Khi quay trở ra tới đầu chợ thì thấy lố nhố mấy cô gái cũng ra khỏi chợ phía bên kia. Nhìn kỹ lại thì nhận ra một chiếc áo trắng tím ấy là vợ và đám học trò của tôi.
Thầy trò mừng rỡ vô cùng, thuê xe lam đi tiếp.
Trên xe, các cô cho biết mấy ông sĩ quan chở các cô đến chợ mà không chở vào bến xe. Các ông còn dặn nếu có gì các ông sẽ kiếm lại trưa nay nếu lạc. Mấy cô còn tố khổ mấy ông này dê quá chừng. Nhưng chắc đây là bệnh truyền nhiễm hay lây.
Thật là may, tôi chỉ đoán các cô đói nên đến chợ kiếm đồ ăn, không ngờ mấy người kia lại bỏ các cô xuống đây.
Xe chạy đến làng Bá Hà thì tôi nói ông tài xế ngừng lại cho mọi người tham quan. Chẳng hiểu sao làng lại có tên Bá Hà hay tại làng làm nghề cá nên nói lái lại của Hà Bá?
Hà Bá là một làng ven biển, có bãi cát trắng phau, với những cây dừa mọc ngả nghiêng. Sóng biển đổ trắng xóa từ rất xa ngoài bãi. Như vậy có thể là bãi rất lài. Trên bãi cát có các cái thúng lớn mà ngư dân miền Trung ưa dùng để di chuyển. Chúng tôi cũng thấy một số thuyền nhỏ được kéo lên bờ tránh sóng. Cả đám chúng tôi săn quần lội vào nước chơi giỡn cho vui và nhận thấy biển rất nông như dự đoán.
Nói chung, đây là một bãi tắm rất tốt, đẹp, không nguy hiểm, nhưng chỉ tiếc một điều là trên bãi cát đẹp đẽ ấy quá dơ vì phân người. Nay tôi không hiểu đó đã giải quyết việc này chưa, chứ hồi chúng tôi ghé (1973) thì dân làng dùng bãi cát này làm cầu tiêu.
Chơi đây độ một giờ, chúng tôi lại lên xe đi Hòn Khói. Qua Hà Bá vài cây số thì xe chạy vào vùng không còn làng mạc. Bên tay phải chúng tôi là các ruộng muối chạy ra sát biển, sóng vỗ trắng xóa. Còn bên trái cũng là ruộng muối chạy sát vào các chân đồi rồi nối tiếp là các ngọn núi mờ xanh phía xa xa. Trên các ruộng này các phu làm muối đang cào muối, gánh muối với các bàn chân không, làm tôi nhớ lại thủa gánh mạ, gánh phân và gánh lúa lúc còn nhỏ ở Thanh Hóa. Lòng tôi cảm thấy thương kẻ lao động chân tay.
Xe chạy trên một con đường nhỏ, hai bên là các ruộng muối mênh mông. Các em nay lại được thấy mà từ trước đến lúc ấy chỉ được biết qua sách vở. Tôi cũng nhắc lại cho các em biết cách làm muối. Đây là một bài học sống động và rất thực tiễn.
Khi xe ngừng lại một chân đồi, tôi dắt các em leo lên đó. Hai bên lối đi chỉ thấy các mảnh đạn bom cùng một vài khúc của một khẩu súng hoen rỉ. Lên đến đỉnh đồi thì thấy một ngọn đồi thứ hai chạy ra biển, bao ba mặt là nước. Đây là một bán đảo nhỏ với một ngôi nhà gạch đổ nát trên giữa đỉnh đồi, nhìn nửa giống lâu đài nửa giống lô cốt. Cây cỏ nơi đây vàng úa vì thiếu nước mưa cùng đất đai rất cằn cỗi sỏi đá.
Khi sang đến ngọn đồi thứ hai thì nhận thấy nhiều đoạn dây kẽm gai mục nát vài cái nón sắt thủng lỗ cũ kỹ mằm rải rác trên đồi. Vậy đây là một nơi đã xẩy ra một trận chiến dữ dội từ lâu lắm rồi. Có thể đó là vết tích cuộc chiến giành độc lập từ tay người Pháp. Con đường chính to lớn dẫn đến lâu đài thì thanh hoang phế cỏ cây mọc làn tran, đất cát che lấp nhiều nơi. Một con đường mòn nhỏ ngoằn nghèo, gập ghềnh, chen qua các bụi sim mua, nối từ đồi thứ nhất đến ngôi lâu đài.
Đến ngôi nhà mới nhận ra đây có lẽ là lâu đài nghỉ mát của một ông Tây nào đó, to lớn và tường rất dày. Các cửa ra vào cũng như cửa sổ chỉ còn là các lỗ trống, không cánh cửa. Chúng tôi vào trong ngồi nghỉ mát. Các bức tường toàn là vết đạn lớn nhỏ loang lổ với các mảng rêu xanh vàng. Tuy tàn mục, nhưng bên trong không đến nỗi tệ, chỉ có rác rưởi tạo ra bởi cành lá bay vào chứ không cố xú uế. Tôi nghĩ chắc lúc đầu một ông quan hay người đại phú nào đó xây lâu đài nghỉ mát, nhưng khi chiến tranh xảy ra mãnh liệt, thì người Pháp đã biến đây thanh đồn bót và rồi các trận chiến xẩy ra ngay trên vùng nghỉ mát này.
Từ trong lâu đài nhìn ra bốn bên đều đẹp. Phía tây thấy đồi núi chập trùng với một vài thôn xóm lờ mờ dưới chân. Hướng bắc nam, là biển vịnh bao quanh cũng là núi, còn hướng đông nhìn ra biển cả mênh mông. Ngoài xa khơi thấy vài thuyền buồm đánh cá, nhưng không một chiếc thuyền xuồng nào gần trong phạm vi 1 cây số. Chung quanh ngọn đồi là biển rất nông. Chúng tôi thấy một vài người lội ra cách bờ cả cây số, nước mới đến bụng. Vì lý do ấy mà không thuyền bè nào vào gần bờ cả. Hơn thế nữa vì biển nông nên sóng không thể lớn được. Sóng đã đổ từ xa cả cây số nên quanh đây biển tựa như một cái hồ thật rộng, soi hình những đám mây trắng bập bềnh trên nền trời xanh.
Trên lầu thì đổ nát càng nhiều có lẽ tại đạn bắn. Mái thì thủng thấy trời xanh còn dấu vết này cũng rất cũ kỹ. Đây lại một lần nữa chứng tỏ rằng chuyện hoang phế xẩy ra lâu lắm rồi.
Quả tình người nào chọn đây làm nơi nghỉ mát thật không ngoan, chỉ tiếc là không đúng thời.
Chúng tôi ngả bánh mì cá hộp ra ăn, trong gió biển mát rựơi, thật vui và ngon miệng.. Khát thì chúng tôi có sẵn nước lọc mà tôi đã chỉ các em chuẩn bị từ đêm trước. Thật bõ cho lúc thầy trò thất lạc, đầy lo âu.
Chơi đây cho đến lúc nắng ngả về tây mới lên xe về nhà.
Tổng cộng thầy trò ở Nha Trang khoảng 1 tuần thì lên đường về lại Chợ Lách kết thúc chuyến đi.
No comments:
Post a Comment