Tuesday, February 21, 2012

Súng thế kỷ 13

Trên diễn đàn Viện Việt Học, một số bạn đã đưa ra câu hỏi về súng đại bác thế kỉ 13, thời Mông Cổ và Nguyên Mông. Tôi đăng bài này trên đó nhưng không có hình ảnh. Nay đăng lên đây với các hình ảnh giải thích.

Trong thời gian viết quyển Đại Việt thắng Nguyên Mông (ĐVTNM), tôi đã có dịp tìm hiểu các vũ khí thế kỷ 13. Trong đó có súng đại bác của Mông Cổ.

Trong các sử Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn có nói tới việc quân Mông tiến tới bắc sông Thao, bắn súng đại bác làm quân ta hoảng sợ. Khi đọc tới đây chúng ta hình dung ra các loại súng mà các chiến hạm Âu Châu bắn nhau. Nhưng thực ra các súng này không có nòng như ta tưởng tượng.

Đây là đoạn tôi đăng trong quyển sách ấy:

“Mông Cổ có các loại vũ khí công thành là súng bắn đá (catapult), súng bắn dầu nóng, diêm sinh, và tiêu thạch (salpêtre) trộn với đất đá. Họ đã thu lượm các kỹ sư Trung Quốc để làm ra loại vũ khí này. Thường ta gọi là súng bắn đá, nhưng không phải là súng có nòng như các loại súng ngày nay ta thấy. Tuy nhiên đây là một loại vũ khí công thành rất hiệu nghiệm vào thời ấy. Có khi họ đem bắn cả thây người hay xác thú vật sang địch quân.

Dựa vào hình chụp của các website chúng tôi tạo ra các mẫu trong không gian ba chiều để các vị đọc giả dễ tửơng tượng. Chúng tôi không biết đây có phải là loại súng bắn đá mà Mông Cổ dùng hay không, tuy nhiên nguyên tắc là các chi tiết dưới đây chắc súng không khác biệt bao nhiêu.

Súng này dùng tới các vật liệu như gỗ tốt để làm sườn, bánh xe, cần phóng. Gỗ có tính đàn hồi, dai sẽ làm cánh cung, còn tóc, lông thú và vải sẽ dùng làm dây cung cũng như dây kéo cung. Dây kéo cung được cuốn quanh một trục; nhiều người kéo dây này làm cánh cung bị uốn cong. Tất cả sức mạnh được dự trữ dưới dạng thế năng. Lúc buông dây kéo ra cánh cung bật lại, và cục đá được phóng ra. Thế năng bây giờ biến thành động năng. Cục đá có thể phóng xa đến 150 m và nặng gần 50 kg.

Riêng loại súng bắn đá và dầu nóng, chúng tôi chưa tìm đâu ra được mẫu loại súng này. Theo các tài liệu như trong quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” thì súng bắn dầu nóng cũng là súng bắn đá trên, nhưng khi bắn người ta trộn dầu nóng, thạch tiêu và diêm sinh vào đá vụn để làm bị thương người nhiều hơn một lượt.”

 
Bản đồ thiết kế súng bắn đá
Súng được mô tả trong trận Nishapur như sau:

“Lần này quân Mông trở lại đánh và với sự chuẩn bị kỹ càng. Dựa vào quyển Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400 thì Nishapur là xứ của sỏi đá, nhưng quân Mông đã chuyển đá về đây (cho súng công thành) và xếp từng đống như lúa gặt vụ mùa. Điều này làm quân phòng thủ rụng rời chân tay tuy là họ có sẵn 3000 nỏ, 300 máy phóng hoả tiễn, 300 súng bắn dầu nóng và tất cả trong tư thế chuẩn bị chiến đấu.”
Súng này còn được mô tả trong trận đánh thanh Baghdad.
Năm 1258, Hülagü quay xuống tấn công giáo chủ Hồi ở thành Baghdad. Thành này chống cự mãnh liệt, đến nỗi Mông Cổ bắn hết đá mà vẫn không chịu thua. Dân trong thành, khấp khởi mừng thầm thì quân Mông đốn các cây chà là (Palm), chặt khúc bắn tiếp. Cuối cùng thành cũng bị thất thủ; vua-giáo chủ những người Hồi Al-Musta’sim bị giết.
Một mẫu súng khác
Tuy nhiên các súng này cải tiến nhiều hơn. Lúc Mông Cổ tấn công Kim lần thứ hai và Nam Tống thì người Kim và Trung Quốc đã dùng súng này với các đạn là các kim loại đúc hình cầu trong chứa chất nổ và có ngòi như pháo. Các đạn này được để lên giá phóng (súng), đốt ngòi rồi phóng đi.
( Vì tranh tìm chưa ra nên xin hẹn đến ngày mai)

No comments:

Post a Comment