Tuesday, October 4, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 25

Ngày thi tú tài đã tới, tôi được bộ cử đi làm trưởng một tiểu trung tâm thi của hội đồng tỉnh Long An. Vì là hiệu trưởng mới, mà trường lại nhỏ, nên tôi chỉ coi một trung tâm có mươi phòng thi mà thôi. Các hiệu trưởng trường lớn thì thường cho nhiệm vụ coi trung tâm lớn hơn hay là chủ khảo hội đồng.
Sáng hôm đó, các giáo sư tề tựu tại trung tâm chánh để nghe ông chánh chủ khảo nói chuyện và các việc phải làm.
Lúc tan họp, tôi lái xe Honda ra cổng thì nhận ra được một người bạn tên A, giáo sư toán của trường trung học Long An, đang đứng nói chuyện với một người lạ mặt. A thấy tôi dơ tay vẫy. Tôi liền chạy xe đến đó.
A chỉ tay vào người bạn anh ta giới thiệu:
- Đây là Lam , giáo sư Pháp văn, còn đây là Hiệp, giáo sư toán.
Chúng tôi bắt tay nhau làm quen. Lam mời chúng tôi ra quán ăn cơm trưa. Lam là một người rất bặt thiệp, ăn nói có duyên, nên chúng tôi rất dễ dàng thông cảm. Ăn xong, chúng tôi chia tay nhau, và tôi trở về chỗ trọ, đó là một ngôi trường tiểu học cũ kỹ, để chuẩn bị chỗ ngủ cho mấy ngày sắp tới. 
Chiều đến, tôi định ra tìm quán ăn, khi mới lái xe ra khỏi trường, tôi thấy A và Lam, đang ngồi trên xe Honda của họ chờ tôi trước cổng.
Lam cười khắc khắc:
- Ê Hiệp, moa  biết chỗ này có tiệm ăn ngon lắm, ở một làng cách đây hơn 4 cây số. Mình đến đó uống la de, ăn thịt heo nướng, ngắm cảnh đồng quê, thì thật thơ mộng. Toa  có chịu không?
Tôi cười:
- Moa không phản đối. Cái gì chứ ngắm cảnh thôn quê moa thích lắm.
Ba chúng tôi cỡi ba chiếc Honda chạy vào quán ăn mà Lam giới thiệu. Khi đến nơi tôi thấy đây là một làng khang trang, chợ tương đối lớn ngay cạnh một con sông nhỏ, có một chiếc cầu treo bắc qua. Khi bước qua cầu thấy cầu đu đưa như một chiếc võng khổng lồ.
Chúng tôi ngồi nhậu la de, ăn thịt nướng, nói chuyện thật là vui vẻ.
Bất ngờ, Lam hỏi tôi:
- Toa coi cái trung tâm nhỏ gần chỗ toa ở phải không?
- Ờ; mà sao toa biết?
Lam chỉ vào A :
- Cha nội này chứ ai.
Chúng tôi ăn xong, Lam nói:
- Tôi đi trả tiền.
Tôi túm tay anh ta lại:
- Vậy đâu có công bằng. Tôi phải trả mới đúng.
A nói:
- Không tôi trả mới đúng.
Ai cũng đòi trả, nên cuối cùng A đề nghị bốc thăm. Xui cho Lam, hắn cũng phải trả tiền.
Tôi thấy áy náy lắm, nhưng A cười:
- Hắn giầu lắm, đừng lo!
Tôi nghĩ thầm: "Giáo sư thì làm gì mà giầu được, trừ phi chuột xa hũ nếp hay làm chủ các trường tư hoặc lớp luyện thi tư. Nhưng anh ta dạy Pháp văn thì làm sao có lớp tư được?[1]"
Tối hôm đó, tôi sắp đi ngủ thì nghe tiếng Lam gọi ngoài sân:
- Hiệp, toa ở đâu?
Tôi chạy ra thì thấy Lam đang đứng đó một mình ở sân.
Tôi hỏi:
- A đâu?
- Hắn không đi. Mình ra làm li ca phê đi Hiệp.
Tôi đi theo Lam.
Lam nói:
- Toa ở chỗ này làm gì, về khách sạn với moa tốt hơn.
- Moa đâu biết khách sạn khách xiếc gì đâu? Hơn nữa làm gì có tiền.
Lam cười:
- Moa lo hết. Toa không cần quan tâm.
Tôi nghĩ bụng: "Tên này quả là người hào sảng, nhưng mình không thể nhận lời hắn được. Đâu có thể lợi dụng lòng tốt của kẻ khác!"
