Monday, October 3, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 24

Hồi tôi trung học, quần tôi hay bị rách đít. Mẹ tôi mạng nhiều lần mà cứ rách. Bực mình bà nói: “Đít mày có cái cưa.” Bố tôi lấy mảnh vải kaki dày cắt thành hình trái tim rồi nói mẹ vá lên đó. Tôi tỉnh bơ mặc đi học làm các bạn ai nấy cũng cười con nhà nghèo. Mà nhà tôi nghèo thật chẳng có gì mắc cở miễn là học không thua ai. Nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao một cô bạn cùng lớp xinh đẹp nhất trường lại có vẻ thích tên học trò nghèo coi đời như pha.
Năm 1963, sau cuộc cách mạng 1 tháng 11, tôi được trả tự do sau cuộc đòi hỏi tự do tôn giáo. Tuy rằng tôi không phải là Phật tử, nhưng tôi đã tham gia đấu tranh cho công bằng xã hội. Kể từ ngày ấy, các đoàn thể, đảng phái chính trị hay mời các sinh viên đã đấu tranh đi họp hay dự các cuộc lễ. Trước khi ra đi, tôi chọn một cái quần đã mạng kỹ để mặc và phòng ngừa chuyện chẳng lành.
Một lần khác, tôi nhận được giấy mời thăm viếng sư đoàn 5 tại Biên Hòa, nhân dịp lễ tấn phong lên thiếu tướng cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, chỉ huy trưởng sư đoàn này, với sự chủ tọa của Trung Tướng Tôn Thất Đính, đại diện Hội Đồng Cách Mạng. Tôi tụ tập một số đông thân hữu, đến địa điểm đó để đáp lại lời mời. Sáng hôm sau, chúng tôi được chuyển đến trường trung học Ngô Quyền- Biên Hòa, tại đây chúng tôi mời thêm một số nữ sinh trường này nhập bọn với chúng tôi, vì bọn tôi toàn là đực đột, nên kém phần mỹ lệ.
Khi đến trường Ngô Quyền, với tư cách trưởng đoàn sinh viên, tôi phải nhảy lên, nhảy xuống liên lạc hay "đỡ" các em lên xe nhà binh mười bánh cao nghều nghệu. Khi đang nhảy lên xe, tôi nghe một tiếng "tẹch", và biết rằng tôi bị nguy hiểm, vì cái quần mắc dịch đã rách đít. Rờ xuống đó, tôi thấy quần đã rách một mảng dài bằng nửa gang bàn tay. Không biết làm sao, tôi lùi lại chỗ mui vải của chỗ tài xế, quay mông vào đó, và dùng miệng nhờ bạn bè làm các công tác hộ.
Xe rời nơi đây và chạy về bộ chỉ huy sư đoàn 5.
Chẳng bao lâu sau, xe chúng tôi tiến vào doanh trại. Trong sân vận động to lớn, tôi thấy hàng ngàn binh sĩ đã sắp hàng ngăn nắp phía trước ba khán đài. Tôi chờ tất cả mọi người xuống hết, rồi xuống sau cùng. Tôi lững thững chắp tay sau đít, che chỗ rách, đi lại khán đài cánh, chỗ chúng tôi được ban tổ chức ấn định ngồi. Tôi chọn hàng ghế sau cùng ngồi cho yên thân, và ngắm nhìn hàng ngàn binh sĩ trong hàng ngũ chỉnh tề ở trước mặt.
Lúc gần đến giờ hành lễ, tôi thấy một sĩ quan đi đến chỗ chúng tôi ngồi. Vị sĩ quan này đến chỗ mấy cô nữ sinh trường Ngô Quyền, ở hàng đầu, hỏi han việc gì đó, rồi thấy mấy cô ấy chỉ trỏ về phía tôi. Tôi đánh lô tô trong bụng: "Thấy bà rồi, chắc có chuyện gì đây?"
Vị sĩ quan đó tiến lại chỗ tôi hỏi:
- Anh là người đại diện cho sinh viên, học sinh phải không?
- Dạ vâng, có chuyện gì vậy anh?
- Tôi là trưởng ban tổ chức nghi lễ. Theo chương trình, chúng tôi sẽ nhờ anh lên đọc một bài diễn văn để bầy tỏ cảm tưởng của sinh viên, học sinh đối với anh em binh sĩ cách mạng.
Tôi nghĩ: "Chết cha! Làm sao bây giờ? Cái bàn đọc diễn văn đặt ngay trước khán đài chính. Nếu ra đọc diễn văn thì hàng trăm cặp mắt của các tướng tá, quan khách cũng như nữ sinh trường Ngô Quyền sẽ thấy cái quần thủng đít của mình mất! Tính như thế nào đây?"
Tôi phân trần:
- Tôi chẳng chuẩn bị gì cả. Anh có thể miễn cho được không?
