Thursday, February 9, 2012

Nam Bắc du kí bài 55

Tối hôm đó, cả nhà quây quần quanh bố tôi để nghe ổng nói chuyện về chuyến đi trong mấy ngày qua.

Ông nhìn chúng tôi, rồi bắt đầu câu chuyện:

- Mấy hôm vừa qua, ba và bác Thừa đi thăm một làng nhỏ có tên là thôn Tân Phúc cách đây độ bốn, năm chục cây số về phía tây. Làng này ở gần những vùng rừng núi hiểm trở và những buôn, sóc người Mường. Ở nơi đó chẳng nghe tiếng đại bác, mà cũng không nghe tiếng máy bay. Cuộc sống ở đây thì thật là thanh bình. Quanh làng có những đồi Sim thoai thoải. Quả Sim chín thì ngon vô cùng. Nó ngọt và thơm phức.

Ông ngừng lại một chút để lấy hơi. Qua lời ông tả, tôi tưởng tượng trong óc một ngôi làng thơ mộng êm ái, đúng là một thiên đường. Một điều mà chúng tôi sợ nhất là chiến tranh sẽ cướp đi một trong mấy người thân của chúng tôi và đương nhiên mẹ sẽ là người đứng đầu trong danh sách ấy. Thôn xóm xa lạ kia sẽ là nơi bảo vệ hạnh phúc đơn giản mà chúng tôi cùng cầu mong.

Ông nói tiếp:

- Ba, mợ định đưa các con lên làng đó ở để tránh bom đạn. Các con nghĩ sao?

Mặt chúng tôi đứa nào cũng tỏ vẻ hớn hở, gật đầu lia lịa, trừ cu Thắng nó chẳng biết gì. Riêng tôi, tôi nghĩ nếu về đấy ở tôi sẽ không bao giờ phải xa mẹ và chẳng phải trốn máy bay nữa.

Cẩm Lý hỏi:

- Nhà ta sẽ làm gì để sống hở ba?

Bố tôi gật gù tỏ vẻ đắc ý về câu hỏi:

- Mình sẽ mua một vài mẫu ruộng để trồng lúa, vài thửa vườn, rồi mình sẽ nuôi trâu, bò lợn, gà...Mình sẽ thuê một số người đến đó để canh tác và chăn nuôi.

Ông nhìn tôi cười:

- Con tuy mới bẩy tám tuổi, nhưng con cũng có thể giúp mấy người ấy trong việc chăn trâu, chăn bò. Con có dịp được cỡi trâu, cỡi bò.

Mẹ tôi tiếp lời:

- Còn Cẩm Lý, Cẩm Dung thì phụ mợ trông nom nhà cửa, giữ em.

Khi nghĩ tới ngồi lắc lư trên mình trâu, tôi sướng phát điên lên được. Có lẽ cả nhà đều nhìn thấy mắt tôi sáng rực như hai cái đèn ô tô. Lúc ấy tôi chưa được nghe bài hát: “Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau, miệng em hát nghêu ngao…”, nếu không chắc đã nghêu ngao hát bản ấy rồi.

Tôi nóng nảy hỏi:

- Khi nào nhà ta sẽ dọn về làng đó hở ba?

Cả bố lẫn mẹ đều nhìn tôi tôi cười, có lẽ ông bà cùng đọc được ý nghĩ của tôi.

Mẹ tôi trả lời:

- Chúng ta phải đợi mấy người bà con của mẹ từ Ninh Bình vào. Họ sẽ giúp nhà ta trong công việc đồng áng, sau đó mình sẽ thuê thuyền để chở đồ đạc.

Vài ngày sau, bố tôi cùng mấy anh vệ sĩ rời nhà để trở về nơi họ làm việc ở Phủ Quì, Nghệ An. Sau mấy ngày vui đoàn tụ, thì bây giờ là lúc buồn bã của sự chia ly.

Mấy anh vệ sĩ đã lên ngựa, nhưng bố thì còn quyến mẹ. Cuối cùng, giờ chia tay cũng phải đến.

Mẹ cùng chúng tôi đứng ở cửa nhìn theo bố và mấy anh vệ sĩ từ từ khuất dần ở cuối đường. Tôi nghĩ không biết đến bao giờ thì bố sẽ về với gia đình? Hình ảnh bịn rịn của mẹ lúc bố lên ngựa làm tôi không quên được. Nếu lúc ấy ai nhớ truyện Kiều của cụ Nguyễn Du chắc sẽ phải đọc lên:

"Người lên ngựa, kẻ rẽ bào.

Rừng thu phong đã nhuộm màu quan san.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an.

Người đi đã khuất mấy ngàn dâu xanh."



Hay là những câu trong Chinh Phụ Ngâm:



 "Nhủ rồi tay lại cầm tay.

Bước đi một bước, giây giây lại ngừng."

......



 "Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống.

Giáp mặt rồi bỗng phút chia tay.

Hà lương chia rẽ đường này."


No comments:

Post a Comment