Thursday, October 6, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 27

Năm học kế, Ngạn xin về dạy tại Chợ Lách. Tôi thấy đó là cơ hội để từ chức hiệu trưởng, nên tôi làm đơn từ chức đồng thời đề cử Ngạn lên thay, gởi về bộ. Một thời gian sau, Ngạn tới thăm tôi và nhắc lại chuyện mà tôi đã hứa nhường lại chức hiệu trưởng cho anh ta. Có lẽ anh ta nghi ngờ tôi đã hứa cuội. Tôi cho anh ta biết là tôi đã làm đơn lên bộ, nhưng tôi chưa nhận được giấy tờ trả lời của bộ.
Thời gian trôi qua khá lâu, mà tôi vẫn không nhận được sự phúc đáp của bộ, nên rất nóng lòng vì tôi quá chán ngán với chức vụ mà quá nhiều o ép, và có thể đẩy mình vào chỗ tội lỗi. Nhưng người nóng hơn có lẽ là Ngạn, vì anh ta thường tới hỏi tôi về kết quả đó. Theo thông lệ thì giấy bổ nhiệm chính thức hay giấy chấp nhận từ chức và cho Ngạn thay đã về, nhưng vì sự làm đơn từ chức của tôi và các chuyện hục hặc với quận trưởng nên bộ không biết nên làm sao.
Lúc ấy, có một trận đánh lớn ở vùng Địa Cừ, một vùng nằm gần quận Mỏ Cầy, Kiến Hòa (Bến Tre) mà lực lượng chi khu Chợ Lách đã đóng góp một phần lớn trong trận thắng đó.
Một nam học sinh lớp 7 (đệ lục) , có gia đình ở vùng giao tranh, nên nhà bị cháy. Tôi cho mở cuộc lạc quyên giúp học sinh xấu số đó, nhưng số tiền thu chỉ khoảng 3000 đồng, quá ít, nên tôi lại bỏ thêm 5000 đồng vào quỹ cứu trợ. Học sinh này khóc nức nở khi chúng tôi trao tiền cho em.
Một hôm, tôi đang làm việc ở văn phòng thì thấy một người lính đi vào.
Anh ta chào tôi rồi nói:
- Thưa thầy Hiệu Trưởng, đây là công điện của Đại Úy Quận Trưởng gởi cho Thầy.
Tôi cười, dơ tay đón lấy công điện:
- Cám ơn anh.
Khi người lính ra về, tôi bóc công điện ra đọc:
  " Chợ Lách ngày.. tháng..năm 1970 (?)
   Công điện.
   ĐẠI ÚY CHI KHU TRƯỞNG TRIỆU TẬP MỘT HỘI NGHỊ TẠI VĂN PHÒNG CHI KHU VÀO NGÀY..GIỜ.. ÔNG VÕ HIỆP, HIỆU TRƯỞNG TRUNG HỌC, PHẢI TỚI THAM DỰ CUỘC HỌP NÀY. MỌI CHẬM TRỄ KHÔNG THỂ THA THỨ ĐƯỢC.
                                                               ĐẠI ÚY LÊ THƠM
                                                               CHI KHU TRƯỞNG."
Khi đọc xong, tôi nổi nóng vì cách hành văn đó. Anh này muốn coi tôi như một thuộc cấp, và dùng quyền hành để đè nén tôi. Sự thực, ngày ấy trường trung học chịu hệ thống dọc, có nghĩa là tôi chịu sự chi phối của nha trung học, và bộ giáo dục, còn quận trưởng không có quyền gì đối với chúng tôi. Mà dù có quyền đi nữa, anh ta cũng phải có những lịch sự tối thiểu, không thể dùng ngôn từ dọa nạt như vậy được. Tôi cất công điện và không đến dự cuộc họp.                       
