Saturday, October 1, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 23


Niên học cũng gần tàn, đó là lúc tôi phải lo ký học bạ, đi gác và chấm thi tú tài, cùng lo tổ chức thi tuyển vào lớp đệ thất.
Một hôm, mới dạy học xong, tôi lên văn phòng để lo việc trường. Vừa vào cửa văn phòng thì gặp ông Tổng Giám Thị, vì trường nhỏ, nên ông còn làm nhiệm vụ phụ trách các công việc khác.
Thấy tôi ông nói:
- Thầy Hiệp à, Thầy ký học bạ cho con em đi, chúng nó đang nóng chờ học bạ đó.
Ông này là một giáo học, lớn hơn tuổi tôi nhiều, nên tôi rất kính trọng ông.
Nghe ông nói vậy, tôi thấy có lý lắm, nên đáp:
- Dạ vâng, tôi ký ngay bây giờ đó chú Mười ạ.
- Tôi đã để một chồng học bạ cho Thầy trên bàn đó.
- Da, cám ơn chú.
Tôi vào bàn, ngồi xuống rồi lấy viết định ký, thì Khoan bước vào nói:
- Hiệp à, ông làm hiệu trưởng, hiệu chiếc mẹ gì mà để học sinh giỡn mặt vậy?
Tôi ngạc nhiên:
- Có chuyện gì đâu? Học trò thường giỡn chơi với tôi thôi mà!
Khoan lấy khăn lau cặp kính nhớp (cận thị), rồi nghiêm mặt:
- Học trò nó hay giỡn với ông thật, nhưng lần này có vẻ hơi mất dạy đó! Tôi nghĩ ông đem học sinh này ra hội đồng kỷ luật là vừa!
- Thì ông cứ nói phứt ra cho rồi, có gì mà cứ vòng vo Tam Quốc hoài vậy?
- Ông lên lớp đệ tứ B thì biết liền.
Tôi đứng dậy, đi đến lớp đó. Các học sinh của lớp đang ồn ào nói chuyện, thấy tôi vào cả lớp im thin thít, đứng dậy chào.
Tôi cúi đầu chào lại, rồi đến bàn giáo sư ngồi. Nhìn quanh tôi thấy trên bảng xanh có một hàng chữ khắc bằng đầu compa: "ÔNG THẦY HIỆP DÊ"
Tôi không cười hỏi:
- Ai khắc hàng chữ này?
Cả lớp im thin thít. Đứa nọ ngó đứa kia, mà không ai lên tiếng trả lời.
Tôi gằn giọng:
- Em nào làm việc này?
 Cả lớp vẫn yên. Tôi lập lại câu hỏi vài ba lần, rồi chỉ Ngâm[1], một nữ sinh ngồi bàn đầu hỏi:
- Em làm phải không?
Ngâm lắc đầu:
- Dạ thưa Thầy không.
- Em biết ai làm không?
- Dạ không.
- Thế ai làm?
Cả lớp vẫn im lặng.
Tôi chỉ mấy em nam sinh ở vài hàng dưới lớp:
- Nguyễn Quyết Chiến, hay Đào Hữu Lộc[2] làm phải không?
- Dạ không.
- Thôi được, Thầy muốn nói rằng em nào dám làm là gan lắm, nhưng không dám nhận là hèn lắm. Vậy từ giờ đến trưa, tôi muốn thấy có người lên văn phòng nhận tội.
Tôi đứng dậy trở về văn phòng, nhưng mới đi vài bước thì đột nhiên nghe tiếng một nam sinh:
- Thưa Thầy em làm.
Tôi quay trở lại:
- À ra Đào Văn Dũng Tiến[3].
Tiến là một trong những học sinh xuất sắc của lớp đặc biệt là môn toán, em rất thường hay chơi giỡn với tôi.
Tiến bước lên bảng, cúi gầm đầu xuống chịu tội.
Tôi hỏi cả lớp:
- Tội Tiến phải trừng phạt thế nào đây?
Cả lớp xanh mặt, chẳng ai dám nói gì. Tôi biết các em rất sợ cho Tiến vì tôi có quyền đem em ra hội đồng kỷ luật và đuổi học. Tiến rất can đảm, đứng im chịu tôi và không xin tha.
Tôi cười, nụ cười đầu tiên kể từ lúc vào lớp. Có lẽ cái cười đó đã làm bầu không khi đột ngột thay đổi, và cả lớp cùng thở phào.
Tôi hỏi:
- Tại sao em viết vậy?
Tiến bình tĩnh phần nào, gãi tai:
- Em ưa giỡn với Thầy, nhưng em biết là mình đã quá trớn.
Tôi gật đầu hài lòng, vì em đã biết ăn năn, hối hận. Thật ra đàn ông nào mà không dê? Và dê như thế nào có hợp với đạo đức lương tâm không? Những người đàn ông không dê chắc phải có vấn đề.
Tôi hỏi:
- Em muốn Thầy phạt em cách nào?
- Dạ cách nào cũng được.
- Vậy chiều nay, em tìm một ít sơn cùng mầu, đến đây sơn lại chỗ em khắc nghe không?
Cả lớp cười ồ vì không ngờ tôi lại phạt em có vậy mà thôi. Tin đó lan ra trong trường rất nhanh làm mọi người đều biết.
Và cũng kể từ đó, Dũng Tiến càng thân thiện hơn, lại chơi với tôi nhiều hơn, còn các học sinh lại càng mến tôi hơn vì cách cư sử và khoan hồng cho các học sinh còn dại dột.
Tôi trở lại văn phòng, dở chồng học bạ. Tôi nhìn chồng học bạ thấy ai đó để sẵn trên bàn là của lớp 9, nên nghĩ: “Tại sao lại là lớp chín, mà không phải lớp 11 quan trọng hơn vì các nam sinh lớn tuổi hơn, sắp đi lính đến nơi rồi?” Tôi dở chồng học bạ ra đếm thấy 56 em thay vì 55 em. Tôi biết rõ tại tôi dạy toán cho lớp này, vì sự thiếu giáo sư toán; cả trường chỉ mình tôi là giáo sư toán chính thức. Số còn lại là tư nhân dạy giờ. Tôi kiểm tra từng em và thấy một học sinh không phải của lớp mà lại có tên trong lớp 9 ấy. Trong thời gian này, một học sinh nếu có chứng chỉ, học bạ lớp chín có thể học lớp hạ sĩ quan Đồng Đế, nếu không có thì làm binh nhì.
Tôi xé học bạ làm hai rồi viết lên trên: “Xin làm ơn kiểm chứng học sinh trước khi được ký. Nếu tái phạm tôi sẽ tìm ra thủ phạm và báo cáo về bộ.” Người làm việc này tự biết lỗi và không dám tái phạm nữa.
Kẻng đổ 12 giờ trưa, cũng là giờ tan học, các giáo sư lên văn phòng, trả lại các học cụ, rồi lần lượt ra về. Đột nhiên tôi thấy Vân Phương, và "Tuyến cao bồi" bước vào văn phòng, hai em học sinh đệ tứ A. Tuyết là một học sinh rất khá, tên thật là Tuyết, nhưng tôi đặt cho em cái tên đó là vì em hay lượn xe Honda trông ngầu lắm, còn Vân Phương là một cô gái đã học giỏi, hát thật hay, mà còn lại đẹp nữa.
Tôi hỏi chơi:
- Hai em lên đây làm gì?
Hai cô bé cùng cười. Vân Phương hích cùi chỏ nói nhỏ với Tuyết:
- Mày nói đi!
Tuyết nhe răng cười:
- Mày nói tao lên với mày thì tao lên, chứ tao biết gì mà nói?
Tôi thấy hơi kỳ, nên hỏi:
- Vân Phương, em có chuyện gì mà ấp úng vậy?
Vân Phương đỏ mặt đến gần bàn nói, với giọng thẹn thùng:
- Thưa Thầy, hồi nãy Thầy đi ngang, em thấy..thấy..
- Thấy cái gì chứ? Sao mà không nói đi!
- Dạ em thấy cái quần Thầy bị.. bị
Tôi dơ tay sờ vào đít quần thấy chỗ mạng đã đứt mất rồi. Thì ra cô ả muốn nói quần tôi bị thủng đít, mà không dám nói.
Tôi nói:
- Chết! Thầy không biết.
Vân Phương bẽn lẽn:
- Thầy, chiều nay em ghé lại nhà Thầy lấy cái quần đó về mạng lại cho Thầy. Nếu Thầy còn cái nào rách em mang về vá lại cho.
Tôi cười chữa thẹn:
- Vậy thì tốt quá!
Chiều hôm đó, Vân Phương và Tuyết đến nhà tôi lấy hai cái quần rách về và ngày hôm sau Phương đem chúng lại trả với những vết mạng mới. Tôi biết các em thấy tôi không ai là người giúp đỡ làm công việc này nên đã giúp tôi. Nhà em có một máy may nhỏ chắc chị ruột em làm nghề may. Cô này cũng là học sinh của tôi.
Câu chuyện tôi mặc quần thủng đít là câu chuyện dài nhân dân tự vệ.
(sẽ tiếp theo cũng cái quần thủng đít)


