Bây giờ là lúc tôi dã từ các em đi Sàigòn chuẩn bị về Mỹ. Tôi dự định đến nhà một cháu vợ khu Phú Lâm để nghỉ vài ngày. Muốn có nhiều thời gian ở lại Lách lâu hơn, nên tôi quyết định đi đò buôn từ Băng Tra lên.
Ngày trước 75, tôi đi đò từ Lách lên Mỹ Tho nhiều lần và chỉ đi ban ngày với đò Hồng Vân hay Đồng Tâm. Một đôi khi tôi cũng đón đồ từ Trà Vinh lên, nhưng chưa bao giờ đi đò từ Băng Tra. Đưa chân chúng tôi ngoài các cháu vợ như Toàn, Hưởng cùng cháu gọi Điệp bằng bà là Hiền còn có thêm hai cựu học sinh là Tấn Thành và Liễu. Mặt trời gần lặn, chiếc đò xuất hiện ở đầu vàm. Đò này lớn hơn hai đò Chợ Lách xưa nhiều, có hai từng, nhưng từng trên chỉ khoảng 1/3 của đò và nằm cuối đò. Từng trên tôi thấy vài chục chiếc võng và ngừơi nằm trên đó chen chúc.
Hai chúng tôi kéo va ly lên đò nhìn lại chào thân nhân tiễn đưa.
Việc đầu tiên là tìm hai cái võng để ngủ đêm. Sau đó đi ra mui ngắm cảnh mà mấy chục năm trước quá quen thuộc. Bây giờ cảnh hai bên bờ kinh Lách cũng khác xưa với nhiều nhà gạch làm lò lột, phơi nhãn sáng choang ánh đèn điện. Xưa khia nơi này chỉ có vài nhà tranh lụp xụp.
Đang đứng nhìn cảnh thì một cô chừng gần trên 20 tuổi, xinh đẹp lại hỏi tuổi bà xã. Khi bà xã đáp xong. Thấy lạ tôi hỏi:
- Sao lại cần tuổi khách hàng cô?
- Dạ để báo cho bảo hiểm.
Cô hỏi luôn:
- Còn anh. Nhiêu tuổi?
- Sáu mươi.
Cô nhìn tôi:
- Tui hỏi thật đó!
- Tôi nói thật mà.
Cô vừa đi vừa nói:
- Trời! Ngừơi 60 mà còn ngon lành hơn trai 30 nữa.
Thấy cô khen, tôi định khen lại nhưng kẹt bà xã đứng chần ngần đó, nên đành câm miệng. Hai vợ chồng quay lại võng ngồi.
Chạy một lúc đò cặp vào bến đò Chợ Lách. Tôi lại ra đầu mũi ghe nhận cái gạt tàn thuốc dưới dạng quả cầu gỗ mà Lương Văn Thế chính tay làm tặng tôi để kỷ niệm. Thật quý hóa khi các em tặng dù to lớn hay nhỏ nhưng đầy tình thân thương. Tôi thường cất các món kỷ niệm của các em vào một phần tủ, lâu lâu lại lôi ra nhìn. Lắm khi vật này có thể dùng nhưng tôi khong dùng chúng.
Khi quay lại võng thì ai đã nằm đó rồi. Cũng vừa khi đó cô phục dịch trên đò hăn nãy quay lại. Tôi khiếu nại:
- Cô chủ đò ơi! Võng tôi ai nằm mất rồi; chẳng lẽ đứng suốt đêm sao?
- Thôi chú xuống dưới khoang ngủ vậy.
Vậy hết được gọi anh.
Tôi hỏi:
- Dưới ấy có ai ngủ không?
- Dạ có; tui cũng ngủ dưới ấy.
Tôi mừng húm, chưa kịp trả lời thì nghe tiếng bà xã nói sau lưng:
- Thôi chúng mình cùng xuống. Đủ chỗ cho chúng tôi không cô?
- Dạ thưa đủ cô.
Thế là hết chuyện.
Đò vựơt bóng đêm ra đầu vàm rẽ theo sông Tiền về Mỹ Tho. Ngồi trên thuyền ngắm sông cái rông mênh mông trong bóng đêm cũng cho nhiều cảm giác là lạ. Lâu lâu, trên mặt sông trăng trắng một ánh đèn leo lét lờ mờ xuất hiện trong sương. Gần đến nơi thì dây là ghe câu đêm. Một lúc khác thấy một hàng đèn và một lố các vật nổi lênh đênh trên mặt nước, nhìn mà chẳng biết gì. Lúc kế bên mới biết dây là hàng phao làm bằng thùng phi; chắc đó là hàng đáy kiểu mới.
Đò này chạy suốt đêm; khi qua Mỹ Tho rẽ vào kinh Chợ Gạo rồi chuyền vào cửa Vũng Tầu rồi lên sông Sàigòn và đến sáng thì cặp bến Sàigòn.
Hai cậu cháu vợ anh kế là Hùng vài Ổi ra đón về nhà.
Hai vợ chồng vào nhà cháu nghỉ ngơi, và gặp vợ chồng cậu cháu khác tên Kha.
Vừa ngồi nói chuyện chưa nóng chỗ thì có điện thoại reo. Cậu cháu lại bốc điện thoại. Một lúc thấy cậu ta gọi:
- Dượng Út! Có một người học trò muốn nói chuyện với Dượng Út.
Tôi lại cầm điện thoại thì nghe bên kia giọng nói của một cô cựu học sinh:
- Trời! Thầy sao đi lẹ quá vậy! Em đi xa, nghe Thầy về mà lại thăm không kịp.
