Vì câu truyện Nam Bắc du kí còn rất dài nên hôm nay tạm ngưng để đăng câu truyện ngắn. Ngày mai sẽ tiếp Nam Bắc du kí:
Nhà tôi làm nghề may từ ngày sang Mỹ vì có thể ở nhà trông con trong khi làm việc, như vậy tôi mới có thể đi học tìm cách tiến thân. Một buổi sáng năm 2000, Điệp (bà xã của kẻ viết bài) lên tiệm may để lãnh hàng. Khi đang lãnh hàng thì bà thấy một ông trên 50 bước vào cũng lãnh hàng may ấy.
Thấy người cùng nghề, Điệp chào:
- Chào anh! Anh cũng may hàng hả?
- Dạ vâng. Chị lãnh hàng rồi về nhà may sao?
- Vâng.
Hai người nói chuyện một lúc thì thông cảm nhiều hơn. Và có lẽ tại cùng nói tiếng Nam nên ngừơi đàn ông kia hỏi:
- Chị tên gì chị?
- Dạ tên tôi là Điệp. Còn anh?
- Tui tên Lợi. Chị quê ở tỉnh nào?
Điệp nghĩ xứ Chợ Lách nhỏ tý ai biết mà nói tên ấy ra, nên trả lời:
- Tôi quê ở Vĩnh Long. Còn anh?
- Tui quê Long Thới.
Điệp thấy vui vui vì không chừng người cùng quê. Tuy nhiên vẫn không chắc lắm, nên hỏi kỹ hơn:
- Nhưng Long Thới nào chứ? Long Thới Chợ Lách hay Long Thới Vũng Liêm?
- Long Thới Chợ Lách Chị à.
- Thiệt không?
- Thiệt!
- Tôi cũng ở Chợ Lách, anh à.
- Thôi chị đừng xạo đi! Chị ở Chợ Lách vậy chị biết Long Thới không?
- Trời! Tưởng chi chớ nơi đó tôi biết nhiều lắm. Bạn Tôi nơi đó cũng nhiều.
Anh chàng này sợ Điệp gạt chơi nên nói:
- Chị nói bạn chị ở Long Thới, vậy chị biết Mỹ Lang không?
- Ai chứ Mỹ Lang thì tôi rành quá. Mỹ Lang con ông Tổng Tam chứ gì?
Thấy đúng ngay chóc con cào cào, nên Lợi hỏi:
- Chị ở Chợ Lách, chị biết ông thầy Hiệp không?
Bây giờ đến phiên Điệp ngạc nhiên vì anh chàng này hoàn toàn xa lạ, chưa thấy ở Chợ Lách bao giờ. Điệp hỏi:
- Tôi biết. Nhưng sao anh biết ông ấy? Anh có học ông bao giờ không?
- Tôi không học ông nhưng biết ông. Chị biết nhà ông ấy không?
- Biết! Mà tại sao anh lại biết ông ấy?
- Tui là cậu của Chung Xuân Mai, Chung Thị Cúc. Tui nghe tụi nó nói chuyện về ổng rất nhiều nên biết ông thôi. Năm đó tui về quê ăn tết Mậu Thân, vì chiến tranh khắp nơi nên tui ở lại Chợ Lách thật lâu. Hàng ngày tui cùng bọn Chung Xuân Mai hay nói chuyện và Mai hay kể chuyện về ông thầy Hiệp. Có hôm Mai kể truyện ông ấy mặc quần áo đầy phấn. Hôm khác lại nghe chuyện thầy Hiệp bắt hến, rồi có ngày nghe truyện ông ta mặc quần vá đít. Có hôm, Mai sức nước thơm đi học, ông ấy chọc quê sức nước xì dầu. Hai cậu cháu kể truyện rồi cười tít mắt. Nghe riết rồi tui đâm ra có cảm tình với ông thầy bụi đời đó chị à. Chị biết nhà ổng thiệt à?
- Thiệt!
- Bữa nào mình lại thăm ổng chơi.
Điệp cũng ầm ầm ừ ừ cho qua truyện.
Vài hôm sau hai ngừoi lại gặp nhau nữa. Lợi hỏi:
- Chị Điệp; chị rảnh không? Mai mốt chị dẫn tôi lại nhà ông thầy Hiệp đi chị.
Điệp thấy không kham nên nói:
- Thôi nếu anh muốn thăm thì anh cho tôi số điện thoại thì ông sẽ gọi anh.
Lợi thắc mắc:
- Sao chị rành ổng quá vậy? Chị gần nhà ổng lắm sao?
- Tôi chẳng rành gì lắm, nhưng tôi có hai thằng con. Chúng gọi ổng bằng cha.
Lợi phá lên cười.
Về nhà Điệp thuật chuyện cho tôi nghe rồi nói:
- Anh gọi cho anh Lợi đi. Anh muốn đến thăm anh lắm.
Tôi bèn gọi điện thoại lại:
- Alô tôi xin nói chuyện với ông Lợi.
- Dạ tui nghe, xin lỗi ai vậy?
- Tôi là Hiệp, thầy Hiệp.
Tôi nghe giọng cười thật hào hứng đầu giây bên kia:
- À Thầy! Em chào thầy.
Sau đó chung tôi nói chuyện thật thân mật, như đã quen từ lâu. Em cho tôi biết em là Sử Khắc Lợi quê ở Long Thới, gia đình làm nghề nhuộm. Em cùng lứa tuổi với Tùng, Mai Chí Hiếu, Nguyễn Toàn Thảo và Chung Xuân Mai, tuy nhiên lại là vai cậu của cô Chung Xuân Mai, Chung Thị Cúc. Lợi học trung học đệ nhất cấp (cấp II) ở trường dòng Long Thới. Đến đệ nhị cấp thì theo học tại SG chưa bao giờ học với tôi, nhưng biết rất nhiều về tôi. Năm 1971, Lợi bị động viên và tốt nghiệp Thủ Đức rồi tham gia quân đội miền Nam. Sau này làm trưởng cuộc cảnh sát. Năm 75, em đi học tập cải tạo và sang Mỹ theo diện HO. Lợi có tài đàn guitar ăn nói có duyên và có lẽ nhờ vậy mà cưới được cô vợ rất xinh. Năm 2000 thì Lợi mới sang Mỹ vài năm, nên chỉ có cách đi may kiếm tiền.
Nhà Lợi tương đối gần nhà tôi hơn tất cả cựu học sinh khác với khoảng cách độ 7,8 mile (từ 10 đến 12 km). Sau đó vợ chồng Lợi hay ghé thăm tôi và có khi vợ chồng tôi xuống thăm vợ chồng Lợi.
Nói tới học trò ngang xương hông mà thân thì còn nhiều lắm, nhưng khi nào có dịp thì sẽ giới thiệu với bạn đọc.
No comments:
Post a Comment