Lên tháp
Tháp Bà là do tên Po Nagar dịch ra ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 25 hay 35 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, và ngay đầu cầu Xóm Bóng, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Thật ra tên gọi "Tháp Po Nagar" là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét trong cả quần thể có nhiều tháp trên đồ, nhưng người ta dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) ảnh hưởng mạnh mẽ tới người Chăm. Trong một phái Ấn Độ giáo thường có ba thần hợp chung thành bộ tam thần Trimurti là Brahma, Vishnu, và Shiva đại diện cho ba khía cạnh thần thánh của Ấn Độ giáo. Trong trường phái tư tưởng tôn giáo này, Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Shiva là đấng hủy diệt hoặc biến đổi. Đền này xây vào thời đang cường thịnh khi nước Chiêm Thanh trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc. Đền này thờ tượng nữ thần có hình dạng của Umar , vợ của Shiva.
Theo tuyền thuyết của Ấn giáo thì Nữ vương Po Nagar - còn có tên là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar - là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển. Bà là người tạo dựng ra trái đất, sản sinh ra hầu hết các thảo mộc từ cây cối và lúa gạo đến gỗ quí. Nữ vương chỉ có sơ sơ 97 ông chồng vì đạo này theo mẫu hệ. Trong các ông này thì ông Po Yan Amo là người chồng có quyền lực cao nhất và được tôn trọng hơn cả.
Bà Po Nagar sinh ra 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần. Trong đó có ba người được người Chiêm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay đó là Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara bảo vệ đất Khánh Hòa; nữ thần Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga bảo vệ Ninh Thuận và nữ thần Po Bia Tikuk có nhiệm vụ bảo vệ đất Phan Thiết.
Theo thuyết xưa, tượng bà Po Nagar, mà người Việt còn gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chiêm, không mặc quần áo. Tôi cũng không biết tại sao người Việt gọi là Thiên Y; phải chăng thiên y: quần áo trời cho tức là không có quần áo chăng? Một số người Việt Nam rất tôn sùng Po Nagar, nhưng đã cho nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật. Đây không phải là kinh đô Chiêm Thành, cũng không phải là đền đài chính của nước Chiêm, nhưng nó lại là nơi người Việt biết nhiều nhất nhờ vào vị trí. Hiện nay, được ngôi đền này cũng nổi tiếng đối với các du khách các nước khác.
Nguyên thủy, tháp này được làm bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma người cai trị Lâm Ấp từ năm 646 đến năm 653. Sau này tháp được vua Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng trên một ngọn đồi tên Aya Tră (đồi hiện tại bên Xóm Bóng) để thờ tượng bằng vàng nữ thần Bhagavati. Năm 774 , quân vương quốc Sailendra ở thuộc đảo Java (Nam Đảo, Nam Dương) vào cướp phá. Quân này đã chiếm Thủy Chân Lạp như đã viết phần Saigòn. Đền Po Nagar, bị quân Sailendra phá hủy. Sau đó được vua Chiêm Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay. Tuy nhiên, tháp cũng đã bị hư hại một phần đáng kể. Sau này, quốc vương Harivarman I và con trai ông là Vikrantavarman III đã lần lượt xây dựng thêm 5 tháp nữa vào khoảng thế kỉ 10 và 11, tạo ra quần thể kiến trúc hiện nay.
Những bia ký còn sót lại ở Po Nagar cho người ta thấy được dấu vết của một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ. Cũng dựa vào sử thì nước này có thời kỳ hùng cường đã từng đem quân đánh đế quốc Khờ Me và chắc ai cũng nhớ chuyện Chế Bồng Nga đem quân đốt phá Thăng Long đời mạt Trần. Đất Đại Việt cũng đã từng khốn đốn, điêu đứng với dân tộc Chiêm.
No comments:
Post a Comment