Cơm xong, tôi lững thững xuống bến đò ngang thăm coi ai còn ai mất khu ấy. Trước khi đi chị Ba cho tôi biết con thầy Hoa còn một cậu con, Nhân anh, làm nghề bán nước đá nơi ấy. Cậu này, chỉ độ 8 tuổi khi tôi còn dạy học nơi đây.
Đến nơi tôi thấy hoàn toàn thay đổi, nhìn không còn vết tích gì của ngày xưa.
Tôi tìm mãi mới thấy một cái bảng nhỏ tí: BÁN NƯỚC ĐÁ, nhưng của nhà đóng im ỉm.
Tôi bước lại của sổ nhìn vào nhà, thấy một người đàn ông đang nằm ngủ trưa trên một ghế vải.
Tôi lằng hắng để đo lường người nằm ngủ.
Người này quay lại nhìn tôi, rồi đột nhiên đứng dạy:
- Thầy! Có phải thầy Hiệp không?
Tôi mỉm cười:
- Thầy đây! Nhân Anh khoẻ không?
Cậu chạy ra mở cửa ân cần mời tôi vào nhà.
Vợ cậu chạy ra lấy nước, trong khi cậu nói:
- Em phải đưa thầy lên Vĩnh Long rồi sang Tam Bình, Trà Ôn lại nhà anh Ba Hạnh. Ba em mất rồi, nhưng má em còn. Mỗi lần tụi em họp lại là nhắc Thầy. Má em gặp Thầy bà phải mừng lắm. Còn chị hai (Mỹ Công), chị bảy (Mỹ Vân) thì hết nói rồi.
- Thầy đưa vợ thầy về Tân Thiềng. Ngày mai em xuống đó đưa Thầy đi Trà Ôn. Bây giờ thầy sang nhà ông Nam Cường Phụng Châu thăm nơi đó một chút.
- Để em lấy xe đưa thầy sang đó.
Nói xong em lấy Honda đưa tôi sang Phụng Châu. Một điều ngạc nhiên là người ngụ căn nhà này không phải là Nguyễn Thị Cúc thủa xưa mà là Năm Sanh, một bạn học Aikido với tôi ở Sài Gòn từ 1961 đến 1967. Anh em gặp gỡ thật vui. Tôi vào lễ bàn thờ của ông bà ngoại của Cúc, và cũng là ông bà ngoại của Sanh.
Ngày hôm sau, Nhân anh xuống Tân Thiềng đón tôi đi như dự tính.
Em chở tôi lên Vĩnh Long đên nhà chi lớn nhất của em là Mỹ Công, cô học sinh lớp đệ tứ và đệ nhị của tôi năm 1967-70. Chúng tôi đã dàn xếp sẵn, nên khi vào nhà tôi thấy em đang bào nước đá bán cho học sinh tan trường. Em bây giờ làm chủ một cửa hàng bán tạp hóa và nước giải khát.
Nhân anh dẫn tôi vào giới thiệu:
- Chị Hai, có bạn học chung với chị ngày xưa lại thăm chị nè.
Mỹ Công ngước mặt nhìn tôi chăm chú khi vẫn tiếp tục bào nước đá. Trên gương mặt em tỏ vẻ hồ nghi. Em nhíu mày suy nghĩ rồi đột nhiên, mắt em đỏ từ từ rồi nước mắt trào ra:
- Thầy!
Một người đàn ông cỡ trên 50 bước ra nhìn em rồi nhìn tôi im lặng.
Mỹ Công trấn tĩnh giới thiệu:
- Thầy! Đây la ông xã em. Còn anh à đây là thầy Hiệp.
Người đàn ông vui vẻ dơ tay bắt:
- Ồ ra Thầy. Mỹ Công và các em nhắc Thầy hoài.
Hai vợ chồng em đưa tôi vào chào má em, bà Lê Vinh Hoa.
Trưa hôm ấy, tôi ăn cơm với các em.
Khi ăn xong, Mỹ Công gọi điện thoại cho Mỹ Vân, có quan điểm tâm, giải khát trên đường đến bắc Mỹ Thuận:
- Mỹ Vân à. Mày có một người thân ở xa về thăm đó. Chút nữa họ lại nhà mày đó nhe.
Chúng tôi nghe tiếng nói đầu giây bên kia:
- Người đó ở xa lắm sao?
- Ờ, xa lắm và rất lâu mình chưa gặp.
- Vậy là thầy Hiệp chứ gì?
Nhân Anh chở tôi lại thăm em một giờ rồi quay về nhà. Bà Hoa gọi thêm một xe ôm chở bà, con Nhân anh chở tôi xuống Trà Ôn thăm Lê Vinh Hạnh, tuy rằng bà Hoa năm ấy đã trên 80 rồi.
Đường đi về đây tương đối tốt vỉ đã tráng nhựa và còn đang làm nhiều đoạn. Chúng tôi qua Tam Bình rồi đến kinh Mang Thít. Đây là con kinh lớn nối Hậu Giang sang Cổ Chiên. Nó còn là đường phân chia Tam Bình với Trà Ôn và Mang Thít với Vũng Liêm. Trà Ôn là quê hương của danh ca vọng cổ: Út Trà Ôn. Xe không thể vào thẳng nhà Hạnh vì đường từ bến đò ngang từ Tam Bình- Trà Ôn chưa làm xong. Chúng tôi đò đến nhà Hạnh, một căn nhà gạch ba gian và một bếp rất khang trang. Tôi mừng thầm tất cả các anh em Hạnh đều có cuộc sống vững vàng. Hạnh cho biết em sẽ xây nhà khác lúc lộ tráng nhựa hoàn tất.
Khi gặp tôi, Hạnh hay tay túm chặt, nước mắt ứa ra. Đêm ấy, tôi ngủ đêm tại nhà Hạnh. Hạnh lại gọi Mỹ Ngôn. Mỹ Ngôn mời tôi xuống Rạch Giá và em sẽ bao xe đón tôi. Nhưng tôi sợ vợ lo vì tôi đã đi lâu mà chưa có thông tin gì với nàng, nên từ chối. Ôi lòng học sinh cũ với tôi vẫn như thủa nào.
No comments:
Post a Comment