Monday, October 17, 2011

Trở về. Bài 1

(Vì những người viết bài, kể cả tôi, không phải là dân đánh máy chuyên nghiệp nên lắm khi phạm lỗi chính tả. Mong các bạn đọc thứ lỗi.)

Năm 2001, sau 20 năm xa quê nhà, và sau 25 năm xa gia đình bên vợ cũng như ngôi trường cùng học sinh của tôi nơi Chợ Lách, vợ tôi rủ tôi về quê thăm mẹ nàng cùng bà con ruột thịt trong vòng 2 tuần lễ. Năm đó, má vợ tôi đã 88 tuổi. Tôi nghe nhiều bạn đã cho biết Việt Nam nay đã cởi mở hơn trước nhiều từ khi ông Nguyễn Văn Linh chủ trương đường lối ấy. Vì vậy tôi đồng ý với vợ làm một chuyến đi lịch sử đối với gia đình tôi.
Sau một chuyến bay dài gần 18 giờ máy bay Boeing 747 đáp xuống phi trường Đài Bắc- Đài Loan. Chúng tôi chuyển sang phi cơ nhỏ hơn , A320 của Air Bus. Hai giờ sau phi cơ cất cánh bay về Sàigòn và 4 giờ sau phi cơ vào đất liền vùng Phan Thiết. Lòng tôi bỗng trào lên một càm giác hồi hộp, nhìn lại mảnh đất thân yêu. Sau gần trọn một ngày một đêm, máy bay lượn trên không phận Sàigòn. Nhìn qua cửa sổ máy bay, tôi thấy nhà cửa Saigòn vẫn chi chit như nấm, có mái thì xám có mái thì vàng nâu hoen ố vì đó là các mái tôn bị rỉ sét. Tôi cảm thấy thương quê hương còn đang nghèo khó. Máy bay từ từ hạ cao độ và từ từ đến gần phi trường Tân Sơn Nhất. Khi gần đáp xuống phi đạo tôi thấy rất nhiều căn nhà làm bằng xi măng vòm cong đen đen xám xám, xanh xanh, vàng vàng. Đó là các bunker chứa máy bay của quân đội Mỹ còn để lại và không bảo trì nên gần tàn phế.  
Máy bay chúng tôi không thể vào sát các tòa nhà tiếp khách của phi trường như những phi trường chúng tôi đã qua như Los Angeles, Đài Bắc mà phải đậu khá xa.  Khi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi đều có những xúc cảm khó tả. Khi trốn chạy thì những người vượt biên bị coi là "Phản Quốc". Khi trở về, chúng tôi được coi là "Việt kiều Yêu Nước". Một số xe bus loại nhỏ ra chở chúng tôi về trạm hàng không chính.
Các tòa nhà chính của phi trường đều cũ kỹ trừ tòa nhà tiếp khác đến từ nước ngoài như chúng tôi thì mới nhưng chẳng có máy lạnh như nơi khác nên chúng tôi toát mồ hôi. Trên tường tôi thấy các khẩu hiệu hô hào đừng đút lót đỏ chói. Vợ tôi lo trình giấy tờ còn tôi phài lo kéo một số va li hầu hết là quần áo cũ để cho thân nhân hay bà con nghèo trong xóm. Tôi đang loai hoay thì nghe người công an lo việc xét giấy tờ nói với vợ tôi cho tôi đứng sang một bên. Tôi nghĩ họ làm khó dễ, nhưng cũng ráng kéo hai xe chứa đầy va li đó đi đên nơi chỉ định.
Một phút sau, bà xã tôi cũng đến chỗ tôi rồi nói:
- Xong rồi anh. Mình đi được rồi.
Tôi vừa kéo xe vừa hỏi:
- Làm sao họ cho em đi sớm vậy?
- Thì em kẹp 10 đô vào cái visa và passport của mình mà.
- À ra là như vậy.
Một số thanh niên bỗng bu lại quanh chúng tôi kẻ thì rờ va li, kẻ thì phụ đẩy xe, nhưng sau đó quay ra xin tiền dù là họ chưa làm việc gì nặng nề cả. Tuy vậy bà xã tôi cũng thương tình cho mỗi anh 5 đô.