Anh sĩ quan cười:
- Càng không chuẩn bị, càng nói lên những suy tư chân thành nhất, và hay nhất.
Như vậy là ván bài thứ nhất tôi đã thua, nhưng liền nghĩ ra một cách khác nên nói:
- Vậy một người nào đó thay tôi được không?
Anh ta ngần ngừ:
- À..à, thôi cũng được, nhưng anh đọc thì tốt hơn, vì vai trò của anh.
- Vậy khi nào thì chúng tôi phải đọc?
- Tôi sẽ giới thiệu chương trình, đến phần nghi lễ, rồi Trung Tướng làm lễ thăng cấp, Trung Tướng đọc diễn văn, đến tân Thiếu Tướng đáp từ và sau đó là anh.
Tôi cười, nói:
- Vậy cám ơn anh.
- Không tôi cám ơn anh mới phải. À anh tên gì?
- Dạ tôi tên Hiệp.
- Cả họ tên kia, để tôi giới thiệu mạch lạc hơn.
- Dạ Võ Hiệp.
- Không chữ lót sao?
- Dạ không.
- Tên nghe như chuyện kiếm hiệp vậy?
Khi vị sĩ quan trở về phía khán đài cánh phía bên kia, tôi gọi Ông Ngọc Bảo và Ân, hai người lớn tuổi trong nhóm lại:
- Này hai cậu, chúng mình phải đọc bài diễn văn, hai cậu lên thay tôi được không?
Bảo, Ân cùng nói:
- Đâu được!
Tôi nói:
- Vậy mình bốc thăm. Tôi bẻ ba cái que, thằng nào rút cái que dài nhất sẽ phải lên đọc. Các cậu chịu không?
Bảo nói:
- Cũng được. Ân nghĩ sao?
- Thôi OK.
Tôi khấp khởi mừng thầm vì xác suất tôi phải lên đọc diễn văn chỉ là 1/3, hay nói cách khác rất có nhiều cơ hội tránh được thiên hạ thấy cái quần thủng đít.
Tôi lấy một nhánh cây bẻ làm ba, rồi đưa ra:
- Này, hai cậu rút trước đi.
Nhưng thiên bất dung gian, Bảo và Ân rút ra hai cây ngắn, nên tôi đành chuẩn bị ra đọc diễn văn. Tôi ngồi suy nghĩ cách làm sao che chỗ quần thủng đít. Tôi, đột nhiên, nghĩ ra một cách nên vội chắp tay sau đít, đi lại chỗ vị sĩ quan tổ chức.
Anh ta thấy tôi cười:
- Anh Hiệp; anh đã soạn song bài diễn văn rồi à? Này anh đọc cho hùng hồn nghe. Buổi lễ được trực tiếp truyền thanh đi toàn quốc đó![1]
Tôi nghĩ: "Vậy càng chết hơn, mình cứ lo cái quần thủng đít, mà lại đứng trước mặt quan khách thì hùng hồn làm sao được?"
Tôi trả lời:
- Chưa có gì anh ạ. Anh làm ơn cho tôi xin một tờ giấy để viết mấy nét đại cương.
Anh ta đưa tôi một tờ giấy trắng. Tôi cầm lấy tờ giấy đó, rồi trở về chỗ ngồi. Thật ra, tôi dùng tờ giấy này để làm một việc khác. Tôi ngồi nghĩ dàn bài chép vào đó và chờ đợi. Một lúc sau, Trung Tướng Tôn Thất Đính, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu cùng một số đông sĩ quan cao cấp cũng như các nhân vật quan trọng ra ngồi ở khán đài chính và buổi lễ bắt đầu.
Thật quả tình tôi chẳng nghe các ông này nói cái gì, mà chỉ sợ thiên hạ thấy cái quần xà lỏn bên trong, tai hại nhất tôi hay mặc quần lót màu đỏ trong khi quần dài bên ngoài là quần kaki vàng nhạt. Thật là một tai ương khủng khiếp. Sau phần nghi lễ, và theo đúng chương trình, tôi là người thứ ba phải ra đọc bài diễn văn.
Tiếng vị sỹ quan điều kiển chương trình vang lên:
- Tiếp theo đây chúng tôi xin giới thiệu với quý vị tướng…
Tai tôi ù len chẳng nghe gì tiếp mà giờ lên đoạn đầu đài đã điểm.
Tôi một tay cầm tờ giấy, vắt ra sau lưng, che chỗ rách ở sau mông, bụng thấp thỏm sợ ấy ông tướng cùng hàng trăm quan khách thấy cái quần xà lỏn đỏ. Tôi ráng giữ vẻ tự nhiên, bước ra bục đọc diễn văn, đặt ngay phía trước khán đài chính.
