Thursday, October 20, 2011

TRỞ VỀ- Bài 3

Chiều tối hôm ấy, sau khi quay về nhà, chúng tôi ngồi nói chuyện trước khi ăn cơm thì một cậu cháu vợ chạy vào nói:
-  Dượng Út, con thấy ông già bán vé số đang bán ngoài kia. Ông này mỗi lần qua đây hỏi thăm dượng hoài.
Sáu Truyền nói:
-  Ông này tự nhận là học trò dượng. Mỗi lần bán vé số qua đây đều hỏi thăm dượng. Học trò còn nhớ dượng lắm. Ngày trước, một hôm tui lên Vĩnh Long. Lúc trở về mưa to, gió lớn nên phải cặp vào cồn Phú Đa, trên sông Cổ Chiên tạm trú. Vô tình, tui gặp ông chủ nhà. Ổng hỏi tui ở đâu? Tui trả lời ở Tân Thiềng. Ổng lại hỏi: nếu ở Tân Thiềng biết nhà mẹ vợ thầy Hiệp không? Tui nói tui là anh vợ dượng. Ông này mừng lắm, ân cần mời chúng tôi uống nước, ăn cơm rồi hỏi thăm tin tức dượng.
Trong lòng tôi băn khoăn mãi. Chẳng hiểu mình về học sinh cũ có dám lại thăm không? Ngày trước, khi bị đưa đi cải tạo, tôi đã bị vu tội làm sĩ quan CIA, làm các học sinh sợ liên lụy, nên các nam sinh phải xa lánh. Nhưng vào trại một thời gian và sau khi điều tra, nhà cm quyền đã hủy bỏ bản án và cho tôi về. Tuy nhiên, các học sinh của tôi đã không biết tại sao tôi được về. Sau đó, tôi đi làm rẫy, đánh cá biệt tăm luôn. Lúc sang Mỹ, gặp lại một số học sinh khác ở đây thì các em nói tất cả vẫn theo sát gót và biết tôi đã rời Việt Nam năm 1981.
Qua câu truyện trên, tôi nghĩ chắc là các em còn nhớ tôi. Ôi thật cảm động! Học trò còn nhớ tới tôi quá nhiều. Tôi hỏi:
-  Anh nhớ tên ông này không?
-  Lâu quá tui quên mất tiêu tên ông này rồi.
Tôi quay sang cậu cháu vợ:
-   Con chạy ra mời ông già bán vé số ấy vào đây cho dượng.
Một lúc sau, ông già đầu bàng bạc bước vào.
Vừa thấy tôi ông này la lên vui mừng:
-   Thầy!
Lúc đầu tiên tôi nhìn chưa ra ông này là ai. Nhưng khi ông ta cười, tôi nhận ngay ra là Thơi. Một học sinh giỏi toán của tôi năm 1969. Em cũng là người rất hăng say trong việc làm con đường từ cổng vào trường. Ngày em rời mái trường chỉ mới 18, 19 tuổi, nay tọc em bạc hơn tóc tôi, thì làm sao nhận được?

