Wednesday, February 1, 2012

Nam Bắc du kí bài 48

Cơm xong chúng tôi lên đường và chỉ một giờ sau đã lọt vào địa phận huyện Can Lộc quê hương của Mai Hắc Đế. Huyện này còn có đền thờ người anh hùng Đặng Dung. Thật ra chuyện đời của ông là một câu chuyện hào hùng, thương tâm và nên đưa vào tiểu thuyết hay chuyển thành phim lịch sử.

Trong thời mạt Trần, vua tôi đều là kẻ bất tài rồi Hồ Quý Ly soán ngôi năm 1400. Trong khi ấy bên TQ cũng có nhiều biến chuyển lịch sử quan trọng. Chu Nguyên Chương diệt xong Mông Cổ năm 1368 lên ngôi với niên hiệu Hồng Vũ (Minh Thái Tổ), đặt kinh đô tại Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay). Chu Đệ là một con thứ của vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, được phong cho làm Yên Vương (vùng nước Yên thời Đông Chu) đặt kinh đô tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương băng hà, ông di chiếu cho cháu nội lên làm vua tức là Minh Hụê Đế. Thật ra người thừa kế ngôi vua là Đông Cung Thái Tử- con trai trưởng, nhưng không may người này mất sớm. Chu Đệ cũng như các hoàng tử khác mưu tính cướp ngôi cháu (Huệ Đế). Huệ Đế cho quân đi dẹp khắp nơi. Chu Đệ phải giả điên để cho Huệ Đế không chú ý tới, mà dồn quân tiêu diệt các phần tử đối kháng khác. Trong lúc ấy Huệ Đế ngấm ngầm liên kết với đám hoạn quan ở Kim Lăng, và chiêu binh mãi mã.

Năm 1402, khi đầy đủ lực lượng, Chu Đệ đem quân xuống Nam Kinh, giả vờ dẹp loạn tiếp cháu, nhưng tiến quân thẳng vào kinh đô đốt cháy Nam Kinh rồi rời đô về Yên Kinh. Chu Đệ lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Thành Tổ và cho xây kinh thành này. Ông Hoàng Đế TQ này là một người thông minh tài năng và rất hiếu chiến. Ông đã cho quân xâm lăng khắp nơi và có ý chiếm lại Đại Việt, biến thành Giao Chỉ quận của TQ. Muốn đánh Đại Việt cũng không dễ dàng vì quốc gia này đã từng đả bại Nguyên Mông, một đế quốc hùng cừơng nhất thế giới ba lần. Muốn đánh Đại Việt TQ phải có một duyên cớ hợp lý để chiếm lòng dân và lý do ấy là đánh Hồ phục Trần. Với duyên cớ, ông vua sai hai tướng Hàn Quan và Hoàng Trung sang xâm chiếm VN năm 1406, nhưng bị nhà Hồ đẩy lui. Năm sau, ông lại sai Đại Tướng Chu Năng đem 10 vạn quân sang đánh nước ta và chiếm lấy rồi sát nhập vào TQ. TQ đã thi hành một chính sách đồng hóa bằng cách lấy hết sách vở của ta đem về Tầu. Chúng cũng thẳng tay tàn sát những người không phục tòng chúng. Theo Minh Sử các người cai trị nước ta hồi ấy đã báo cáo cho Minh Triều rằng họ đã giết chết 7 triệu thảo khấu. Xem ra con số này là phóng đại vì dân ta hồi ấy chưa đông để giết tới con số ấy.

Nhân dân ta thán rồi, Giản Định Đế tên Quỹ con vua Nghệ Tông, khởi nghĩa đánh Minh năm 1407. Minh đem quân đàn áp, ông yếu thế phải chạy vào Nghệ An. Thành Nghệ An bấy giờ trấn thủ bởi Đặng Tất, một quan nhà Trần. Lúc quân Minh đánh Hồ, ông thấy không chối nổi giặc nên đã hàng Minh. Đặng Tất có một người con trai văn võ song toàn tên là Đặng Dung. Theo một số sử liệu, Đặng Dung sinh khoảng năm 1373 thì năm 1407, ông đã được 34 tuổi.

Đặng Tất thấy có lãnh tụ chống Minh là giòng dõi nhà Trần, nên đem bọn quan quân Minh giết đi, rồi đón Giản Định Đế vào và chiêu binh mãi mã, tổ chức kháng chiến. Đặng Dung theo cha phò Chúa đánh đông, dẹp bắc làm nên công chuyện. Năm 1409, quân ta thắng lợi to, nên kéo quân ra Ninh Bình, được nhân sĩ Bắc Hà hưởng ứng.

