Thất bại trong việc trồng thuốc, tôi quay lại Tân Thiềng lo việc thứ hai là lo đi làm ruộng ở Tân Thiền, với số ruộng gồm 3 công mà má Điệp cho nàng làm của hồi môn. Mọi người dân ở đây rất ngạc nhiên khi thấy tôi cấy lúa, gánh phân, làm cỏ lúa một cách thành thạo. Họ chỉ biết tôi là một thầy giáo, chứ họ không biết tôi xuất thân từ một nông dân.
Việc cấy lúa ở miền Nam khác với miền Bắc ở chỗ miền Nam có một cọc nhọn phụ vào. Khi đã có một thẻ mạ trong tay, người thợ cấy nơi đây dùng cọc dùi vào đất rồi mới cắm thẻ mạ vào đó. Trong khi ấy ở miền Bắc, thợ cấy túm lấy gốc thẻ mạ rồi cắm luôn xuống đất. Với cách này người miền Bắc làm nhanh hơn, nhưng ngược lại làm tay có thể bị thương nhẹ khi cắm phải đá, nhất là các vùng gần núi. Vào vụ chiêm, việc cấy miền Bắc còn gây cho thợ cấy đau hơn vì giá lạnh làm tay tê cóng.
Khi lúa bén rễ lên khá cao, tôi ra ruộng đánh cỏ lúa và không có dụng cụ đánh cỏ nên tôi nhổ tay. Cả cánh đồng chỉ mình tôi làm việc này, còn dân địa phương thì chẳng ai làm cả. Đây là cách trồng lúa ở miền Bắc mà tôi đem ra áp dụng.
Một anh xã trưởng Tân Thiềng đi ngang, thấy tôi lom khom ở ruộng. Anh chẳng biết tôi làm gì nên hỏi:
- Anh làm gì vậy anh Hiệp?
- Đánh cỏ lúa anh à.
- Lúa cũng làm cỏ sao?
- Vâng làm thì lúa tốt hơn anh à.
- Anh làm việc chăm thật. Đúng câu Lao Động Là Vinh Quang.
Hàng ngày, tôi ra đồng làm việc đồng áng nặng nhọc; chiều chiều vợ ôm con thơ ra đồng đón về. Tôi để cu Hi lên cổ cõng con về nhà, còn Điệp lo mang các nông cụ theo sau. Ôi cũng thật là hạnh phúc!
Chẳng bao lâu lúa chín. Tôi lại lo đi gặt rồi gánh lúa về. Đi gặt ở đây tôi lại nhận ra cách gặt lúa miền Nam khác với miền Bắc. Miền Nam gặt lúa bằng liềm và cắt sát gốc, trong khi miền Bắc gặt lúa bằng cây hái và chỉ cắt phân nửa cây lúa thôi. Nửa còn lại vẫn nằm ở ruộng. Vụ mùa kế tiếp, người ta đốt rạ cầy úp lên thì ra và tro thành phân bón cây. Cách gặt miền Bắc cũng còn làm cho giảm bớt nhân công gánh lúa. Cách gặt miền Nam thì trâu bò có nhiều rơm để ăn. Ở miền Bắc người ta đôi khi cũng đi cắt rạ về và rạ này trộn với bùn để làm tường đất hay họ dùng rạ để đan líp lợp nhà.
Đối với cây hái thì người ta thường lấy đọt tre già, chỗ bằng cán dao trở đi. Họ róc hết cành chỉ chừa một cành cuối cùng và đem làm sạch sẽ những cành nhỏ. Người ta đem uống cành này cong lại rồi gắn lưỡi hái ở phần giữa cây hái. Lưỡi hái cũng như lưỡi dao nhưng có rang cưa như lưỡi liểm. Lúc gặt, người ta cầm ở đuôi, chỗ không có cành nhỏ uốn cong, quơ cành nhỏ gom lúa lại, tay kia tóm lấy lúa rồi đẩy ngược cây hái ra phía trước. Cách gặt này khó hơn dùng liềm, nên phải học gặt nhưng nhanh hơn. Người miền Bắc cũng dùng liềm, nhưng chỉ đi cắt cỏ, tranh…mà thôi.
Hình cây hái
No comments:
Post a Comment