Tôi nói:
- Tôi thích ở với các bạn, nhiều người và vui lắm.
Lam nói:
- Moa có chuyện nhờ toa.
- Sao toa không nói đi!
- Thôi ra quán đã.
Chúng tôi vào quán cà phê, và tìm một nơi khuất nói chuyện.
Một cậu bé chạy tới hỏi:
- Các ông uống gì?
Lam nhanh nhẹn:
- Cho hai li cà phê sữa. À toa có thích thế không?
Tôi lắc đầu:
- Buổi tối tôi không uống cà phê được. Cho tôi chai li mô nát.
Tôi nóng lòng hỏi:
- Có chuyện khó khăn gì vậy ông?
- Đừng nôn nóng, từ từ mình nói.
Cà phê và nước được mang ra, tôi lại nói:
- Nói cho tôi biết đi!
Lam hớp một ngụm cà phê, rồi chậm rãi:
- Hiệp ạ, toa là bạn thân của moa, mà moa đang bị khó khăn toa giúp được không?
- Nếu giúp được thì tôi giúp chứ.
- Một học sinh của moa nằm trong khu của toa. Tên hắn là Khang, một người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn. Hắn cần phải đậu kỳ thi tú tài này. Ông làm ơn giúp hắn, bố mẹ hắn sẽ hậu đãi ông.
Tôi chưng hửng, không ngờ anh bạn này từ mấy hôm nay làm thân với tôi là có mục đích. Và cái việc nhờ này thì thật tôi không muốn làm, vì nó trái với lương tâm và đạo đức. Tôi muốn chấm dứt câu chuyện, nhưng sợ anh ta bị chạm tự ái, và hơn nữa tôi phải tìm cách trả các bữa ăn của anh mà anh đã khoản đãi tôi. Tôi nghĩ: "Cũng may, mình không theo hắn về khách sạn, nếu không như chim vào lồng, như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ? Chim vào lồng biết thủa nào ra?"
Tôi hỏi:
- Khang nào chứ? Trong trung tâm biết bao nhiêu Khang?
- Toa yên tâm. Moa sẽ cho toa biết họ và số ký danh hắn khi mình đạt được thỏa hiệp.
Tôi trầm ngâm suy luận tìm cách chối từ, nhưng vì đề nghị của Lam quá đột ngột làm tôi không kịp phản ứng.
Sau vài giây yên lặng, tôi nói:
- Lam à, tuy ông là bạn thân của tôi, nhưng việc này nặng nề lắm. Chắc tôi không làm nổi.
- Toa sợ ở tù à? Chuyện này chẳng ai biết cả, trừ toa, moa và gia đình Khang. Hơn nữa, ông chỉ cần giúp nó đậu môn toán mà thôi, các môn khác thì nó đều khá cả.
Tôi nghĩ: “Tù thể xác thì mình nếm rồi, nhưng tù lương tâm thì còn khó chịu hơn nhiều.”
Tôi hớp một ngụm li mô nát:
- Còn A, hắn biết gì không?
- Hắn chẳng biết gì nhiều, mà hắn cũng không quan tâm về việc này.
Tôi chợt nẩy ra một ý làm gián đoạn câu chuyện:
- Này Lam, tối nay tôi còn phải giải quyết mấy việc của trung tâm, như sắp xếp giám thị, phòng ốc.. Ngày mai mình bàn tiếp, vì toán không phải là môn thi đầu tiên, nên mình còn nhiều thi giờ bàn soạn cho chu đáo.
Không chờ cho Lam có phản ứng, tôi đứng dậy, lại chỗ quầy tiền trả phí tổn cho hai li nước. Lam bị bất ngờ, nên đành đứng lên, đi ra về.
Đến đường, tôi bắt tay Lam:
- Ngủ ngon, ngày mai mình bàn tiếp.
Lam nói:
- Toa phải nhớ rằng đến cuối tuần này, trong túi toa sẽ có 800 ngàn đồng đó. Với số tiền này thì giáo sư thường, không dạy tư, phải làm khoảng 5 năm đó. Ông có thể giúp gia đình, vợ con có một cuộc sống vững vàng.
Tôi vừa đi về vừa nghĩ: "Với số tiền này kể lớn thật, nhà mình còn nghèo, nhưng mình không thể bán lương tâm được. Đây là một bất công xã hội, thằng có tiền sẽ đậu, thằng nghèo bị rớt. Kẻ giầu sang được làm sĩ quan, kẻ không tiền mua sẽ làm lính. Lính kiểng, lính ma đã quá nhiều. Ta không thể tiếp tay với thối nát xã hội."