Thầy trò cùng ngồi ăn, kể lại bao nhiêu kỷ niệm.
Tôi nghĩ các cựu học sinh còn rất muốn gặp lại tôi.
Ngày hôm sau, chúng tôi thuê xe ôm chở lên quận lị, nơi ngôi trường xưa nằm đó. Xe chạy theo đường lót đan rộng độ  hơn 1 mét, đủ an toàn cho xe Honda. Các đường này, ngày trước, chỉ là đường mòn lầy lội trong mùa mưa và mùa nước rong. Chạy độ 15 phút thì xe ra lộ cái ở Long Thới, nơi có tu viện vẫn rêu xanh bám quanh, nằm lặng lẽ giữa khuôn viên tĩnh mịch với các cây cổ thụ um tùm, vây quanh bởi một bờ tường loang lổ rêu bám.
Đường từ đây trở đi vẫn trải đá xanh như thủa trước, chưa được nâng cấp, nên xe chạy theo ven lề để bớt dằn. Hai bên đường nhiều nhà ở hơn và cũng như Tân Thiềng các vườn cây nhãn đã thay cho các đồng lúa xanh tươi. Cảnh thay đổi làm tôi không còn biết khi nào tới Hòa Nghĩa, mãi cho đến khi xe vượt qua cây cầu sắt lót ván, tôi mới nhận ra. Hai bên cầu chợ búa tấp nập, vui nhộn hơn xưa.
Khi cách quận lỵ khoảng hơn 1 cây số, thì xe lăn bánh vào con đường tráng nhựa sạch sẽ, êm ái hơn nhiều. Trên hai mươi năm trở về đây nhìn chẳng còn thấy dấu vết cũ gì để lại. Những quán ăn, tiệm giải khát, hàng dịch vụ mọc lên nhan nhản ven đường; nơi đây, xưa là ruộng lúa, đồng rau. Bên tay trái, tôi thấy một tòa building to lớn, đẹp đẽ, mái gạch đỏ chói: trụ sở Hội Đồng Nhân Dân quận. Ngày xưa đây là cánh đồng.
Tôi nhớ bên phía sau nhà Hội Đồng Nhân Dân to lớn khang trang ấy là vườn một học sinh đầu đàn Nguyễn Toàn Thảo. Có một buổi cuối tuần, Thảo rủ tôi và bạn bè 2 lớp đệ nhị A,B vào vườn em tát đìa bắt cá. Các em trai và tôi lo việc tát đìa (ao nhỏ), còn các em gái lo nấu cơm, canh và kho cá. Tát đến khi mặt trời lặn thì nghỉ. Chúng tôi bắt được một số cá lóc, cá sặc, cá rô và rất nhiều cua đem cho các cô nâú nướng. Thầy trò, lúc ấy, đói meo vì dầm nước lâu và làm việc nặng, trong khi các cô còn đánh vẩy cá, vo gạo.
Tôi hỏi các em trai:
-  Các em đói không?
Tất cả trả lời cùng đói.
Tôi nói:
-  Vậy mình lấy cua đồng ra lạch rửa sạch rồi nướng ăn ngon lắm.
Đây là kinh nghiệm thủa nhỏ tôi đi chăn trâu trên rừng. Lúc đói, chúng tôi xuống ruộng mò cua lên nướng ăn.
Lúc đầu,một số còn ái ngại vì sợ. Một số theo tôi ra ruộng khô gom rơm đốt một đống lửa. Sau đó lấy cua ra mương rửa cho sạch rồi quăng vào đống lửa. Một lúc sau, cua chín thơm phức, nhưng mình cua thì đen thùi vì dính tro.
Các cậu nhìn nhau không dám ăn. Tôi bóc một con sực trước vì đói quá.
Vài cậu hỏi:
-  Cua đen thùi mà thầy dám ăn sao?
-  Có sao đâu! Rạ giữa đồng thì sạch, đã thế đốt thành tro thì hết vi trùng rồi, ăn không chết đâu mà sợ!
Mấy cậu nghe có lý và chắc mắt đã xanh, nên theo tôi ăn.
Các cậu khác thấy vậy bây giờ mới chạy ra hỏi:
-  Cua ăn ngon không tụi bay?
-  Ngon lắm!
Thế là cả đám theo tôi cùng sực cua.
Cua nướng ăn rất ngon, thơm, ngọt và đỡ đói nhiều, nhưng có điều ăn xong mồm mép thầy trò đen thùi như mõm chó. Các cô được dịp cười hỉ hả, chọc quê thầy và các bạn trai.
Đến lúc các cô nấu cơm chín thầy trò cùng trải đệm ngồi bên nhau sực cơm vui vô cùng. Nhưng các cô nấu cơm bằng rạ và ít cành củi chanh nên chỗ sống chỗ chín. Đúng là:
Trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoét.
Tuy vậy, thầy trò quất hết mấy nồi cơm canh vì đói quá!
Đêm đó, tôi bị đi cầu; có lẽ tại cơm sống chăng?
Ôi kỷ niệm chẳng bao giờ quên được!
Đối diện với phía nhà Hội Đồng, tôi thấy một building khác to lớn cao 3 từng lầu, mái gạch đỏ chói với bảng để Trường Cấp III. Như vậy đây là trường mà trước kia tôi dạy đã được chuyển về. Tôi không ngờ, nơi đây có một ngôi trường to lớn như vậy. Lòng mừng thầm con em ngày nay có chỗ ăn học thật đàng hoàng.
Khi qua ngã ba xuống Định An thì phố xá càng tấp nập hơn; nhà cửa chen chúc. Dãy nhà tôn của chú Mười Chỏi, nơi mà các bạn đồng nghiệp thuê ngày trước, đã thay bằng các dãy nhà lầu của các cửa hàng, điện đuốc sáng choang.
Tôi đến ngang trường thì xuống xe đứng ngắm. Vợ tôi thì tiếp tục lại đầu chợ đứng chờ.
Mấy dãy nhà của trường vẫn y nguyên, nhưng thời gian làm chúng cũng già nua như tôi. Dãy lầu trước, lúc tôi còn dậy là ngôi nhà mới tinh, nhưng nay thấy có vết đen khói bám. Chắc ai đã ở đây nấu cơm nước để ăn uống thì phải? Tiếng trẻ nhỏ đọc bài vang ra làm tôi nghĩ đó trở thành trường tiểu học. Giờ này các em học sinh đang học, nên sân trường vắng tanh. Ngày trước nếu tôi đứng đây thì đã có hàng tá học sịnh chạy ra mừng rỡ: “Thày! Thày!”, nhưng bây giờ tôi đã thành một người xa lạ. Chung quanh tôi ai nấy hững hờ, chẳng ai thèm để mắt liếc qua.
Tôi chợt nhớ bài thơ của Hạ Tri Chương (賀知章)

回鄉偶書


少小離家老大回,
鄉音無改鬢毛 摧;
兒童相見不相識,
笑問客從何處來。
         
Hồi hương ngẫu thư


Về quê bất chợt làm thơ.
Thiểu tiểu ly gia lão đại hồi ,
Hương âm vô cải tấn[1] mao tồi;
Nhi đồng tương kiến bất tương thức [2],
Tiếu vấn khách tòng hà xứ[3] lai?
(Lúc nhỏ rời quê hương, già mới quay về
Giọng nói thì như cũ, nhưng tóc đà cằn cỗi.
Trẻ nhỏ gặp nhưng không biết ai.
Cười hỏi lão ở đâu đến đây?)

Một cô giáo trong lớp gần đường bước ra khỏi lớp, nhìn tôi rồi mỉm cười, cúi đầu chào. Tôi cúi đầu đáp lễ. Như vậy cô đã nhận ra tôi sau máy chục năm. Cô lặng lẽ quay vào lớp học. Tôi đoán cô biết tôi, vì lúc tôi dạy nơi đây cô còn là một cô bé tiểu học.
Mấy chục năm trước, tôi cũng như cô đã đứng trong các lớp kia để dậy các em đầy sức sống mà nay các người ấy đã là các ông bà lão. Làm sao kéo lại nổi thời gian?


[1] Tấn hay mấn: tóc mai.
[2] Thức: biết
[3] Hà xứ: nơi nào.

No comments:

Post a Comment