Sáng ngày 11 tháng 12, trời Sàigòn quang đãng, khí hậu vẫn hơi hầm hầm, nhưng tốt hơn mấy hôm trước mưa tuôn tầm tã. Đây là chuyện thật hiếm thấy vì tháng này chính là tháng khô ráo ở miền nam. Theo một báo của Liên Hiệp Quốc thì biển Đông VN đã đổi điều kiện, có thể vì vậy mà thời tiết VN đã đổi chăng? Chúng tôi đều mừng vì có thời tiết tốt để du lịch. Xe đến khách sạn lúc 7 giờ sáng. Tất cả nhóm thứ nhất lên xe, nhắm hướng bắc trên quốc lộ I trực chỉ.
Xe ra khỏi Sàigòn thì vào địa phận tỉnh Đồng Nai. Đây chính là tỉnh Biên Hòa và Long Khánh nhập một. Tỉnh có vườn quốc gia Cát Tiên và hồ Trị An, nơi có đập thủy điện Trị An cung cấp điện cho Sàigòn. Tỉnh có diện tích 5903 km2 đứng thứ 24 và gần 2 triệu dân đứng thứ 5. Tỉnh lỵ là thành phố Biên Hòa. Về lịch sử thì gắn liền với Sàigòn.
“Nhà Bè nước chảy chia hai.
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.”
Đá Chồng Định Quán bên lề.
Biên Hòa bưởi ngọt tứ bề biết tên.
Trị An, Long Ẩn kề bên.
Cát Tiên có vật của đền Phù Nam .
Qua khỏi Đồng Nai, quốc lộ I trở thành nhỏ hơn, nhưng có hai lối xe và được sửa chữa tu bổ không đến nỗi tệ. Tuy nhiên xe chỉ chạy vận tốc 50km/giờ. Theo cậu tài xế, Phương, nhà nước không cho phép xe chạy nhanh hơn, vì quá nhiều người đi bộ và đi xe gắn máy vẫn chạy ẩu không có một luật gì và dễ dàng gây tai nạn. Theo một thống kê mà tôi đọc được khoảng năm 2003, thì Việt Nam là một quốc gia có tai nạn lưu thông nhiều thứ 3 trên thế giới (Nam Dương chiếm số một). Như vậy là kế hoạch của tôi sẽ bị diên trì thời gian đến điểm ấn định.
Buổi trưa hôm đó, trời có mây mù, chúng tôi vào địa phận tỉnh Bình Thuận. Quãng đường ra khỏi Đồng Nai thì còn hai lằn đường: một vào nam và một ra bắc, không rộng rãi nữa, nhưng tráng nhựa khá tốt. Xế trưa, chúng tôi qua ngã ba rẽ vào Hàm Tân. Trước 75, Hàm Tân là một tỉnh lỵ của tỉnh Bình Tuy. Đây chỉ là một ngư cảng. Năm 1977, tôi cũng đã từng đến đây lo móc nối vượt biên. Tại Ngã Ba Hàm Tân này có một đồn công an chặn tất cả nhưng ai có ý vượt biên. Một lần, tôi cũng đã bị giữ tại đây vài giờ vì bị nghi vượt biên, nhưng chiều tối họ thả ra. Bây giờ thì chẳng thấy đồn bót gì cả mà là một ngã ba rộng rãi.
Đến trưa, chúng tôi ghé thị xã Phan Thiết, tỉnh lỵ của tỉnh. Về lịch sử, Bình Thuận là một phần đất cuối cùng mà ngừơi Chiêm Thành chiếm giữ sau khi Trà Toàn bị vua Lê Thánh Tông đánh bại vào năm 1470.
Sông Cái (Cả)- Phan Thiết
Lúc ấy tứơng Chiêm là Bồ Trì Tri chạy vào Phan Rang lập quốc gia nhỏ bé gồm cả Bình Thuận, nhưng rồi chúa Nguyễn Phúc Chu hoàn toàn chấm dứt năm 1693.
Tỉnh này, bố mẹ tôi cũng đã sinh sống trong khoảng thời gian 1935-1940, và người chị đầu lòng, Cẩm Lý, đã được sinh ra đời ở tỉnh này.
Bây giờ tỉnh nhập luôn tỉnh Hàm Tân vào làm một huyện. Tỉnh có diện tích là 7810 km2, đứng thứ 14 về diện tích và dân số 1 triệu 171 ngàn dứng thứ 29. Tỉnh lỵ là thành phố Phan Thiết.
Tỉnh lỵ khá khang trang, tươm tất. Bến ghe của ngư phủ ngay bên tỉnh, nhưng được giữ gìn sach sẽ. Sau khi thăm vài ba địa điểm trong tỉnh lỵ, chúng tôi quyết định ăn cơm ở một quán ăn bên ngoài thị xã. Cơm ở đây có phần rẻ, ngon và sạch với món cá thu chiên cùng với nước mắm nổi tiếng. Tỉnh có nhà máy sản xuất nước lọc Vĩnh Hảo vang danh từ trước 1975 ở miển Nam .
Nhàn vào Bình Thuận, Hàm Tân.
Vĩnh Hảo, Phan Thiết có phần nổi danh.
Suối Tiên, Mũi Né trong xanh.
Còn đảo Phú Quí sao đành làm ngơ?
Chiêm Thành vùng cuối cõi bờ.
Ngàn năm đã mất; ai ngờ được đâu?
Công viên vào Trung Tâm thành phố với các tà áo trắng làm tôi nhớ thời dạy học.
No comments:
Post a Comment