Ra đến bục chính thì tôi cảm thấy rất bình tĩnh. Tay phải cầm tờ giấy luôn luôn để ra sau lưng. Thật là một tai họa! Tôi đọc được một lúc, chắc có lẽ cũng khá hùng hồn, nên nhiều lúc mọi người vỗ tay tán thưởng. Khi tới lúc tôi nói cuộc cách mạng chưa phải chấm dứt nơi đây mà còn phải tiếp tục tiêu diệt bất công, thối nát xã hội thì một tràng pháo tay vang dội khắp quãng trường. Sự kiện này càng làm tôi hứng chí, quên tiêu cái quần thủng đít, liền vung cả hai tay lên trời để bày tỏ ý chí sắt đá của quân và dân quyết tâm trong sạch hóa xã hội và tận diệt bất công, thối nát, bè phái…
Tôi đột nhiên nghe phía sau nhiều tiếng cười ào vang lên. Thôi chết rồi! Tôi quên mất, lúc khoái chí, đã còn không che chỗ rách nữa. Liếc lại phía sau, tôi thấy các quan khách cười nghiêng ngả vừa chỉ vào cái quần thủng đít của tôi. Bây giờ thì quá muộn, tôi cứ tiếp tục khoa tay vung vít để biểu lộ cảm tưởng mình.
Sau khi buổi lễ chấm dứt, anh sĩ quan tổ chức đến nói với tôi:
- Anh đọc diễn văn hùng hồn lắm. Tôi chọn không sai người.
- Dạ cám ơn anh.
- Chúng tôi mời anh cùng phái đoàn tham dự bữa tiệc liên hoan ăn mừng.
- Dạ được.
- Mời anh cùng các bạn lên khu sĩ quan ăn uống cho vui.
Tôi chối từ:
- Chúng tôi mang tiếng là ủy lạo binh sĩ mà lên với các anh thì thấy kỳ quá.
Anh nài nỉ:
- Anh cứ lên đi! Trên đó tươm tất hơn.
Tôi gãi tai:
- Thôi anh để tôi hỏi ý kiến của các bạn. Được không?
Anh sĩ quan gật đầu.
Tôi quay sang nói cùng các anh em sinh viên, học sinh:
- Thưa các bạn; mình đến đây là ủy lạo anh em binh sĩ. Vậy tất cả chúng ta xuống khu binh sĩ để chia vui cùng họ. Các bạn chịu không?
Mọi người nghe nói có lý nên cùng hô:
- Chịu!
Anh sĩ quan đành đi về.
Đang ăn được nửa chừng, tôi thấy vị sĩ quan đó xuống chỗ tôi ngồi.
Anh ta nói:
- Anh Hiệp; Trung Tướng và Thiếu Tướng mời anh lên ăn tiệc cùng các ổng.
Tôi lúng túng:
- Anh làm ơn thưa lại cùng Trung Tướng và Thiếu Tướng cho phép tôi ngồi đây với các anh em binh sĩ.
Anh ta nhăn mặt:
- Không được đâu! Các ổng sẽ kiển trách tôi đó! Anh lên đó một chút.
- Nhưng nhưng…
Anh ta cười rồi ghé tai tôi nói:
- Nhưng nhưng cái quần thủng đít chứ gì? Mọi người đã chiêm ngưỡng cái quần xà lỏn đỏ của anh rồi. Nhưng nếu anh không có cái quần đỏ thì mọi người chắc vui thú hơn. Anh lên đó đi không thì tôi bị vạ.
Tôi đành phải phải theo anh ta lên phòng ăn đặc biệt để tránh sự lôi thôi cho vị sĩ quan tổ chức và lần này tôi khỏi cần che cái chỗ rách nữa.
Lên đến nơi, tôi thấy các Tướng, Tá các các sĩ quan cao cấp khác đang ngồi chờ. Tôi ngồi xuống ăn với các vị ấy. Các ông cũng hỏi han tôi vài chuyện trong quá khứ lúc biểu tình, khi bị bắt, bị tra tấn rồi quay ra nói chuyện với nhau. Các chuyện này thường là các trận đánh các kỷ niệm quân ngũ, nên tôi chẳng biết gì mà góp phần. Ngồi thêm một lúc, tôi cáo từ, trở về chỗ của các anh em binh sĩ.
Một thời gian sau, các đảng phái hay mời chúng tôi tham gia các sinh hoạt của họ. Mục đích là lôi kéo  tham dự đảng. Thấy vậy, tôi từ bỏ tất cả các cuộc sinh hoạt này vì tôi không thích bè phái chính trị. Nhiều người có tư tưởng tham gia chính trị vẫn tiếp tục và sau này làm lớn trong chính quyền miền Nam.
Nhưng đó chính cũng là cái may của tôi sau ngày 30 tháng 4, 1975.


[1] Thời này chưa có truyền hình.

No comments:

Post a Comment