Thursday, December 1, 2011

Nam Bắc du kí bài 10

Vài ngày sau, vợ chồng tôi lên Saigòn đón cháu nội cùng con trai để chúng có dịp thăm bà bên ngoại. Ở lại đây vợ chồng tôi và con cháu kéo nhau lên Sàigòn.
Thắng Thiện và gia đình chúng tôi tụ tập tại Sàigòn hai ngày trước ngày ấn định để xem quang cảnh thành phố, rồi mới bắt đầu chuyến đi. Nơi đây, anh em chúng tôi đã khôn lớn, học hành, thành tài.
Về lịch sử Sàigòn thì ít người biết tới, tuy rằng sinh sống nơi đây lâu. Về lịch sử của Sàigòn nói riêng và Miền Nam nói chung là cả một bầu trời ảm đạm thê lương, bao lần đổi tay, thay chủ cho đến ngày trù phú như hiện nay.
Sàigòn và cả miền Nam xưa kia thuộc nước Phù Nam, một nước được thành lập hồi đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 7. Đây là quốc gia đầu tiên ở vùng châu thổ Cửu Long. Về phía đông, quốc gia này chạy dài từ Cao Nguyên Trung Việt, Phan Rang và xuống đến Cà Mau. Phía tây và tây nam, Phù Nam lan xuống đến nam Mã Lai, còn phía tây bắc lên tận Miến Điện. (Theo ông Viện Trưởng viện Khảo Cổ Hà Nội, trong một cuộc họp mới đây giữa các nhà sử học của Mỹ, Campuchia và Việt Nam thì quốc gia này là một đế quốc chạy dài từ Ấn Độ, sang Nam Dương, vượt quần đảo Trường Sa đến tận Phi Luật Tân).
Trong thời gian còn thuộc về Phù Nam, Sàigòn mang những huyền thoại về thần rắn Naga. Theo huyền thoại thì một người từ Ấn Độ nằm mơ thấy thần khuyên bảo. Người này thức dạy vào đền lấy một cây cung, đem binh lính sang đánh Nữ Hoàng Soma- con của vua rắn hổ (cobra) ngự trị vùng nam của Đông Nam Á. Ông này đánh bại Nữ Hoàng Soma, rồi lấy bà này làm vợ. Hai người chiếm lấy vùng đất này và lập nên nước Phù Nam. Nước Khmer sau này cũng coi rắn thần 9 đầu là vợ của vua. Hàng đêm, rắn thần biến thành một giai nhân về ngủ với vua. Sau khi chăn gối với người vợ rắn, vua đến thăm các bà vợ người.
Đến nay tôi chưa được đọc một tài liệu chi tiết nào về thần rắn này (Theo Wikipedia đó là Cobra- rắn Hổ), tuy nhiên tôi có dịp nghe kể lại về loài rắn khổng lồ ở Rừng U Minh: rắn hổ mây. Đây là một loài rắn (trăn) lớn nhất Việt Nam, và có thể là loài rắn lớn nhất thế giới. Chẳng hiểu thần rắn Naga và hổ mây có liên hệ gì không? Cách đây hơn 13 thế kỷ thì Sàigòn cũng chỉ là rừng và nước như U Minh thôi, vì hơn 6000 năm trước Cả Campuchia lẫn miền Nam còn chìm trong biển cả. Cùng thời gian này, kiến thức con ngừơi còn nông cạn nên có thể lầm các loài rắn. Con càng to thì càng độc chăng?
Ngày dạy học ở Chợ Lách, tôi quen một thầy giáo tiểu học tên Lê Vinh Hoa- Ông làm hiệu trưởng trường tiểu học xã Vĩnh Bình, Chợ Lách- Vĩnh Long trước năm 1971. Ông thường kể cho tôi nghe những câu chuyện về loài rắn này. Trong thời gian 1946-1954, ông vào rừng U Minh tham gia kháng chiến chống Pháp. Một hôm, ông và một người bạn phải đi công tác. Hai người chèo ghe đi từ lúc chưa bình minh. Lúc trời mới hừng sáng, hai người thấy trong sương mù, một thân cây dừa nhô lên khỏi mặt nước khoảng 2 mét, đang lắc lư giữa sông. Lúc tới gần, hai người nhận ra đó là con rắn hổ mây đang bơi kiếm mồi. Một lần khác, ông và vợ đang nấu cơm trong bếp thì nghe tiếng động lạ ở mái nhà. Hai người cùng nhìn lên thì nhận ra đó là đầu con rắn hổ mây to như trái dừa thò vào lỗ thủng nhìn hai ông bà, trong khi mình còn trườn trên mặt đất. Vì thấy có lửa nên con rắn bỏ đi. Còn rất nhiều chuyện ly kỳ liên quan đến loài rắn này.
