Friday, March 2, 2012

Nam Bắc du kí bài 70


Bài thơ tranh làng tôi

 Từ năm 1950, chúng tôi làm ruộng sinh sống nên ba chị em tôi lao vào làm việc của người lớn như nhổ mạ, gánh phân, cấy lúa, gặt lúa, gánh lúa rồi dập lúa. Lúc ấy người lớn nhất tên Mộng Lan mới 13 tuổi, tôi lên 10 và em gái tôi Thanh Mai lên 9. Tôi không quên nổi những ngày trưa hè oi ả, ba chị em gánh các gánh phân trâu bò vào Mả Dẻ, Cửa Khâu xa 5, 6 cây số. Các gánh nặng nề đè lên vai bé bỏng của chúng tôi đến đỏ bầm. Chúng tôi cắn răng chạy thật mau để bớt chút thời gian.

Mỗi lần dừng chân lại nghỉ mệt, lấy nước lọc đựng trong ống tre ra uống, lau bớt mồ hồi, lấy nón lá quạt cho bớt nóng, tôi nhẩm đếm: “Còn 3 ngọn đồi mới tới ruộng.” Mỗi một quả đồi dài hơn cây số. Trời! Làm sao đoạn đường ngắn đi bây giờ? Tôi chỉ mong có quyển sách “Ước” muốn gì được nấy thì điều đầu tiên ước là đường đi ngắn hơn, lại có một cục kẹo ngậm cho thật ngon. Nhưng than ôi đường không thay đổi, kẹo là chuyện hão huyền.

Mùa thu , tháng 10, 11 là vụ gặt lúa, ba chị em lại vào nơi đây gặt lúa rồi gánh đem về. Các gánh lúa một lần nữa làm rát vai chúng tôi dứoi cái lạnh cóng.



Bài thơ gánh lúa.

Năm tôi lên hơn 12 tuổi tôi phải đi cày, bừa. Đây là công việc của các thanh niên trai tráng làm, nhưng nhà tôi làm gì có trai tráng. Chị tôi đã làm công việc này lúc chưa tới 16 tuổi, nhưng sau đó chị xung phong đi bộ đội, nên công việc chuyển cho thằng bé gầy guộc làm thay. Lúc ấy tôi không cao hơn cái cày và cũng không nặng hơn nó bao nhiêu.

  

Thơ đi cày.

 Chúng tôi sống nơi đây cho đến sau khi tiếp thu Hà Nội, tháng 11 năm 1954. Ngôi làng có tên Tan Phúc, hạnh phúc mới, nhưng chúng tôi đã không biết bao nhiêu kỷ niệm tran hòa nước mắt đặc biệt là tôi.

Dân Tân Phúc nhìn chị em tôi làm việc đã phục sát đất. Vì trong làng những trẻ nhỏ như Cẩm Dung và tôi chỉ làm việc đánh cỏ, nhổ mạ và chăn trâu bò là tối đa nhưng chưa thể gánh lúa gánh phân đi xa, chứ đừng nói chuyện cày bừa. Đây là công việc của người lớn.

Đến ngày rời khỏi đây tôi không cầm nổi nước mắt vì thương ngôi làng nghèo nàn này. Đây không phải là nơi chúng tôi sinh ra, cũng chẳng phải sinh sống từ thủa lọt lòng hay quê nội ngoại, nhưng ai hỏi làng anh ở đâu? Tên gì? Chúng tôi không ngần ngại trả lời: “Làng tôi gần Lam Sơn, Thanh Hóa, tên nó thật yêu kiều: Tân Phúc.” Dù đã quá ư cực nhọc, nhưng tôi vẫn hãnh diện đã làm nhưng việc mà những người cùng trang lứa không làm nổi, chịu đựng những cay đắng mà các bạn cùng tuổi không bị.

No comments:

Post a Comment