Monday, November 21, 2011

Nam Bắc du kí bài 5

Chiều hôm ấy, anh ra thăm tôi.
Dịp này tôi tặng anh xấp thơ viết tay do tôi làm lẽ dĩ nhiên không có bài thơ ấy[1].
Ngoài việc trồng thuốc, tôi cũng dùng mảnh đất mà các anh vợ cho biết đó là đất mà nhạc phụ đã cho vợ làm của hồi môn để trồng đậu xanh, đậu đen hay đậu phọng.
Một hôm, đến phiên tôi về thăm nhà. Từ 3 rưỡi sáng, tôi dạy gói ghém ít hành trang, trong đó có 1 túi đậu xanh mới thu hoạch rồi bó một bó đuốc, lội bộ ra bờ kinh ngồi chờ đò. Đến gần 4 giờ thì có tiếng kèn đò báo. Tôi vẫy đuốc làm hiệu. Đò chở tôi vượt kinh Cái Hằng đến bờ sông Cổ Chiên, rồi chạy thêm độ một cây số thì đò bị chết máy. Chủ đò cho chúng tôi đò không thể đi được nữa. Bây giờ tôi phải nghĩ cách về nhà bằng cách cuốc bộ. Tôi xin chủ đò một bao ni lông, lội vào bờ, nhắm theo hướng tây, đi trên các bờ ruộng đề về quê. Vấn đề khó khăn nhất là vào các vườn dừa chằng chịt hay vườn cây ăn trái, vì rất khó định hướng khi trời còn tối đen như mực; mặt khác còn phải lo rắn rết tấn công. Các bờ ruộng lúc này ướt sương nên rất khó đi, lâu lâu lại trượt chân lót xuống ruộng. Khi vào vườn cây tôi cũng phải lo đối phó với mấy con chó của chủ vườn, và chính chủ vườn vì họ sẽ lầm tôi là ăn trộm.
Khi đến bờ một con kinh, tôi thoát y, bỏ quần áo và gói đậu vào túi ni lông, lội qua kinh. Cũng may, bây giờ là đêm tối, nên chẳng ai thấy nên không mắc cở (Nếu ngày đó ai có máy hình chụp thì chắc họ sẽ đang hình tôi lên tạp chí Playboy). Đến bờ phía kia, lẽ dĩ nhiên tôi không đến nỗi quá ngu để vậy mà đi tiếp, nên lại mặc quần áo vào.
Cứ như vậy, khi vượt qua kinh Dòng Thủ Bá thì trời đà hừng sáng. Đây cũng là con kinh cuối cùng và rộng nhất, mà tôi phải vượt qua. Lúc còn cách Tân Thiềng độ hai cây số, tôi thấy mấy người nông dân trẻ tuổi đang dắt trâu bò ra ruộng. Lúc bước qua đám nông dân, đột nhiên có tiếng chào:
- Thầy!
Tôi quay sang thấy đó là một cựu học sinh lớp 11 của tôi. Các cậu khác cũng quay lại chào thầy, thầy túi bụi.
Tôi chào lại:
- Chào các em. Các em đi ra ruộng ư?
- Dạ.
Một em hỏi:
- Thầy đi đâu mà sớm vậy?
Tôi chưa kịp trả lời thì cậu khác đã chêm vào:
- Còn quần áo Thầy sao chỗ ướt chỗ khô?
Tôi mỉm cười trả lời:
- Thầy về thăm nhà.
- Thầy ở đâu mà về thăm nhà?
Tôi thuật sơ việc trồng thuốc và cách đi vừa qua.
Một em ngậm ngùi:
- Tội Thầy quá hà.
Một em khác nói:
- Em trong trường hợp Thầy chắc hết cách về nhà.
- Thôi Thầy đi. Các em may mắn.
- Chào Thầy.
Một lần vợ ẵm con xuống thăm.
Tôi thấy đây là dịp đặc biệt, nên bớt thời giờ làm việc để đi câu, nấu một bữa cơm với cá cho vợ con ăn. Nhưng câu suốt cả buổi chỉ được một con cá lóc bằng cái cán dao. Vợ đem kho cho cu Hi, còn hai chúng tôi lại ăn cơm với nước mắm loại dở ẹc.
Khi thuốc đã lớn, chúng tôi bẻ lá già đem ủ cho vàng. Trong khi ấy chúng tôi phải trẻ tre đan liếp. Công việc đan líp phơi thuốc cũng tốn thời gian vô cùng. Năm Thạnh là anh cùng cha khác mẹ với bà xã tôi. Mẹ anh qua đời lúc còn anh còn rất bé. Khi cha anh cưới bà kế thì anh mới vài tuổi đầu. Bà này là mẹ của bà xã tôi, anh coi bà cũng như mẹ ruột. Anh có mấy cô con gái là Hà, Phỉ, Kiều năm ấy độ 18 đến 12 tuổi và cậu con trai tên Kha khoảng 10 tuổi. Tất cả đều thích nghe tôi kể truyện. Tôi nói các cháu giúp tôi đan líp và tôi kể truyện cho nghe; thế là cả đám tối tối sang tôi. Trong mấy ngày đầu, tôi kể truyện ngắn; các cháu thích nghe chuyện ma hơn hết, nhưng khổ nỗi tôi kể các truyện này ở một cái chòi giữa các khu vườn rậm rạp xa các nhà khác đến trăm thước. Khi đan líp xông tôi lại phải đưa các cô các cậu về nhà vì chúng chẳng dám đi về. Có hôm, truyện đến hồi hấp dẫn nhất cả đám đè tôi thở không nổi.
Hết truyện ngắn, Cô Gái Đồ Long cho nghe.
Thuốc già chúng tôi bẻ lá thuốc rồi phân loại đem ủ rồi hẹn ngày cho thợ tới sắc thuốc. Ngày ấy, hai chúng tôi chỉ vác các líp thuốc đi phơi.
Sau nhiều tháng vất vả, gánh nước tưới cây, bắt sâu lúc nửa đêm, hay những lần lặn lội, chân không, cả chục cây số qua sông, rừng hoang, rừng dừa hoặc những cánh đồng để về thăm vợ con, tôi đã chẳng đem về được một đồng lợi tức, vì thuốc bị con rầy phá. Tôi chán nản khi nhìn vợ con nheo nhóc, và nhiều lần muốn tự giải quyết cuộc đời, vì cảm thấy mình bất lực.

Trồng Thuốc:

Thuốc lá đi trồng cũng cực ghê.
Nhất là cho kẻ chẳng chuyên nghề.
Tinh sương, vun sới nào đâu quản.
Tối mịt, bắt sâu cũng chẳng nề.
Nước tưới trăm đôi đi vụt vụt.
Thuốc phơi ngàn líp chạy te te.
Thương con, nhớ vợ đành cam chịu.
Sự nghiệp tan tành với thuốc rê.
                                                VHKT


[1] Vỉ vậy năm 2001, lúc đến Cái Hằng nhân dịp lễ Thanh Minh, viếng mộ nhạc phụ rồi ăn tiệc, anh đã nhắc việc này và yêu cầu tơi làm thơ.

No comments:

Post a Comment