Vài ngày sau, một công điện thứ hai tới, và lời văn vẫn hách dịch ngạo mạn. Tôi nghĩ anh này muốn làm nhục tôi để trả thù vụ không làm giấy giả cho cháu anh ta đây. Liếc mắt qua công điện, tôi xé ngay lập tức. Người lính mang thơ nghe, quay lại thấy tôi làm việc đó.
Một hôm, tôi dạy học thì thấy Sanh, một học sinh lớp 9 (đệ tứ), chạy vào lớp mặt mày xanh xám. Sanh đến cửa lớp tôi đang dạy, tay vịn thành cửa, thở hổn hển.
Tôi ra khỏi lớp, hỏi:
- Có gì vậy em?
- Thầy..Thầy nguy.. nguy to rồi.
Tôi gắt:
- Cái gì mà nguy to?
Sanh lắc đầu:
- Em vào chi.. khu lấy thơ, thấy lính tráng...mang...mang súng ống, nói rằng ra tìm Thầy.
Tôi bình tĩnh hỏi lại:
- Ồ họ ra tìm Thầy thì tìm, chứ có gì mà em sợ!
- Em sợ họ bắn Thầy. Thầy vào gặp ông Quận đi!
Tôi cau mày:
- Thầy không vào.
Các học trò nhao nhao năn nỉ:
- Thầy, Thầy vào quận đi, không bị nguy đó!
Tôi thấy cặp mắt các em đều tỏ ra quan tâm tới sự an nguy của tôi làm tôi rất cảm động.
Tôi quay vào nói với các em:
- Các em đừng lo, họ không bắn Thầy đâu mà sợ. Đó chỉ là để dọa nạt người yếu bóng vía. Nếu Thầy vào, thì càng chứng tỏ những người cầm phấn chỉ tham sống sợ chết, hèn nhát mà thôi.
Một lúc sau, một người lính tới lớp và một toán võ trang đứng ở cổng trường. Người lính trao cho tôi một công điện, rồi đứng chờ.
Tôi mở công điện, thấy nội dung như cũ, nhưng phần kết có vẻ nặng nề và đe dọa hơn:
"#.. #..
MỌI SỰ VẮNG MẶT SẼ BỊ TRỪNG TRỊ NGHIÊM TRỌNG."
Tôi nhìn người lính cười:
- Cám ơn anh. Công điện này không liên quan đến anh và tôi. Tôi cũng không liên hệ gì với chi khu cả. Anh về báo lại cho ông Quận biết tôi không vào đâu.
Nói xong, tôi xé công điện trước mặt anh ta.
Người lính chào tôi rồi về.
Ngày hôm sau, khoảng 9 rưỡi sáng, tôi đang giảng toán cho lớp đệ tứ B, thì thấy một chiếc xe jeep thắng "két.." ngay trước cửa trường. Trên xe có 4 người: một tài xế, một người hạ sĩ quan cầm khẩu AR15 và hai sĩ quan. Tôi nhận thấy một sĩ quan là Trung Úy Liêm. Anh này tính tình vui vẻ, hào hoa, có nhiều mèo, hay đùa với tôi thường giỡn xin làm học trò rể. Hai sĩ quan xuống xe, quân trang gọn gàng, súng ống đầy đủ. Họ đi thẳng vào văn phòng hiệu trưởng.
Các học trò bắt đầu lo sợ cho tôi, nhưng tôi tiếp tục giảng bài cho lớp. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các em cứ xù xì bàn tán mà chẳng quan tâm tới lời giảng của tôi nữa. Bỗng nghe tiếng chân chạy thình thịch ngoài hành lang, rồi chú Sáu Vọng hiện ra ở cửa lớp. Chú Sáu là người lo việc chăm sóc ngôi trường, đánh kẻng, và đóng cửa các lớp sau khi tan học.
Chú mặt mày hớt hải:
- Thầy...thầy Hiệu Trưởng à, thôi chết rồi! Bây giờ là các ông sĩ quan chi khu ra tìm Thầy. Họ không bắn Thầy thì bắt Thầy mất! Làm sao bây giờ?
