Friday, November 4, 2011

Trở Về- Bài 10

Sáng hôm ấy, hai vợ chồng tôi sang chợ Tân Thiềng xem thay đổi gì không bằng cách qua kinh với chiếc phà. Tôi không hiểu đây là kinh hay sông nhưng dân địa phương quen gọi là kinh Tân Thiềng, con kinh chạy ra cầu Cái Gà, còn phía này nối với sông Cổ Chiên. Trước kia có một cây cầu xi măng nối bờ bên này với chợ, nhưng nay cây cầu đã xập, nên người ta cho một chiếc bắc nhỏ, chạy máy nối bờ.


Chiếc phà con

Chợ Tân Thiềng thời gian này vẫn ở đầu vàm và rất lèo tèo thưa thớt. Chỉ ít hàng quán vài lều nhỏ bao quanh vài căn phố chợ. Trong các quán hàng này có tiệm của Liễu vợ Châu Tuấn. Châu Tuấn xưa là học sinh của tôi, nhưng em đã ra người thiên cổ lúc tuổi còn xuân. Bà xã tôi và tôi cũng đã ghé đây khi mới tới. Sở dĩ chợ không phồn thịnh như xưa là vì đã có quy hoạch dời chợ đi nơi khác.



Chợ Tân Thiềng

Chẳng bao lâu sau, thời gian dã từ đã điểm sau vài hôm vui vẻ.
Chiều tối tôi ghé sang Tấn Thành cựu học sinh cũng còn là cháu vợ ngủ đêm.
Nói chuyện với em một lúc, tôi ra trước nhà em khi bóng chiều gần tắt. Con đường ven kinh này ngày xưa là đường chính của thôn, nhưng giờ đây nó gần như hoang phế. Chỉ có gia đình Tấn Thành và một vài gia đình nữa sử dụng nên cây cỏ hoang mọc choán hầu hết lối đi. Tôi, một mình, lang thang vượt qua cầu khỉ để ngắm con sông nhỏ trước nhà đổ ra sông Cổ Chiên.
Cảnh đây thì không được gọi là thắng cảnh, nhưng ngã ba sông nhìn sang bên bờ đối diện xa tít mù khơi và ánh sáng chiều buông xuống làm cảnh trở nên thơ mộng. Trên sông nước đang lớn, trôi nổi lênh lênh những cánh lục bình khiến tôi có cảm giác buồn vì sắp xa nơi đây. Năm 1976, sau khi đi học tập về, tôi đã xuống đây làm ruộng, cấy, gặt, gánh lúa chẳng kém ai. Dân địa phương rất ngạc nhiên tại sao tôi biết làm ruộng. Họ không biết rằng tôi vn gốc nông dân và làm ruộng lúc mới lên 8 tuổi. Châu Tuấn thường đến thăm, an ủi tôi trong thời gian này và vì vậy tình thầy trò trở nên thắm thiết.


Đêm ấy, Tấn Thành nói:
- Đêm nay Thầy ngủ với em không Thầy? Bà xã em hôm nay đi đám dỗ bên An Phước nên phòng em trống.
Quả tình, từ ngày sang Mỹ văn hóa Mỹ tôi chưa hiểu hết nên hấp thụ rất ít. Duy chỉ có điều bạn trai không quàng vai bá cổ thì tôi thấy có lý (chỉ được quàng vai bá cổ khác phái thôi). Hai người cùng phái mà làm chuyện này thì người Mỹ gọi là “gay” (PD). Chuyện nằm chung giường lại càng tối kị. Tuy nhiên, đây là Việt Nam, và nể tình thầy trò nên tôi gật đầu.
Mười giờ đêm tôi và Thành lên lầu vào giường ngủ. Nhưng lòng cứ nghĩ bậy bạ, ngủ không nổi. Mươi phút sau thì Thành ngáy nhè nhẹ, tôi biết đã đi thăm vợ bên An Phước.
Sau vài giờ thao thức, tôi cũng từ từ đi theo các giấc mộng đẹp.
Bất chợt, tôi thấy tay ai đè lên bụng. Tỉnh giấc thì ra cái ông nội Tấn Thành đang hào hứng với giấc mơ thì phải. Y đã để tay lên bụng tôi. Tôi nghĩ: “Tên này là Việt Nam thuần túy. Mình chịu đựng đi!” Nghĩ vậy tôi lại nằm yên. Độ nửa giời sau tôi lại lơ mơ trong giấc ngủ thì lại thấy chân y cặp lấy người tôi. Vậy là y mơ đến cái gì ghê gớm đây! Hoảng quá, tôi tụt xuống giường lò mò ra cửa sổ nhìn bóng đêm đợi sáng.
Sáng hôm sau, khi thức dạy, Thành hỏi:
- Đêm qua Thầy ngủ ngon không Thầy?
Tôi gật đầu:
- Ngủ ngon lắm.

 
Trước cảnh vật buồn này tôi làm bài thơ:
Cổ Chiên chiều về

Mặt trời đã lặn hẳn, không khí trở nên thật yên tịnh, trái ngược hẳn với cái ồn áo xô bồ của thành phố Sàigòn. Bầu trời càng lúc càng xanh tím rồi vạn vật chìm dần trong bóng đêm. Ánh đèn điện vài căn phố chợ lung linh phản chiếu xuống mặt kinh. Trong khí ấy, các đền lù mù của các ghe thuyền cũng đã lên. Tiếng chuông chùa vang lên từ ngôi chùa bên phía đối diện làm cảnh đượm vẻ buồn hơn. Tôi chợt nhớ tới bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, nhưng tiếc là không có trăng non. (Bài này sẽ đăng trong chuyện “Trung Quốc Du Kí”)
Chốn quê về đêm.

No comments:

Post a Comment