới trong giai đoạn khởi công hỏi thăm, người chủ quán cho biết đó là Cái Sơn cách Tân Thiềng khoảng 3 cây số. Nơi đây thay đổi quá nhiều với một trường học hai từng lầu mới khá lớn ven đường.
Chúng tôi nhờ chủ quán liên lạc về nhà cho ghe xuống đón. Vì đường và cầu nối sang đó chưa làm xong.
Trong khi chờ đò đón, hai chúng tôi nói chuyện với vợ chồng chủ quán.
Thấy nơi quen, nên bà xã hỏi chủ quán:
- Đây có gần nhà cô Phường không chú?
Phường là cháu gọi Điệp bằng bà, trước kia cùng trọ chung một nhà. Năm 1975, Phường học lớp 10, nên chưa học tôi, nhưng rất gần gũi với tôi.
Người chủ quán đáp:
- Dạ gần. Tui là học trò cô Phường.
Cả hai chúng tôi cùng ngạc nhiên:
- Vậy à?
Điệp hỏi tiếp:
- Cô ấy còn ở đây không chú?
- Dạ còn, cô ấy bây giờ vẫn dạy học trường kia kìa.
Vừa nói, anh ta vừa chỉ vào ngôi trường mới xây kia.
Tôi hỏi:
- Trường cấp mấy vậy anh?
- Dạ trường cấp 2.
Một lúc sau, đò xuống đón chúng tôi về.
Ngày 27 tháng 11, mới là ngày hội ngộ, nên hai chúng tôi xuống thăm các học sinh quanh nhà. Phường là người trước kia ỗ chung với bà xã tôi mấy năm, chia sẻ rất nhiều kỉ niệm vui buồn cay đắng ngọt bùi nên rủ tôi xuống trừơng cấp hai của xã. Khi bước chân vào đây tôi không tưởng tượng nổi xã Tân Thiềng nghèo nàn thủa nào mà có một trường trung học cấp hai to lớn đẹp đẽ như vậy. Nếu so về bề ngoài thì cái trường cấp II, III xưa tôi dạy còn thua xa ngôi trường này. Sau này, tôi thấy mỗi xã đều có ngôi trường như vậy. Đây là miền mơ ước của tôi lúc còn dạy học.
Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm Nhuận Phú Tân (Cái Hằng) quê nội vợ thăm mộ nhạc phụ. Không như ngày trước 75 hay ngay cả thời 2000 cũng vậy, muốn xuống đây chỉ có cách đi đò còn không thì phải lội qua kinh, bây giờ mấy cậu cháu chở chúng tôi xuống đó bằng xe gắn máy. Đường từ Tân Thiềng đến Cái Hằng đã được lót đan đủ cho xe gắn máy đi. Hai bên đường tôi thấy có các hàng quán mọc lên, một dấu hiệu phát triển. Các kinh đều có cầu bắc qua, chỉ còn kinh Cái Hằng chưa làm cầu, nên có phà nhỏ đưa sang. Nơi đây, tôi đã về trồng thuốc lá, sau khi đi học tập về và dưới đây là câu truyện trồng thuốc lá.
Từ nay trở đi tôi chỉ đem lại câu truyện xa xưa nó có tính cách kỷ niệm chứ không muốn nói lên mất thiện cảm đối với bất kỳ chế độ nào. Bề gì các chuyện này cũng đã trên 35 năm không còn gì mà căm tức. Đọc bài này thì các bạn có thể so sánh và thấy đất nước quả tình có tiến bộ so với thời bao cấp. Bài này là câu chuyện liên quan đến chế độ hiện thời, sau này các bạn sẽ xem các câu chuyện thời cộng hòa.
(Ngày mai khởi đăng chuyện trồng thuốc lá)
No comments:
Post a Comment