Tôi trấn an chú:
- Chú làm gì mà hoảng hốt vậy? Từ từ mà nói.
- Hai ổng đòi gặp Thầy. Mặt họ nhìn dữ dằn lắm.
- Chú về văn phòng mời các ổng dùng trà và nói chờ tôi. Hết giờ học tôi sẽ lên gặp các ổng.
Cả lớp nhìn tôi với những cặp mắt đầy lo âu.
Mấy em nói:
- Thầy lên giờ đi, không họ nổi nóng thì càng nguy Thầy ạ.
Tôi lắc đầu, nói:
- Các em cứ học đi. Thầy không sợ đâu!
Mười lăm phút sau, kẻng ra chơi đổ, tôi bước ra khỏi lớp. Tất cả học sinh ùn ùn chạy ra hành lang, nhìn theo tôi và các lớp bên cạnh cũng vậy. Cả trường đột nhiên trở nên nhốn nháo hoảng sợ. Một số học sinh gần văn phòng, chen nhau nhìn vào cửa sổ thông sang hành lang.
Tôi bước vào văn phòng, thấy Liêm và người sĩ quan kia đang nói chuyện. Khi thấy tôi, cả hai cùng đứng dậy, dơ tay chào kiểu nhà binh. Tôi rất ngạc nhiên, vì không ngờ họ có thái độ đó, chứ không phải móc súng thị uy, nên dơ tay chào lại và bắt tay hai vị sĩ quan đó. Tôi nghĩ: "Lúc nãy, chú Sáu thấy hai người này vào, chạy lên nói mặt họ nhìn dữ dằn lắm. Nhưng sao bây giờ họ nhã nhặn vậy? Hay chú Sáu trong lòng đã có sự sợ sệt sẵn, nên bị tự kỷ ám thị?"
Liêm cười, nụ cười làm chú Sáu thập thò nơi cửa thở phào:
- Thầy Hiệp, tụi tôi ra đây để xin lỗi Thầy. Có lẽ những người viết công điện đã dùng chữ quá đáng làm Thầy giận. Chúng tôi thành thật xin lỗi.
Tôi nghĩ: "Ông Quận nhà ta thấy mình quá lố, không thể đè mình, nên sai đàn em ra xin lỗi hộ đây."
Tôi cười:
- Ngôn từ của những công điện có vẻ mạt sát, khinh miệt tôi. Tôi không thể chấp nhận điều đó. Cái thứ hai tôi đâu phải là thuộc cấp của ông Quận Trưởng, nên tôi không cần theo mệnh lệnh ông ta. Nhưng các anh đã nói vậy thì thôi tôi không có gì phải nói nữa.
Ngoài hành lang, đột nhiên vang những tiếng vỗ tay cùng tiếng cười ròn rã, vui vẻ.
Tôi hỏi:
- Các anh lại đây có việc gì khác không?
Anh sĩ quan kia nói:
- Chúng tôi ra xin lỗi và nhờ Thầy một việc.
- Việc gì vậy anh?
Liêm giới thiệu:
- Tôi quên mất, giới thiệu với Thầy đây là Chuẩn Úy Hầu.
Tôi dơ tay bắt tay Hầu lần nữa.
Hầu nói:
- Chúng tôi muốn mượn Thầy một số học sinh đi ủy lạo binh sĩ ở Địa Cừ.
- Chuyện đó thì dễ dàng đối với tôi, nhưng còn tùy vào thiện ý các em nữa. Bây giờ tôi đưa các anh xuống lớp để các anh nói chuyện.
Tôi hướng dẫn hai sĩ quan xuống lớp đệ tứ A cạnh văn phòng. Hai anh chàng này trổ tài ăn nói cả 15 phút mà học sinh không ai đi cả. Hai chàng tỏ ra rất chán nản.
