Wednesday, December 14, 2011

Nam Bắc du kí bài 18

Nay quay lại với cuộc du lịch Nam Bắc.
Xe vượt cầu Xóm Bóng thì mưa càng nặng hạt hơn, nhưng chúng tôi vẫn ghé lại để ngắm một di tích lịch sử của một dân tộc đã mất nước: tháp bà Ponaga. Con và cháu tôi thì chưa từng tới đây nên rất hào hứng để xem. Tôi rất hãnh diện ông cha ta đã mở mang bờ cõi, nhưng cũng không cầm nổi nỗi ngậm ngùi thương cho dân tộc Chiêm Thành đã vong quốc. Mưa càng lúc càng lớn; những hạt mưa từ trời rơi xuống hay đây là nước mắt đau buồn của dân tộc vong quốc. Tôi chợt nhớ tới bài hát Hận Đồ Bàn. Anh em, con cháu mua vé và cũng không quên mua thêm mấy cái dù rồi theo nhau leo lên đỉnh đồi. Tuy trời mưa lớn, nhưng vẫn có một số du khách viếng thăm cũng như đốt nhang khấn vái.
Trên đồi nhìn xuống thấy có chiếc ghe neo bên bờ làm tôi liên tưởng tới bài thơ Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục. Bài thơ này cũng nhắc tới một vuong quốc bị tiêu diệt.

泊秦淮           Bạc Tần Hoài[1]

煙籠寒水月籠沙
Yên lung[2] hàn thủy nguyệt lung sa[3] ,
夜泊秦淮近酒家       
Dạ bạc[4] tần hoài cận tửu gia .
商女不知亡國恨       
Thương nữ bất tri vong quốc hận ,
隔江猶唱後庭花       
 Cách giang do xướng hậu đình hoa .
 杜牧                                       Đỗ Mục[5]
Đậu Bến Tần Hoài
Khói in nước lạnh trăng in cát,
Đêm Tần Hoài đậu cạnh tửu-gia.
Ca nữ đâu hay sầu nước mất,
Cách sông còn hát Hậu đình Hoa
Trần Trọng San.

Khói vờn cát trắng, trăng soi nước.
Buổi chiều tà, đậu trước tửu gia.
Ca nhi chẳng biết nước nhà.
Quốc vong vẫn hát bài Hoa Hậu Đình.
                                               VHKT 2002
Khói sương, cát nước ánh trăng sa.
Chiều đến, đậu thuyền trước tửu gia.
Ca nữ biết đâu gì quốc hận.
Quốc vong vẫn hát Hậu Đình Hoa[6].
                                               VHKT 2002


[1] Tần Hoài: còn gọi là Hoài Thủy, tên con sông lớn thứ 3 bên Trung Quốc. Sông này chảy qua ba tỉnh: Hà Nam, An Huy và Giang Tô.
[2] Lung: 1. cái lồng. 2. lồng nhau
[3] Sa: cát.
[4] Bạc: 1. ghé thuyền, đỗ thuyền. 2. đạm bạc
[5] Đỗ Mục (杜牧), tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An, nay là tỉnh Thiểm Tây), sinh vào cuối đi Đường Đức Tông (742- niên hiệu Trinh Nguyên). Ông nội Đỗ Hựu giỏi về lý tài, vừa là một sử gia biên soạn sách Thông điển đã làm tể tướng. Anh ông là Đỗ Sùng, phò mã, làm đến tiết độ sứ, rồi tể tướng. Ông là một người thanh tú, hào hoa, nổi tiếng văn tài. Đậu tiến sĩ năm 26 tuổi, làm chức đoàn luyện tuần phủ Giang Tây rồi Tiết độ sứ Hoài Nam. Lúc ấy ông ăn chơi các tửu lâu thả cửa. Khi ông làm giám sát ngự sử Lạc Dương, có quan tư đồ Lý Nguyện nuôi nhiều kỹ nữ xinh đẹp. Một hôm ông này mở tiệc nhưng không mời Đỗ Mục, vì biết ông này phong lưu. Ông bắn tiếng nhờ bạn bè giới thiệu và cuối cùng ông này phải mời Đỗ Mục. Trong bữa tiệc ông đòi gặp mặt danh kỹ Tử Vân. Ông làm thơ tậng nàng một cách rất thản nhiên. Kết quả chủ nhân phải đem tặng co ca kỹ này cho ông. Năm 835 ông đi chơi Hồ Châu, gặp một cô bé 13 tuổi, bèn dem vàng lụa đến kết duyên hẹn 13 năm sau quay về cưới. Nhưng cuộc đời thay đổi ông không về đó đúng hẹn vì bị thuyên chuyển. Khi có cơ hội quay về thì người đẹp đã có chồng. Ông mất năm 852.

[6][6] Hậu đình hoa là tên một bài thơ được phổ nhạc đời hậu Trần bên Trung Quốc. Nước Trung Quốc bị phân chia thành nhiều tiểu quốc sau thời Tam Quốc mà ta đã đọc truyện Tam Quốc Chí. Thời này gọi là Thập Lục Quốc kéo dài cho đến năm 439. Sau thời này nước TQ tiếp tục bị chia 2 và được gọi là Nam Bắc Triều với ranh giới là gần sông Hoàng Hà kéo dài từ 420 đến 589. Nhà Hậu Trần là một đời của Nam Triều vào cuối thời kì. Trần Hậu chủ là ông vua phong lưu tài tử của Nam Triều. Trong cung lúc nào cũng có hàng trăm cung nữ tuyệt đẹp. Trong số ấy có hai cô đẹp nhất là Khổng Quý Tần và Trương Lệ Hoa được nhà vua sủng ái. Hai cô này không những đẹp mà còn có tài thi phú thường cùng Trần Hậu Chủ xướng họa yến tiệc liên miên. Trong các bài ca xướng có bài Hậu Đình Hoa. Vì ham mê sắc đẹp nên Hậu Chủ bê trễ việc nước sau bị Dương Kiên thôn tính lập ra nhà Tùy. Theo sử Trần Hậu Chủ cùng hai cung nữ Khổng, Trương chết dưới một cái giếng. Lúc quân Dương Kiên tiến vào thì họ đang hát bài này.

No comments:

Post a Comment