Trưa hôm sau, tôi lén lút rời khỏi trung tâm, lái xe vào quán thịt heo nướng, dặn chủ quán làm sẵn ba phần cơm chiều và trả tiền trước. Tôi tính rằng Lam sẽ không làm tôi mất lòng, nên sẽ đến quán này, nếu tôi yêu cầu.
Chiều hôm đó, tôi tìm A và Lam.
Vừa thấy tôi Lam hỏi ngay:
- Hiệp! Toa đi đâu trưa nay vậy?
Tôi cười:
- Moa bị đau bụng đi cầu.
A hỏi:
- Mình đi ăn cơm ở đâu giờ?
Tôi nói:
- Các ông à, tôi thấy quán cơm heo nướng có lý quá, mình lại đó ăn nữa được không? Tôi thích thịt nướng nhậu với la de.
Lam tán thành liền:
- Đúng đó! Mình đi.
Ngồi ăn được một lúc, Lam hỏi:
- Toa nghĩ kỹ về đề nghị của moa chưa?
Tôi quay sang A:
- Ông biết chuyện này không?
- Chẳng rõ lắm, nhưng mình thân mà có gì phải giấu giếm.
Tôi nghĩ: "Mình phải đưa ra sự khó khăn để từ chối mới được."
Tôi lắc đầu:
- Tôi thấy khó khăn quá. Làm sao mà tôi có thể giúp hắn nổi, trước các cặp mắt của hai giám thị và mấy chục học sinh?
Lam ngồi ngả người về gần tôi hơn giải thích:
- Hiệp à, dễ ợt! Này nhé, khi toa khui phong bì bài thi, toa giả vờ đến bàn làm việc, rồi giải bài thi. Lúc khoảng nửa chừng, toa viện cớ đi thăm các phòng thi. Các phòng toa đều la hét lấy lệ. Khi đến phòng Khang toa cũng la hét vài em cho có chừng, và đến chỗ Khang toa la hắn bài vở cẩu thả, giấy tờ luộm thuộm, muốn gian lận hả? Toa cầm giấy bài làm đem xé đi và bắt hắn làm trên một tờ giấy mà toa đã ghi bài giải, bằng viết chì thật mờ. Khang sẽ chép lại nguyên văn, rồi sẽ gôm viết chì đi là xong chuyện. Moa nói thật toa nghe, với cách hùng hổ của toa thì giám thị phòng sợ hết hồn, vì sợ liên lụy đến gian lận. Họ chỉ lo đi trốn khỏi bị vạ lây, chứ ai dám can thiệp vào việc của toa.
Tôi không ngờ Lam đã chuẩn bị cả một phương sách làm việc, nên không biết gỡ bằng cách nào? Nên bèn nhìn sang A xin cầu viện:
- A, ông nghĩ sao?
A lưỡng lự:
- Cái..cái đó tôi không có ý kiến.
Lam năn nỉ:
- Hiệp, cha mẹ Khang yêu cầu moa giúp y. Toa làm ơn hộ nhe. Toa là người có thể làm chuyện này mà.
Anh ta ngưng một lúc rồi móc ví ra, chìa cho tôi coi một chi phiếu 400 ngàn, và nói:
- Toa chỉ gật đầu một cái, là moa sẽ ghi tên toa lên tấm chi phiếu này. Đó là phần đầu, bất kể hậu quả, nếu như nó đậu thì phân nửa thứ hai họ sẽ gởi cho ông luôn.
Anh ta lấy viết ra chuẩn bị ký tên vào tấm chi phiếu.
Tôi bị khó chịu vì người khác năn nỉ mình, mà mình không đền đáp lại cho họ. Trong lòng tôi bị cắn rứt vô cùng, mình có nên để người khác thất vọng vì mình không? Mình có thể theo gương những kẽ làm xã hội ô uế không?
Tôi quả quyết, dù là trong lòng đầy đau khổ:
- Lam, ông là bạn thân tôi, nhưng việc này tôi không thể làm nổi, vì tôi cảm thấy tội lỗi lắm. Xin ông tha tội cho.
Tôi đứng dậy, bước ra ngoài. Lam, A tưởng tôi đi trả tiền, vội chạy ra trả, nhưng chủ quán đã từ chối họ. Trong lòng tôi thấy Lam cũng có nhiều điểm tốt, hắn đã tuyệt vọng mà còn cố trả tiền.


[1] Trong thời gian này, các học sinh chỉ học thêm toán lý hóa và Anh văn thôi.

No comments:

Post a Comment