[1] Ngâm hiện đang sống tại Trà Ôn, Vĩnh Long.
[2] Nguyễn Quyết Chiến hiện đang sống tại Cồn Phú Đa giữa Chợ Lách và Vĩnh Long, còn Lộc đang sống ở Orange County, cách tôi độ 50 miles.
[3] Đào văn Dũng Tiến hiện đang sống tại Châu Đốc.
Năm 2004, tôi nghe tin em đem vợ con lên Châu Đốc lập nghiệp. Buổi đầu em đem vợ con vào một ngôi tường tiểu học tá túc. Đêm đó, mưa to gió lớn làm trường xập. Vợ em bị tường đè gãy chân. Tôi kêu gọi bạn bè cùng các cựu học sinh (trong đó các cựu GS: Trần Chu Đức, Đào Hữu Ngạn, Vũ Đỗ Hải, cựu Thiếu Tá Rằng và anh cựu phó quận Nguyễn văn Y, cô Phương Lan) góp tiền về giúp đỡ gia đình em. Tuy nhiên vì tài chánh hầu hết các vị trên đã ngưng giúp đỡ trừ cô Phương Lan và cô Mai vợ thầy Vũ Đỗ Hải. Quỹ này hàng năm vẫn giúp các em nghèo ở VN.

No comments:

Post a Comment