Sunday, February 26, 2012

Nam Bắc du kí bài 67

Nhiều người lớn và cô giáo mở cửa chạy ra. Tụi côn đồ ù té chạy mất.

Kể từ hôm đó, tôi biết rằng có nhiều sự nguy hiểm chờ đón chúng tôi sau khi tan học. Tôi phải nghĩ ra một giải pháp nào để đưa ba đứa con gái về nhà an toàn. Sau khi tan trường, tôi ba chân bốn cẳng chạy đến đón ba đứa con gái rồi cùng nhau chạy trước.

Mấy tên côn đồ hét báo động cho nhau:

- Tụi bay ơi! Thằng chó dẫn mấy đứa con gái chạy mất rồi. Mau mau đuổi theo!

Mấy tên đó không dám đuổi tụi tôi khi lẻ bọn, nhất là đã từng chứng kiến cảnh tôi nện tên đầu xỏ hôm trước. Chúng phải chờ hết cả đám mới đuổi theo, vì vậy chúng tôi đã chạy được một khúc rồi. Khổ một nỗi, mấy đứa con gái chạy quá chậm, chỉ một lúc sau là tụi tôi nghe tiếng bọn côn đồ la hét sau lưng.

- Bắt tụi nó lại! Bắt tụi nó lại, bây ơi!

Tôi biết chỉ còn một khoảng khắc nữa là mấy thằng giặc cạn sẽ đuổi tới. Khi chạy qua một ống cống lớn, đột nhiên tôi nẩy ra một kế. Tôi dẫn ba đứa con gái xuống rãnh nước, rồi thổi tắt đèn, chỉ chừa lại một cái, và chui vào ống cống. Ống cống này đường kính độ 1 thước tây, dùng để nước có lối thoát. Vì vậy ống cống cũng chẳng mấy gì là sạch, và mùi vị thì cũng chẳng mấy dễ ngửi. Tuy cống nhỏ, nhưng cũng đủ để cho tụi tôi xúm xít co ro trong ấy. Chúng tôi lấy sách vở che kín ngọn đèn sáng duy nhất còn lại, để ánh sáng không léo ra ngoài.

Một chút sau, chúng tôi thấy ánh đèn lấp lóe, nghe tiếng chân chạy thình thịch trên đầu, rồi nghe tiếng hét inh ỏi:
- Chạy nhanh lên bay ơi!
- Mấy đứa con gái sao chạy nhanh quá vậy?
Đợi thêm một chút khi tiếng hò hét xa dần, tôi kéo ba đứa con gái ra khỏi ống cống, thắp lại các đèn đã tắt, rồi thủng thẳng đi về. Xa xa còn thấy ánh đèn lập lòe và tiếng hò của bọn du côn còn theo gió vọng lại: "Trời mưa...Hò, ơi hò"
Vài ngày hôm sau, trường cho tan học sớm.
Bác cả Sanh thấy tụi tôi về sớm, bác gọi:
- Hiệp! Dung! Đem sách vở lên đây bác xem!
Bác tôi là người rất nghiêm khắc. Ông muốn tôi trở nên người, và theo cái quan niệm cổ thì: "Thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" nên càng đánh đòn là càng thương. Tôi biết giờ hành tội của tôi đã tới.
Cứ mỗi lần, các bác tôi hay bố tôi mà xét vở là tôi bị ăn đòn. Tội thứ nhất là viết chữ xấu, vì ngày ấy quan niệm các cụ muốn học giỏi là phải văn hay chữ tốt. Tội thứ hai là sách vở bẩn thỉu. Thêm vào đó giấy tờ thời kháng chiến viết một trang thì thấm đến ba trang bên dưới và cái ngòi viết lá tre lâu lâu lại rè, thành thử quyển vở của tôi chỉ có tôi có thể đọc nổi. 
Bác tôi đeo kính lên, ra ngồi ở bộ tràng kỷ. Hai đứa tôi khúm núm đưa sách cho ổng. Ông lấy quyển vở của Cẩm Dung đọc trước làm tôi càng lo hơn.
Xem một hồi, ông gật gù:
- Kể ra thì viết chữ cũng được, sách vở khá sạch. Này cầm lấy.
Cẩm Dung đưa hay tay đón lấy quyển vở, có lẽ nó mừng húm.
Tôi nghĩ chữ của nó có gì đẹp hơn chữ tôi đâu? Chắc là bác thiên vị con gái không nỡ đánh đòn, cho nên mỗi lần xét vở của nó là ông đều nói như vậy.
Ông cầm quyển vở của tôi lên. Tôi thấy mắt ông nhíu lại, mũi thì kịt kịt. Thôi rồi tôi chắc chết!
Ông quay sang tôi, trợn mắt:
- Hiệp! Sao vở mày bẩn quá vậy? bẩn hơn mấy lần trước, đã thế nó còn thối.
Ông quay sang bên kia cầm cây roi mây:
- Đưa tay ra!
Tôi chẳng biết giải thích cho ông thế nào về mấy quyển vở bị dơ. Thật ra hôm tôi đánh nhau với tụi du côn, mấy quyển vở bị mén xuống đất, và đường sá nông thôn thì rất nhiều trâu bò, nên mấy quyển vở trở nên rất dơ dáy mà lại còn có mùi.
 Nếu tôi đem việc đánh nhau ra để trình bày thì còn bị đòn thêm về tội du đãng, vì câu chuyện dài và không biết cách giải thích sao cho ổn thỏa. Do đó tôi phải câm miệng để chịu đòn.
Ông nói:
- Vở dơ dáy!
- Vở hôi thối!
Mỗi lần nói, ông lấy roi dằn vào bàn tay tôi vài ba cái. Mỗi cái dằn đã làm tôi đau điếng, nhưng phải nhăn mặt chịu đựng chứ không dám khóc, vì con trai khóc là con trai hèn.
- Mày còn viết chữ xấu như gà bơi bếp. Viết như thế này thì sau này lớn lên chỉ đi hốt cứt.
Tôi nghỉ: “Bác nói đúng lắm. Đâu phải đợi sau này, ngay bây giờ mình đã hốt cứt rồi còn gì.”
Bác lại hét:
- Nào xòe tay ra.
Tôi xòe tay ra, nhưng lại thụt vào.
- Không! Xòe tay thẳng ra, lần này đáng năm roi, nhưng tao cho khất một một roi. Nhớ chưa?
Một ngọn roi làm tôi đau quặn, nhất là ngày mùa đông giá rét.
Chữ bác nói khất một roi có nghĩa là mai mốt bác khám lại thì sẽ cộng roi đó vào. Đây là bản án tù treo thôi và không có luật lệ gì bảo đảm.

No comments:

Post a Comment