Ngày hôm sau, khoảng 5 giờ chiều tôi mới về lại Tân Thiềng cùng vợ.
Tôi vừa vào nhà thì bà xã chạy ra nói:
- Ông à! Thanh Hiền và Nguyễn Thị Cao mới xuống tìm ông đó. Ông lên lại Lách đi.
Vừa khi ấy Phan Tấn Thành, em của Tư Như Ý, cũng sang. Tấn Thành không những là cựu học sinh của tôi mà còn là cháu vợ gọi tôi bằng dượng.
Chúng tôi vào nhà ăn cơm qua loa rồi nói:
- Bây giờ, Tấn Thành chở Thầy lên Lách, trả Nhân anh cho vợ hắn rồi thầy trò đến quán Mỹ Phượng của Nguyễn Thị Cao.
Khi xe ngừng tại quán Mỹ Phượng. Cao mừng lắm chạy ra đón.
Tôi nói:
- Bây giờ, thầy chưa nói chuyện với em được. Thầy đem Nhân trả lại cho vợ hắn, rồi quay lại em trong 10 phút nữa.
Chúng tôi rời đó, vượt cầu qua bên kia sông để Nhân về nhà rồi quay lại quán Mỹ Phượng.
Gần đến nơi, chúng tôi thấy quán chật người ngồi. Đến nơi, tôi thấy khoảng 30 bà ngồi vây quanh nói chuyện. Vừa thấy tôi các em vỗ tay hát:
"Võ Hiệp Kỳ Tình.
Cái bụng chình bình.
Con mắt ốc bu.
…… . .. ."
Thật ra biệt hiệu Võ Hiệp Kỳ Tình là do các em đặt cho tôi, khi tôi mới về nhận nhiệm sở được vài tháng, và thấy tôi có một nếp sống hơi hải hồ, cùng giúp đỡ các em trong mọi trường hợp. Sau đó, một số học sinh đã làm bài vè trên để tả ông thầy mới đến của các em. Ngày còn đi học ở đại học, các bạn học cũng đã gọi tôi với biệt danh ấy.
Khi đang nói chuyện, một người đàn ông tuổi khoảng trên 40 bước vào nói:
- Thấy các chị của em nói chuyện xưng thầy, nên em chắc là Thầy đã dạy đây lâu rồi.
Một em gái nói:
- Thầy dạy đây hồi mày mới vào lớp tiểu học.
- Nghe Thầy nói vui quá, vậy Thầy cho em nói chuyện với Thầy được không?
- Ồ có gì đâu, ngồi nói chuyện cho vui.
Tôi kéo ghế để em ngồi cạnh.
Nói một lúc em nói:
- Thầy à, Thầy là thứ mấy để em gọi cho tiện?
- Thầy thì chẳng quen gọi thứ mà cứ gọi tên thôi.
- Vậy tên Thầy lì gì?
- Tên Hiệp em à.
Em nhìn tôi cười:
- Trước kia nơi đây cũng có ông thầy, mà em nghe các anh các chị nói tên là Hiệp như Thày, nhưng là Võ Hiệp, Thày à.
Tất cả cùng cười ồ.
Tư hỏi:
- Mày có biết mày đang nói chuyện với ai vậy không?
Anh này tỏ vẻ ngường ngượng hỏi:
- Vậy là ai?
Các em cùng nói:
- Đó chính là thầy Võ Hiệp chứ còn ai.
Ngày hôm sau, lớp Mai Chí Hiếu, Tô Ngọc Thời, Nguyễn Toàn Thảo, Lương Văn Thế, Phan Văn Chinh, Nguyễn Hữu Tài, Hiếu Nghĩa toàn là nam sinh…mời tôi sang quán của Mười Đặng làm tiệc khoản đãi. Ngồi cạnh tôi là một cán bộ tuổi dưới 50.
Các em lần lượt đứng lên phát biểu cả tưởng gặp thầy. Hầu hết đều tỏ ra sự cám ơn tôi đã tận tình dạy dỗ các em.
Đến phiên Nguyễn Hữu Tài đứng dạy. Tôi thấy em bị cụt một bàn tay, nên hỏi:
- Tay em sao vậy?
- Em đi lính dù trước kia không bị thương. Khi về nhà làm vườn cuốc nhằm trái M79 nên cụt tay, Thầy à. Em không biết nói gì mà nghĩ rằng ngày xưa Khổng Tử học trò thương làm sao. Nhưng ngày nay đây là lần đầu tiên mà em thấy học trò ai nghe Thầy về cũng náo nức quay thăm Thầy như vậy.
Đến phiên người cán bộ, em nói với giọng cảm động:
- Thầy thì chắc không nhớ em, nhưng công Thầy thì cả đởi em không quên. Em lớp nhỏ lắm, chưa học Thầy ở trường công, nhưng em học lớp Đồng Tiến. Nhà em nghèo lắm, nhưng chị Điệp đã nói em cứ vào học vì Thầy miễn phí. Nhờ học Thầy mà em khá toán nên sau này có căn bản làm việc thành công. Một lần nữa em cám ơn Thầy.
Thật cảm động. Khi tôi dạy miễn phí các em tôi đâu bao giờ nghĩ cám em nhớ ơn làm gì mà nay các em còn nhớ mãi. Âu đâu phải: “Cứu vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán đâu?”
No comments:
Post a Comment