Wednesday, November 2, 2011

Trở Về- Bài 8

Tối hôm ấy, tôi  quay lại Tân Thiềng thì thấy Tấn Thành chở Huỳnh Văn Dậu ghé lại nhà. Nhân dịp này tôi trao cho anh bạn này số tiền mà Hải, Ngạn và tôi gom lại giúp anh ta. Đây là lần thứ 2, Hải và tôi đã giúp bạn.
Sáng hôm sau, Nguyễn Văn Bé Tư nà vợ là Nguyễn Thị Tuyết từ Tân Phong qua nhà ba má Tuyết, nghe tin chúng tôi về cũng ghé lại thăm. Bé Tư là cựu học sinh của tôi, nhưng Tuyết thì học lớp 10 năm 75 nên chưa học tới lớp tôi dạy. Tuy vậy, Tuyết là cháu bà xã tôi vai cháu gọi bà, nên chúng tôi đã có các mối liên lạc mật thiết từ trước.

Ngày kế tiếp, Đặng Thị Hanh, trưởng phòng giáo dục, cựu học sinh 12B của tôi cùng Nguyễn Thị Khuôn phó phòng giáo dục mời tôi xuống nhà các em cạnh chùa Bang Chỉnh buổi trưa.
Khoảng 9 giờ sáng tôi đến Lách thì gặp Trần Thị Phước, cựu học sinh lớp 11 năm 75, trước khi tôi bị cho về vườn, mời tôi ghe thăm trường em. Em nay làm hiệu trưởng trường cấp ba của huyện. Trường được xây cách trường cũ độ 300m, rất khang trang, ba từng lầu, mái gạch đỏ chói. Tôi mừng là các em nhỏ nay có nơi học đẹp đẽ, tươm tất hơn trường cũ của tôi hồi xưa rất xa.
Bước ra khỏi trường, tôi thấy môt ông già nhìn tôi bước tới.
Ông già cúi đầu:
- Thầy! Thầy nhớ em không?
Tôi nhìn ông già từ đầu đến chân:
- Làm sao Thầy nhớ nổi. Ngày xưa các em xa Thầy thì mới 18, 19 tuổi nay có khi là ông nội, ông ngoại rồi làm sao Thầy nhận ra?
Ông già cười:
- Đúng rồi! Em thử chơi thôi. Em là Chanh đây Thầy.
- Ồ! Thì ra là Trần Văn Chanh.
Chanh là học sinh cấp đầu đàn. Thầy trò cùng bước xuống nhà Hanh và Khuôn.
Khi đến nơi, tôi thấy 5, 6 chục em đã tụ tập. Ngòai  hàng hiên có vài ba bàn bày sẵn các thứ giải khát. Các em thấy chúng tôi vào đều cúi đầu chào:
- Chào hai Thầy.
Tôi hỏi:
-  Bàn làm sao đủ chỗ cho hết mọi người?
Phước nói:
- Để Thầy và các anh ngồi thôi.
Tôi nói:
- Vậy tất cà cùng ngồi xuống đất là vui nhất.
Hanh nói:
- Nhưng Thầy à chỉ có chỗ nhà dưới liền với cái bếp là rộng thôi.
Tôi đáp:
- Nhà trên, nhà dưới hay bếp thì cũng như nhau. Miễn là thầy trò ngồi cùng nhau là được.
Thế là cả đám kéo xuống nhà dưới ngồi bẹp xuống đất.
 Nhà của Hanh và Khuôn có cái bếp lót gạch hoa rất sạch và dài, lại có một ngách thông sang bên khác, nên tất cả chúng tôi cùng ngồi lan ra ngoài hàng hiên cũng đủ chỗ ngồi. Tôi ngồi với các em trai. Các em yêu cầu tôi ngồi vào chính giữa nơi các hướng cùng thấy.

Hanh đại diện ngỏ lời, rồi các em tự giới thiệu vì rất nhiều người không biết nhau. Lớn tuổi nói trước, nhỏ tuổi nói sau.

Chanh lớn tuổi nên nói trước:
- Thưa Thầy, thưa các bạn và các em. Từ nãy đến giờ tôi đi với Thày vào đây các bạn và các em cứ chào tui là Thày, nhưng tui không phải là thày mà là học trò của Thày. Tui là Trần Văn Chanh.

Trần Thị Cánh cũng là học sinh đầu đàn nói:
- Mày đó há Chanh, nhìn lạ hoắc!
- Vậy mày là ai?
- Tao Cánh đây này.


Mọi người cùng cười ồ. Hai bạn cùng học, cùng ở Chợ Lách, nhưng kẻ ở nơi này, người ngụ chỗ kia, không có dịp gặp nhau mấy chục năm rồi. Các em đều cám ơn tôi cho các em cơ hội gặp bạn. Tan tiệc, một em gái tuổi trên 40 lại tôi nói:
- Thầy! Em cám ơn Thầy cho em học lớp Đồng Tiến Miễn phí.
Và từ đó, lâu lâu một em cũng đến cám ơn tôi điều tương tự.

Hôm sau nữa thì nhóm khác mời tôi sang nhà Đoàn Thị Mỹ Vân, em Lê Hiếu Nghĩa đãi tiệc.
Thầy trò nói hoài không hết chuyện.

Bây giờ thì người, và phố xá, cũng như nhà cửa Chợ Lách đã thay đổi hẳn; nhiều mái tóc đã bạc màu, nhiều hàm răng đã rụng, nhưng lòng người và dòng sông nước đục không thay đổi, đúng như bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thư của thi sĩ Hạ Tri Chương đời Đường:
回鄉偶書二首      HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ II
離別家鄉歲月多           
 Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa.
近來人事半銷磨        
Cận lai nhân sự bán[1] tiêu ma[2].
唯有門前鏡湖水            
Duy hữu môn tiền kính hồ thủy.
春風不改舊時波            
 Xuân phong bất cải[3] cựu thời ba[4].
  

 Bất ngờ làm thơ khi về quê:
Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa.
Cận lại nhân sự bán tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thủy,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.

Nghĩa:     BÀI THƠ NGẪU NHIÊN LÀM KHI VỀ THĂM QUÊ

Xa cách quê nhà đã nhiều năm tháng.
Gần đây người và việc đã thay đổi.
Chỉ còn nước hồ Kính trước cửa,
Gió xuân không đổi sóng ngày xưa.

Tôi làm bài thơ dịch nghĩa:

Nhiều năm xa cách quê nhà.
Gần đây nhân sự cũng đà đổi thay.
Chỉ còn Hồ Kính cửa này.
Gió xuân không đổi sóng ngày xa xưa.
                                                    VHKT

[1] Bán: một nửa.
[2] Ma: mài.
[3] Cải: thay đổi. (canh cải, cải thiện)
[4] Ba: sóng.

No comments:

Post a Comment