Ra đến ngoài cổng, tôi để bà xã tôi đi trước, vì bà ấy đã liên lạc về gia đình thuê xe lên đón. Tuy rằng tôi cố sức cản bà nhiều lần. Theo ý tôi, các người lên đón làm họ khó nhọc, tôi không biết phải đền đáp họ bao nhiêu thì họ vừa lòng.
Ở sao cho vừa lòng người.
Ở rộng người cừơi, ở hẹp người chê.
Nói chuyện với gái bảo dê.
Nói với đực rựa, P Đ quá chừng.
Người ra đón toàn là bà con của bà xã tôi nên họ nhận bà dễ hơn. Khi ra đến chỗ đón thân nhân, tôi thấy cả ngàn người bao quanh cái sân trước phi trường dưới ánh nắng như thiêu của tháng đầu xuân. Vợ tôi ra đến biên hàng rào mà cũng không thấy ai nhận diện; khi tôi cồn è cổ đẩy xe ở giữa sân.
Đột nhiên tôi nghe:
- Ồ dượng Út.
- Ô kìa Thầy!
Quay sang tôi thấy mấy cộ và một ông nhảy qua hàng rào đón tôi. Đó là Xuân Lan, và hai cô khác tên Diễm Hương, Hồng Lan cả hai cùng là cháu vợ. Hai cô này lúc tôi rời Việt Nam thì mới sinh nhưng nghe Lan hô cũng hô theo. Còn ông kia chính là học sinh cũ của tôi tên Thành, người trước 75 làm nghề vựa gỗ.
Lan hỏi:
- Cô Út đâu dượng Út?
Tôi chỉ:
- Kia kìa.
Mọi người bây giờ mới nhận ra bà xã tôi.
Thành bây giờ làm nghề đưa đón hành khách vì em có chiếc xe khoảng 10 chỗ ngồi. Em đưa chúng tôi thảng về Chợ Lách.
Trước khi xe khởi hành em hỏi:
- Thầy muốn đi ngả nào Thầy? Qua bắc Mỹ Thuận hay qua bắc Rạch Miểu?
Con đường qua bắc Rạch Miểu về đến Chợ Lách, chúng tôi chưa bao giờ qua cả, vì ngày xưa đây là vùng bất an ninh của huyện Mỏ Cày. Tôi quyết định chọn con đường này.
Xe chạy theo đường Lê Văn Sĩ tức Trương Minh Giảng ngày xưa, nơi tôi đã từng sinh sống lúc còn là sinh viên, nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, tôi không nhận ra nữa vì phố xá tấp nập, buôn bán phồn thịnh hơn lúc tôi ở đây. Các nhà hai bên đường đang được xây lên bốn năm từng vả dường đang dược nới rộng, nên nhìn còn rất hỗn độn. Ngày xưa nơi đây chỉ quãng nhà tôi, từ rạp Minh Châu đến cầu Trương Minh Giảng là có nhà ba từng. Bây giờ thì khắp nơi đều là nhà cao hơn nhiều có cái đến 6 từng lầu. Vì lý do ấy tôi có cảm tưởng đừơng nhỏ hơn xưa.
Từ Sàigòn đến Mỹ Tho cũng tấp nập và thay đổi quá nhiều. Ngày xưa khi qua Phú Lâm là nhng74 cánh đồng lúa xanh rờn, nay chỉ thấy nhà với nhà. Còn các cánh đồng lúa chỉ lâu lâu mới thấy qua khảng cách hai tiêm ven đường
Xe vượt bắc Rạch Miểu rồi vào tỉnh Bến Tre.
Đường từ tỉnh lỵ Bến Tre đến Chợ Lách rất nhỏ, xe chạy tránh nhau rất khó, có nhiều đoạn đường chưa tráng nhựa nên đất đai gồ ghề, bụi bay mịt mù. Thành cho biết đường dang được cày lên để chuẩn bị tráng nhựa. Nhưng bù vào đó tôi được đi qua các địa danh mà trước kia chỉ nghe nói như bến Hàn Luông, Ba Vát…
Tuy quê hương khá hơn xưa nhưng còn nghèo. Tuy vậy các hình ảnh chứng tỏ đang có sự thay đổi nhanh chóng.

No comments:

Post a Comment