Friday, February 3, 2012

Nam Bắc du kí bài 50

Sáng hôm sau, cả đoàn chúng tôi về Nấp, một làng cách thị trấn khoảng 5 km, thuộc huyện Đông Sơn, nơi mà chiếc trống đồng đầu tiên được khai quật. Đây chiếc trống đã biểu hiệu nền văn hóa dân tộc. Thanh Hóa là quê nội chúng tôi chính là nơi chôn nhau cắt rốn của Bố và Thắng.

Nấp đối với tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm. Sau năm 1946, khi ông Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bố cho gia đình rời Bến Thủy tản cư về Thanh Hóa, còn ông tham gia kháng chiến. Nơi đầu tiên mà mẹ con tôi ở là Bồng Thượng, một làng ven bờ sông Mã xinh đẹp, nước trong xanh nhìn tới đáy, với các bãi cát trắng tinh, phẳng lì, rộng rãi là những bãi tắm lý tưởng trong mùa hè nóng nực. Chúng tôi lội ra cách bờ đến 20, 30 thước, nhưng nước chỉ tới cổ một đứa bé 5 tuổi như tôi. Chúng tôi sinh sống đây được ít lâu, thì máy bay Pháp oanh tạc làng này. Mẹ cho chạy về Bồng Trung cách đó vài ba cây số.

Ngày ấy, có hai người anh cô cậu là Hiếu và Khoa từ Ninh Bình về sống với chúng tôi. Và chỉ vài tháng sau đấy, máy bay Pháp lại bắn chợ Bồng Trung, nơi mẹ tôi buôn bán hàng ngày. Mẹ lại đưa cả đại gia đình tản cư về Nấp, ấy là vào giữa năm 1947. Gia đình gì Thừa, chị ruột mẹ tôi, cũng tản cư về đây; các anh chị con bên nội cũng như ngoại tạo cho chúng tôi thêm ấm cúng. Cạnh núi Nấp là núi Nhồi mà đỉnh núi có một gộp đá lớn, nhìn từ phía Nấp tới thì gộp đá này nhìn như một  người đàn bà ôm một đứa con, chờ chồng. Một hình ảnh biểu tượng cho sự trung thủy của phụ nữ Việt Nam.

Tôi nhớ lúc mới lên 5, 6 tuổi nhà tôi mới tản cư từ Bồng Trung về đây. Tôi được mẹ cho theo anh họ cùng làng đi học. Ngôi trường đầu tiên trong đời tôi là một phần của một ngôi chùa dưới chân núi Nhồi. Thời gian này tất cả các cao ốc, biệt thự đều bị san bằng theo chiến thuật tiêu thổ kháng chiến nên chùa bị biến thành trường học. Hình như đây là nơi để khách thập phương tới nghỉ thì phải; nó được xây trên một gộp đá lớn chung quanh có cây hoa Đại thơm phức. Sau lớp học là một cây đa buông rễ lòng thòng, nhìn có vẻ thâm u quái đản. Ngôi chùa chính thì trong chân núi bên sau bụi đa quái dị kia.
        Trong giờ chơi, mấy đứa tôi leo lên các gộp đá chơi trốn tìm, vui đáo để. Khi nghe tiếng máy bay Pháp tới, chúng tôi chui vào các hốc đá trốn là an toàn. Tôi nhớ một vài lần bọn trẻ chúng tôi vào xem chùa thấy có cái hang sâu thẳm, làm chúng tôi tưởng tượng trong đó có con rắn khổng lồ, nên cả đám chay ra ngoài, không dám bén mảng đên đó nữa.


No comments:

Post a Comment