- Em là ai?
- Em là Nhạn! Nhạn đen đó Thầy.
- À thì ra là cô. Khỏe không em?
Nhạn ngày xưa là một cô gái da bánh mật. Rất duyên dáng.
Nói một lúc cô chúc tôi thượng lộ bình an. Hẹn gạp kỳ sau.
Vừa về chỗ ngồi, thì điện thoại lại reng. Cậu cháu lại nghe. Cậu lại gọi:
- Dượng Út! Lại học trò dượng gọi.
Lần này là Mỹ Hương em Mỹ Công. Cô ta hẹn chúng tôi lại ăn com chiều với gia đình cô và các cựu học sinh của tôi đang sinh sống ở Sàigòn.
Chúng tôi rất ngạc nhiên vì chúng tôi không biết số điện thoại nhà mà chúng tôi mới tới, vậy mà học trò tôi đã tìm ra.
Chiều hôm ấy, hai vợ chồng tôi lại nhà Mỹ Hương ăn cơm. Trong bữa tịêc thấy có Phi Hổ, nhà cạnh nhà thầy Hoa. Ngoài ra còn, Trần Thị Nguyên, Minh (nhà bán thịt Heo ngày trước) nên các em gọi đùa là Minh Heo. Một cặp vợ chồng nữa tới sau cùng là Khoái, Đào. Trần Quang Khoái là cựu học sinh của tôi, còn Đào là em cô Thu, người trước kia dạy cùng trường.
Thầy Trò lại có dịp hàn huyên vui ơi là vui.
Mỹ Hương kề lại chồng em mới qua đời. Hôm làm đám ma các chị em của Mỹ Hương là Mỹ Công, Vinh Hạnh, Mỹ Ngôn, Mỹ Vân Nhân anh và Nhân em đều tụ tập tại nhà em. Khi Hương đang sụt sùi khóc, khấn vài chồng ở bàn thờ thì các anh chị em ngồi nhà ngoài nói chuyện bàn tới tôi. Mỗi em kể một chuyện. Người thì kể tôi săn tay áo rưả chén hộ. Kẻ kể chuyện tôi dẫn một đàn đi bắt cua đồng. Có lúc tôi thò tay vào hang cua thật nhanh để bắt con cua mới chui vào lẹ quá làm sình phọt lên đầy mặt. Vui quá các em cười um cả nhà làm Mỹ Hương phải cố dằn không phì cười. Một lúc một em nhắc: Hôm ấy trời cũng khá nóng, tôi mặc áo mưa đi vào nhà em ăn cơm tháng. Thấy vậy Mỹ Hương hỏi: “Thày! Trời đâu có mưa mà Thày mặc áo mưa?” Các em nói tôi trả lời là quần bị thủng đít. Nghe đến đây Mỹ Hương phải phì cừơi trước bàn thờ.
Tôi lấy làm lạ, em mời một đám cả chục mạng mà bếp lạnh tanh, chẳng có một hiện tượng gì là ăn tiệc. Tuy gần đến giờ mà chẳng thấy nấu nướng gì. Một lúc sau, thấy vài xa Honda chở đủ thứ nào nồi, bếp, thịt cá nấu sẵn. Các cái bếp chỉ dùng để hâm nóng đồ ăn. Ra bằng bên Việt Nam có loại dịch vụ chỉ cần gọi nhà hàng là họ đem mọi thứ đến nhà theo đúng giờ ấn định.
Thầy trò lại ngồi nền nhà ăn cho rộng và vui.
Ăn Xong, các em yêu cầu tôi kể chuyện bên Mỹ. Tôi đêm cậu chuyện đi làm, thất nghiệp rồi đi tìm job 60 miles (96 km) xa nhà cho các em nghe. Cô con gái Mỹ Hương, ngồi trước của cứ vẻnh tai nghe. Nghe xong Phi Hổ nói: “Nghe Thầy kể em cứ tưởng đang đi coi hát bóng.”
Các em đòi tiễn chân vợ chồng tôi ra phi trường, nhưng tôi không chịu để tránh cảnh bịn rin lúc chia tay.
Ngày hôm sau, Mỹ Hương lại mời vợ chồng tôi đến nhà em chơi.
Vừa bước vào nhà, cô con gái Mỹ Hương kéo ghế mời:
- Hôm nay con mời Thầy ngồi đây nói chuyện con nghe!
Câu nói em làm mọi người cùng cười.
Mỹ Hương mời vợ chồng tôi di xuống tầu chạy tren sông Sàigòn, vưa ăn vừa ngắm cảnh, nhưng vợ chồng tôi từ chối, vì e rằng quá tốn kém cho em.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng tôi ra phi trường sắp hàng chuẩn bị lên phi cơ.
Bất ngờ nghe ai kêu:
- Thầy!
Hai chúng tôi quay lại thấy Trần Quang Khoái và vợ là Đào đang đứng nhe răng cười.
Chúng tôi cám ơn hai em cố tình tiễn chân, rồi rảo bứơc vào phi trường dã biệt đất nước mà nhờ đó chúng tôi đã khôn lớn, thành người và chất đầy kỉ niệm rất lưu luyến.
Lúc về đến Mỹ, tôi lôi quyển sổ nói các em ghi địa chỉ thì thấy nhiều em viết rất dài nói lên cảm nghĩ các em khi gặp lại. Nhiều bài đọc xong làm tôi ứa nước mắt.
VHKT 11-05-11
No comments:
Post a Comment