Theo đài National Geography, và Discovery trên thế giới có hai loài rắn lớn nhất. Loài thứ nhất sống ở ven sông Amazon- Brazil. Lòai rắn này có tên là anaconda- dài khoảng 24 feet- gần 7 mét rưỡi. Cách đây độ hai năm, Hollywood có cho ra một cuộn phim giả tưởng lấy tên là Anaconda, kể lại một câu chuyện của một nhóm khoa học gia vào vùng Amazon nghiên cứu về loài rắn này. Loài thứ hai sống ở vùng Đông Nam Á- gọi là python (trăn). Loài này thân nhỏ hơn anaconda, nhưng dài trên 29 feet- khoảng 9 mét. Nếu Việt Nam cũng có một nhóm chuyên viên tài năng làm cuốn phim tên Hổ Mây thì chắc hấp dẫn lắm. Cách đây không lâu, ở Mã Lai người ta tìm thấy một con trăn nuốt chửng một người đàn ông vào bụng.
Tôi không biết loài rắn hổ mây này có phải chính là loài python mà đài National Geography và Discorver đề cập đến hay không?
Năm 630, Chân Lạp, một tiểu quốc của Phù Nam, nổi lên thôn tính Phù Nam. Chẳng bao lâu sau, Chân Lạp bị phân chia thành hai: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp; Nam Kỳ lúc ấy thuộc Thủy Chân Lạp.
Sự suy thoái của Thủy Chân Lạp, tiếp theo là các cuộc xâm lăng của triều đại Sailendra từ Java, nước này đã mất vùng châu thổ Cửu Long năm 790. Mãi cho đến năm 802, một người Chân Lạp thuộc địa phận Khmer lập nên một Đế Quốc Khmer, đó là vua tên Jayavarman II,  thì vùng này lại nhập về chủ cũ.
Đến thế kỷ 17, Vua Chey Chettha II (1618-1628) của vương quốc này lấy con gái của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Phật- vị chúa thứ 2 của nhà Nguyễn- 1613-1635). Năm 1623, Ngài cho người Việt tỵ nạn chiến tranh Nam Bắc vào định cư tại Prey Nokor. Làn sóng người Việt vào đây càng ngày càng nhiều rồi người Khmer trở thành thiểu số. Năm 1644, nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt, một số tướng Minh chạy sang miền Nam đầu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lúc ấy Phúc Lan (Chúa Phúc Tần hay chúa Hiền) cho hai hàng tướng Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đem hơn 3000 người trên 50 chiến thuyền vào khai phá đất của người Khmer; ấy là vùng Gia Định Mỹ Tho ngày nay. Năm 1697, Chúa Nguyễn Phúc Chu lấy Đồng Nai, đặt Biên Chấn (Biên Hòa), lập huyện Tân Bình ở vùng Prey Nokor- Prey Nokor đã đổi tên thành Sàigòn, rồi cả miền Nam từ từ rơi vào tay người Việt. Một trong các người có công nhất phải kể tới danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh.
Trong thời gian từ 1775 đến 1800, Sàigòn thay tay đổi chủ nhiều lần giữa Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Sau Nguyễn Ánh sang cầu cứu Pháp. Năm 1788, Pháp cho các tàu chiến: Dryade và Garonne đánh chiếm Sài Côn (tên cũ cũa Sàigòn). Nguyễn Ánh về lập kinh đô ở đây. Sau đó với sự trợ giúp của Pháp, Ánh đem quân sang đánh và diệt được Nguyễn Quang Toản (Cảnh Thịnh),  năm 1802.  Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, đổi tên nước là Nam Việt. Vua Càn Long- Nhà Thanh, sợ nước ta muốn đòi lại những vùng đất thuộc Nam Việt thời Triệu Đà (bao gồm từ nam ngạn sông Dương Tử) nên đổi Nam Việt thành Việt Nam. Kể từ năm 1804, nước ta có tên là Việt Nam. Đến năm 1831, vua Minh Mạng cải tổ rộng rãi chia Việt Nam, chia Việt Nam làm 33 tỉnh và Nam Kỳ làm 6 tỉnh gồm Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Sàigòn thuộc tỉnh Gia định. Sau năm 1954, Saigòn trở thành thủ đô của VNCH.
Ngày nay Saìgòn được mở rộng xuống đến Cần Giờ ở phía đông nam và Củ Chi ở phía tây bắc, nên diện tích của  thành phố là 2095 km2 lớn hơn trước nhiều, nhưng rộng thứ 49 trên 63 đơn vị hành chánh của VN ngày nay (cập nhật năm 2011). Về dân số, theo thống kê mới đây, thì đứng đầu toàn quốc với 7.165.200 người. Đây là thành phố cấp I, trực thuộc trung ương.

No comments:

Post a Comment