Giản Định Đế thâý thắng, nên có ý thừa dịp này đánh thẳng vào Thăng Long. Đặng Tất can là nên đợi binh sĩ các lộ tập họp cho đông đủ hãy tấn công. Giản Định Đế không chịu và muốn hoàn tất kế hoạch bèn đem giết Đặng Tất và quân sư Nguyễn Cảnh Chân.

Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị, con của Nguyễn Cảnh Chân thấy cha bị giết oan đem quân bản bộ rút về Chi La (La Kỳ- Hà Tĩnh) và không hợp tác với Giản Định Đế nữa. Vì lỗi lầm nghiêm trọng này, lực lượng kháng chiến từ từ tan rã.

Cuối năm1409, một người cháu của vua Nghệ Tông tên Trần Quý Khoách đứng lên hô hào kháng chiến chống Minh. Để hợp nhất lực lượng, Trần Quý Khoách cho tướng Nguyễn Súy ra bắc bắt Giản Định Đế về Nghệ An và tôn lên làm Thái Thượng Hoàng. Đặng Dung thấy có lãnh tụ mới, và với lòng yên nước sẵn có, ông cùng Nguyễn Cảnh Dị đem quân đầu phục. Một phen nữa ông lại tung hoành đánh quân Minh. Một lần ông được trao trách nhiệm ra Hàm Tử để chặn giặc, nhưng không được tiếp tế lương thực đầy đủ nên lại phải rút về.

Sau đó các ngừơi làm Việt gian tố cáo làm lực lượng yếu kém nhiều.

Năm 1413, Trương Phụ đem quân đánh thành Nghệ An, Thái Phó nhà Hậu Trần là Phan Quý Hữu, ra hàng và con cái ông này muốn tâng công, chỉ điểm cho giặc tất cả các người thuộc tổ chức kháng chiến. Quân Minh thẳng tay tàn sát tất cả những người có liên hệ làm máu nhuộm khắp nơi. Đặng Dung cùng tướng Nguyễn Súy phục kích Trương Phụ, đánh quân Mịnh tan ở Nghệ An. Ông đột nhập được vào thuyền tướng Minh này. Vì không biết mặt Trương Phụ, nên tên này giả dạng, nhảy xuống một chiếc thuyển nhỏ trốn được.
Can Lộc

Sau đó, Minh quân tấn công mãnh liệt trả thù. Vì lực lượng còn kém, lương thực không đủ, nên quân ông càng ngày càng tan rã.

Ông có làm một bài thơ nói nên tấm lòng vì nước vì dân của ông. Bài thơ chưa biết rõ vào thời nào, song dựa vào ý thơ thì có thể bài thơ được làm vào lúc này.

感 懷                                                        Cảm hoài

世事悠悠奈老何                          Thế sự du du nại lão hà?

窮天地入酣歌                         Vô cùng thiên địa nhập hàm ca .

時來屠釣成功易                          Thời lai đồ điếu thành công dị.

事去英雄飲恨多                          Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.

致主有懷扶地軸                          Trí chủ hữu hoài phù địa trục.

洗兵無路挽天河                          Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà!

國讎未報頭先白.                         Quốc thù vị báo đầu tiên bạch.

幾度龍泉帶月磨                          Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!

 鄧容                                                      Đặng Dung

 Thơ dịch:

Cảm nghĩ

Thế sự lê thê sao sớm già.

Đất trời bát ngát muốn say, ca.

Kẻ hèn thời có làm nên chuyện.

Người tài vô thế cũng tiêu ma.

Hưng chủ muốn nâng trục Trái Đất.

Tàn binh đành bỏ giải Thiên Hà.

Quốc thù chưa báo đầu đã bạc.

Bao độ mài gươm dưới nguyệt tà.             
                                    VHKT        


Tiếc thay, thời thế chưa tới, lực lượng kháng chiến càng ngày càng suy đồi.
 Năm 1414, lực lượng kháng chiến tan rã. Vua Trần Quý Khoách bị bắt và giải về Yên Kinh. Ông cùng các tướng Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị đều tuẫn tiết đền nợ nước. Tính theo các dữ kiện trên ông qua đời mới 41 tuổi. Một nguồn sử khác lại nói ông và Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ moi gan ăn. Nếu quả như vậy thì Trương Phụ quả là một con quỷ. Một thời đau khổ nhục nhã của dân Việt mà phải đợi thêm 14 năm sau Lê Lợi mới đuổi được quân Minh về nước.
Dân Hà Tĩnh cảm cái trung quân ái quốc của ông nên đã lập đền thờ ở đây.

No comments:

Post a Comment