Liêm hỏi Hầu:
- Chuẩn  Úy còn gì phải nói không?
Hầu lắc đầu:
- Không.
Anh ta quay sang tôi:
- Bây giờ làm gì Thầy?
Tôi an ủi:
- Thôi; để tôi đưa hai anh sang lớp khác.
Tôi dẫn Liêm, Hầu qua lớp đệ tứ B mà tôi vừa dạy.
Tôi giới thiệu hai sĩ quan và ý của họ với các học sinh. Các sĩ quan này nói mãi mà kết quả cũng như lớp kia làm hai chàng có vẻ buồn lắm.
Hầu nhìn Liêm hỏi:
- Bây giờ tính sao Trung Úy?
Liêm lắc đầu chán nản:
- Có lẽ về báo cáo với Đại Úy thôi.
Tôi cảm thấy tội nghiệp họ.
Tôi nói:
- Trước khi tôi ngỏ lời với các học sinh của tôi. Tôi muốn các anh cam kết với tôi vài điều.
Liêm nói:
- Thầy muốn chúng tôi cam kết điều gì?
- Thứ nhất các em phải được ăn uống đầy đủ. Không phải cao lương mỹ vị, nhưng phải no nê, không khát.
Hầu cười, tiếp lời:
- Tôi bảo đảm.
- Điều thứ hai phải có y tá chăm sức khỏe các em. Không được để các em mệt lả, hay quá sức.
Hầu nói:
- Chúng tôi có quân y đi theo.
- Điều thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất. Tôi quan tâm tới sự an toàn phải là tuyệt đối. Các anh phải chắc chắn 100% là không còn giao tranh, mìn, lựu đạn nơi các em tới. Và các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với các điều không tốt xảy ra.
Liêm thận trọng:
- Chúng tôi hứa về nói lại với Đại Úy về điểm này. Khi nào, thật an toàn chúng tôi sẽ đến đón các em.
Tôi quay xuống lớp:
- Các em nghe chưa?
- Dạ nghe!
Tôi tiếp:
- Thầy muốn nói với các em rằng chuyện này là chuyện thiện nguyện. Các em nào thích đi chơi vui thì đi. Thầy thấy các vị này đã nói quá nhiều mà chẳng kết quả gì nên thấy tội họ mà có vài lời với các em thôi. Các em muốn nghĩ sao thì nghĩ.
Tất cả nam, nữ học sinh xúm đầu vào nhau nói chuyện to nhỏ.
Một lát sau, Dũng Tiến đứng dạy hỏi:
- Thưa Thầy các anh cần bao nhiêu học sinh?
Liêm và Hầu mừng ra mặt.
Hầu hỏi Liêm:
- Cần bao nhiêu bây giờ, Trung Úy?
Liêm suy nghĩ một lát rồi nói:
- Mình có một cái đốt cát, vậy cần độ hai chục em là đủ rồi.
Thanh, một nam sinh khác nói:
- Thưa Thầy vậy chúng em không đi.
Tôi hỏi:
- Tại sao kỳ vậy? Thế các em muốn gì?
Lộc  trả lời:
- Thưa Thầy, nếu đi thì cả lớp chúng em cùng đi.
Tôi quay sang Liêm:
- Trung Úy thấy chưa? Bây giờ cả lớp có ý muốn đi, nhưng không có phương tiện.
Liêm và Hầu vỗ tay đôm đốp, rồi Liêm nói:
- Cái gì chứ nhiều người tụi tôi không ngán. Tôi có sẵn thêm một chiếc 10 bánh để chở các em.          
Sở dĩ các em học sinh, lúc đầu không đi là vì các em muốn trả thù cho thầy; chi khu đã làm khó thầy nên các em làm khó lại, phải đợi thầy lên tiếng các em mới nghe. Ra bằng sức mạnh không thắng nổi tình thương.         

No comments:

Post a Comment