Tuesday, February 14, 2012

Nam Bắc du kí bài 59

Ngày hôm sau, ba anh em và con cháu lại lên đường về Tân Phúc sau khi đã thăm thị xã Thanh Hóa và Nấp. Về địa lý, làng khoảng 50 hay 60 cây số phía tây thị xã Thanh Hóa, này nằm cạnh Lam Sơn, nơi vua Lê Lợi khởi nghĩa chống Minh năm 1418.

Năm 1949, bố mẹ tôi lại đưa gia đình lên đây để tránh bom đạn vì máy bay Pháp lại ném bom Quán Mật và bắn phá sông Nấp. Mấy chị em chúng tôi bắt đầu lao vào các việc đồng áng nặng nề.

Để đến đây, chúng tôi dùng đường 45 để xuất phát, vì nó sẽ nối liền với con đường tráng nhựa cũ nối từ thị xã Thanh Hóa lên Bái Thượng, dọc theo sông Chu. Tháng 11 năm 1954, bố và tôi đã đuổi một đàn dê từ Tân Phúc ra Hà Nội nên đã dùng một phần con đường này. Tương đối con đường cũng lưu thông không đến nỗi tệ vào thời gian ấy. Tôi cố tình theo đó để nhìn lại các làng mạc một thủa nào đã biết. Tôi thất vọng vì khi hết đoạn đường 45 thì con đường ven sông Chu trở nên lồi lõm, lởm chởm vì con đường tráng nhựa cũ đã bị thời gian phá hủy để lại những khối đá, nhựa rời rạc. Xe chạy hơn 10 cây số một giờ. Tuy nhiên di chuyển ven sông Chu, chúng tôi cũng được dịp ngắm con sông thơ mộng ấy và cuối tháng 10, 1954 ba anh em chúng tôi cũng đã ngồi thuyền xuôi dòng sông này để ra Nam Định. Sở dĩ con đường này bị bỏ hoang mấy chục năm là vì chính quyền đã làm con đường 47 mới ở về phía nam đường 45 nối liền đập Bái Thượng với thị xã, qua phi trường Sao Vàng, còn con đường này chỉ dùng làm đê chống lụt và để các xe nhỏ lưu thông trong địa phương mà thôi.

Con sông và con đê dã gợi lại chuỗi ngày hai bố con đuổi dàn dê từ Tân Phúc ra. Đầu tiên có lẽ bố mẹ không nghĩ đuổi dê bằng đường bộ mà định thuê thuyền chở chúng nên ba anh em tôi ngồi thuyền cùng bố suôi theo sông Chu xuống rồi theo các con kinh ra Nam Định. Nhưng điều kiện chuyên trở bằng ghe không thuận tiện nên ra đến Nam Định thì đổi kế hoạch.

Ở lại Nam Định vài ngày để mua sắm thêm một số quần áo ấm cho mùa đông đang tới, rồi cả nhà ngược dòng sông Hồng lên Hà Nội, trừ tôi. Tôi phải ở lại Nam Định một mình, tại nhà người bà con xa, chờ bố tôi quay lại để trở về Tân Phúc đuổi dê ra Hà Nội.

Tuy ở đây một mình nhưng tôi không nhớ nhà lắm vì biết rằng mọi người đều yên ổn ở một nơi có cuộc sống tốt hơn. Cả ngày tôi lang thang trên các đường phố của thành phố này, để nhìn ngắm các xe hơi qua lại. Trước khi có cuộc kháng chiến bùng nổ cuối năm 1946, bố tôi được chính phủ Việt Minh cấp cho một chiếc Xi trô en đen. Nhưng sau đó chúng tôi ít khi được nhìn thấy khối sằt di chuyển này, nên xe hơi là một vật lạ mà tôi thích ngắm.

Khi rời khỏi đây, mẹ cho tôi ít tiền để ăn sáng. Nhưng tính tôi thích tìm hiểu nên thay vì ăn sáng, tôi dùng tiền thuê một chiếc xe đạp để chu du quanh thành phố. Hôm thì lên chợ, ngày thì xuống phố ngắm rạp ci nê Đại Nam, Éden. Buổi lại đi xem nhà máy dệt Nam Định, một cơ sở kỹ nghệ lớn vào bậc nhất Việt Nam ngày ấy. Một ngày khác tôi dạp xe di ven sông Nam Định để xem tàu be qua lại.

Một tuần sau, bố tôi quay lại đây với một chiếc xe đạp. Sáng tinh mơ ngày hôm sau, ông chở tôi bằng chiếc xe đạp này ngược về Thanh Hóa. Đến 8 giờ rưỡi tối hôm đó, chúng tôi đi đò ngang qua sông Mã, vì cầu Hàm Rồng đã bị phá sập từ khi mới có chiến tranh và một khoảng thời gian sau chúng tôi đến nhà anh Côn ở thị xã này. Anh Côn anh em chú bác của tôi, mới hồi cư từ Đại Đồng về đây khi chiến tranh chấm dứt.

Thị xã Thanh Hóa, lúc bấy giờ mới tái thiết sau 8 năm chiến tranh, nên còn rất nghèo nàn. Tấy cả các đường lộ đều là đường đất, không điện, không nước máy và hầu hết nhà cửa đều là nhà tranh vách đất. Chúng tôi ngủ lại đây đêm đó và đến sáng sớm ngày hôm sau hai bố con lại cỡi xe đạp về Tân Phúc.

Chiều hôm ấy, chúng tôi đặt chân lên chiếc cầu tre khi gió bắc thổi  vi vu, và mây xám dăng dăng cả bầu trời. Đây là cây cầu mà bố tôi đã bỏ nhiều công sức điều khiển dân làng làm bằng tre, luồng. Cầu dài khoảng 100 m rộng 80 phân.

Sau một thời gian xa cách, bây giờ trở lại đây, tôi thấy tâm tư có một mỗi buồn man mác. Ngôi trại thân yêu, trên đỉnh đồi, cô đơn buồn tẻ trong gió heo may. Tôi tự hỏi: “Mẹ và các em có trong ấy không? Chắc chắn là không. Tại sao ta về đây?”

Khi vượt qua chòm đa, chúng tôi không thấy một bóng người đi lại quanh trại như mọi khi, và nếu không thấy đám khói lam vấn vương trên mái nhà thì chúng tôi đã nghĩ đây là một cái trại hoang. Các cụm lau lách quanh nhà với các chùm bông trắng tóat đong đưa trong heo may làm cảnh vật thật là hiu quạnh, ngậm ngùi. Tôi bất giác thở dài.

Trên đê sông Chu

Vài phút sau, chúng tôi đến giữa sân, nhưng vẫn không một bóng người. Tôi đẩy cánh cửa tre bật mở, và thấy Quỳ, anh bạn gì, đang ngồi co ro bên cạnh đống lửa nướng khoai, và sau lưng anh là một con chó mẹ gầy còm đang nằm dài dơ cái bụng lép hẹp, trơ da và xương để cho mấy con chó con bú. Chẳng hiểu mấy con chó con đó có bú được chút sữa nào không, hay chỉ là ngậm nhai cho đỡ buồn? Tất cả những thứ đó tạo nên một bức tranh mô tả nên sự nghèo nàn nhưng tuyệt đẹp.

Sông Chu
Quỳ rất mừng rỡ khi thấy hai bố con tôi trở về. Tôi giúp anh ấy nướng thêm một số khoai, và đó là bữa cơm chiều của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment