Wednesday, November 23, 2011

Nam Bắc du kí bài 7

Với các nông dân thực thụ của vùng này, sau lúa được gánh về nhà, họ sẽ ủ lúa vài ba ngày cho hột lúa rụng hay gần rụng khỏi thân cây. Sau đó, họ trải lúa ra sân thật sạch và cứng, không nhất thiết là sân gạch, vì đa số nông dân là nghèo nàn. Sau đó, họ dẫn trâu, bò vào sân đi loanh quanh trên lúa làm các hạt lúa rụng ra. Cách này thì dỡ cực thân nhưng lúa không dược sạch. Lắm khi bò đang đi đạp lúa nó có thể cầu hay tiểu lên lúa hạt. Lúc nó cầu thì người dân phải chạy vào hốt cái của quý ấy vất đi. Cuối cùng, họ chỉ gẩy lớp rơm bên trên ra, họ sẽ hốt được các hạt lúa bên dưới. Tôi là nông dân nửa mùa, không có trâu bò gì hết, nên đành phải áp dụng cách đập lúa miền Bắc là làm một cặp néo, rồi đập bó lúa lên một khối gỗ. Néo là một cặp cành tre, hay cây rừng bằng cổ tay, dài độ 60 phân. Một sợi dây thừng hay dây rừng dài hai gang tay nối cặp cây đó với nhau.

ĐẬP LÚA

Với ba công ruộng, và có trâu bò, nhà nông dân chỉ cần một đêm là xong. Đối với tôi, hằng đêm ì à ì ạch đập lúa một mình cho đến nửa đêm, và suốt một tuần lễ thì xong. Tuy mệt nhọc nhưng có cô vợ trẻ, ôm con ngồi bên coi đập lúa nên cảm thấy ấm cúng lắm.
Một hôm, tôi đang gẩy rơm bỗng nghe tiếng Chào:
- Thầy!
Tôi quay lại, thấy Đào Hữu Lộc. Một cựu học sinh của tôi từ năm 1973.
- À Lộc! Em đi đâu vậy?
Lộc cười:
- Em có việc xuống đây, nên ghé lại thăm Thầy. Thầy khỏe không Thầy?
- Cám ơn em. Thầy bình thường em.
- Em thấy Thầy làm ruộng chẳng thua một nông dân chuyên nghiệp. Còn thằng cu đâu Thầy?
- Nó ngủ trong giường em ạ.
Lộc chạy vào nhà thăm Cu Hi.
Một lúc sau, em trở ra:
- Thầy, thằng cu ngủ mà mắt mở thao láo, chắc sau này thông minh lắm.
Thầy trò hàn huyên một lúc, rồi Lộc  giã từ ra về.
Một lần khác Đôn một cựu học sinh 12 B, cũng xuống thăm tôi. Lúc ấy Đôn đang làm cán bộ cho Huyện.
Sau đó rất nhiều cựu học sinh lại thăm tôi, dù là đường sá xa xôi, và tôi sống trong nghèo nàn. Nhưng người học trò gần nhất là Châu Tuấn. Tuấn ở cách nhà tôi độ vài trăm thước, nên đêm đêm thường đến tôi chơi nói chuyện.

No comments:

Post a Comment