Tuesday, November 15, 2011

Nam Bắc du ki.

Xin lỗi bạn đọc, ngày hôm qua điện hư nên không đăng bài được.
Hôm nay sẽ khpở đăng bài viết du hành Nam Bắc. Khởi đầu là cuộc hôi ngộ với nhiều bạn và rất đông cựu học sinh. Sau đó là chuyến du ngoạn với nhiều kỉ niệm đầy mồ hôi, nước mắt. Nhiều khúc trích từ quyển Hải Thần Thịnh Nộ, quyển sách sẽ xuất bản, đã được giải thưởng cao nhất của báo Người Việt. Tôi xin nhắc lại đây là chuyện cũ chứ không phải đem ra chỉ trích.
Chân thành cám ơn
VHKT

 Nam Bắc du kí bài 1.

Cuối năm 2005, chúng tôi quyết định đi về thăm quê hương lần thứ 2 và làm một chuyến  du hành từ Nam ra Bắc, đây là chuyến đi ngược với sự Nam tiến, bành trướng lãnh thổ của dân tộc ta. Tham gia trong chuyến đi này ngoài vợ chồng tôi, gia đình Rick con trai tôi với cháu nội Lillian, còn gồm có vợ chồng Thắng (em trai út) Thiện, Cẩm Dung (em gái), con gái Cẩm Dung Minh Xuân với chồng Thành, con trai Joenathan; Tuy nhiên, Cẩm Dung cùng gia đình cháu Minh Xuân hẹn gặp chúng tôi tại Thanh Hóa vào ngày 19 tháng 12, nên khởi hành tại Sàigòn chỉ có ½ nhóm. Mục đích chính là thăm quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi chúng tôi đã lớn lên trong chiến tranh dành độc lập. Bên cạnh là để anh em xem phong cảnh, di tích lịch sử của đất nước và với chủ điểm là Nấp, Tân Phúc cùng Hà Nội. Các nơi này chất chứa nhiều kỷ niệm thời thơ ấu đầy gian truân.
Để tất cả anh em ra đi không trục trặc thời gian, và để mọi người có thể đi thăm gia đình hay việc cá nhân, nên chúng tôi chuẩn bị hơn nửa năm trước.
Vì chuyến đi có nhiều nơi không ai biết, và có nhiều phức tạp nên không thể theo một tour du lịch nào. Anh em chúng tôi quýêt định tổ chức chuyến đi ấy. Tôi nghiên cứu đường đi, ấn định tỉnh lỵ sẽ nghỉ đêm, rồi liên lạc với cô Phạm Nhung, một nhân viên tổ chức tour du lịch của công ty Onetravel international (SE3-1 My Khanh 3, PMH, Dis 7 ở Saigòn). Cô có nhiệm vụ thuê cho chúng tôi một xe hơi, máy tốt và tìm hộ một tài xế khá thông thạo đường đi nam bắc cùng liên lạc với các khách sạn để anh em có thể nghỉ đêm. Và kết quả cô đã thuê cho chúng tôi một xe van mercedes, được lắp ráp tại Việt Nam, 16 chỗ ngồi.
Trước năm 1975, ở miền Nam vận tốc trung bình một xe hơi là 70 km/giờ. Vận tốc trung bình này quá chậm so với các nước khác. Tuy nhiên, tôi chấp nhận vận tốc ấy để tính các quãng đường mà chúng tôi nên đi trong một ngày. Vậy khoảng đường 500 km từ Saigòn đến Nha Trang khoảng 9 giờ vừa đi vừa nghỉ, hay ăn uống dọc đường. Nếu có nghỉ chơi đâu đó khoảng ½ giờ thì tối đa cũng chỉ mất độ 10 giờ tổng cộng. Vậy nếu khởi hành 7 giờ sáng ở Sàigòn thì khoảng 5 hay 6 giờ chiều sẽ đến Nha Trang.
Vợ chồng tôi về trước gia đình con trai tôi mừơi ngày để có thể thăm anh em họ, học sinh cũ.
Lần về đầu tiên, rất nhiều em cựu học sinh trách tôi đã không báo trước để các em nơi xa có thể về gặp mặt. Vì chuyện này, khoảng 2 tháng trước khi về chúng tôi mua vé máy bay và sau đó thông báo bằng email cho một số học sinh ở Việt Nam về quyết định này. Các em mừng lắm.
Một tuần sau, Diệp Thị Bạch Huệ gọi sang báo cho biết các em sẽ làm tiệc gặp mặt. Bạch Huệ là học sinh lớp 11 năm 1975. Nếu kể học sinh chính thức thì em thuộc vào năm cuối cùng mà tôi dạy tại Lách. Em cũng thuộc lớp mà tôi đã làm chủ khảo trong cuộc thi tuyển vào đệ thất năm 1969.
Một hôm, tôi xuống chơi nhà Lộc, Tiệp và nói hai em nghe chuyện này. Cả hai em nói muốn theo tôi về cho vui vì biết sẽ gặp lại bạn bè rất nhiều, nhưng công việc bên này còn gặp nhiều khó khăn chưa hiểu giải quyết ra sao.
Vài ngày sau nữa, Bạch Huệ lại báo số học sinh tăng lên nhiều lắm ban tổ chức rất hào hứng. Tôi không hiểu vấn đề an ninh bên ấy như thế nào. Tôi chỉ sợ các em lại đông sẽ tạo khó khăn trong vấn đề an ninh. Nếu chính quyền làm khó tôi thì không sao nhưng nếu làm khó các em thì thật bất tiện. Tôi nhấn mạnh điểm này với Bạch Huệ thì em trấn an mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Lần về đợt đầu tôi nghe phong thanh phó chủ tịch huyện, và rất nhiều vai trò của huyện đều là cựu học sinh của tôi. Tuy nhiên, tôi không muốn lợi dụng tình thầy trò mà làm các em trong thế khó sử.
Cuối tuần ấy, Bạch Huệ lại cho biết rất nhiều anh chị ở xa cũng sẽ về thăm, trong số này có cả đại tá quân đội đương thời và phó chủ tịch tỉnh Bến Tre cũng sẽ lại. Tổng số có thể lên tới 5, 6 trăm người. Điều này chứng tỏ các em không quan tâm gì về vấn đề chính trị. Chỉ có tình thầy trò là trên hết. Huệ cho biết với số người này thì các em bên Việt Nam không có khả năng tài chính để lo tổ chức và các em muốn có một bữa cơm thân mật giữa thầy trò. Em còn cho biết thêm một số thầy cô nghe tin cũng muốn đến tham dự. Em hỏi tôi có thể giúp các em trong ban tổ chức vấn đề tài chính được không. Tôi biết nói là đất nước khá hơn, nhưng sao so nổi với Mỹ, nên tôi hứa đảm trách cho các em. Tôi nghĩ đây cũng là dịp để rất nhiều học sinh và thầy giáo gặp gỡ sau 30 năm xa cách.
Chúng tôi lại có dịp ghé Lộc, Tiệp và nói cho 2 em nghe chuyện mới được nghe. Hai em nhất quyết theo về và sẽ hỗ trợ tôi trong vấn đề tài chính. Tiệp lúc ấy đang làm chủ một tiệm tóc, móng tay, nhưng nhất quyết đi dù chỉ 1 tuần lễ. Thật là chịu chơi hết mình. Em lý luận, về lần nào cũng rất ít bạn lại gặp theo tôi về là chắc ăn. Nhưng các em vẫn e dè có chuyện không hay vì đông người quá.

No comments:

Post a Comment