Friday, March 9, 2012

Nam Bắc du kí bài 75

Quay lại chuyến du lịch:

Tôi chụp vài tấm hình rồi cậu này lại đưa tôi đi tiếp. Đến một nơi tôi thấy ruộng để trồng lúa và chỉ có ít nước. Các mảnh ruộng đã bị cầy lên chuẩn bị cho vụ mùa chiêm, Tôi lại hỏi:
      -          Đây là đâu?
-          Dạ Rừng Tre.
Kỉ niệm khác lại hiện lên trong lòng tôi:

      Khi Quỳnh hết chăn trâu, tôi ra nhập đàn với thôn. Làng tôi nhỏ nên số mục đồng ít đàn mục súc cũng ít. Tuy nhiên, Thiến cũng phải đánh bại con trâu đầu làng để làm lãnh tụ mới. Một trong những nơi tôi mới biết là cánh đồng cỏ Rừng Tre, nơi tranh giành giữa thôn tôi và làng Diên Hào. Lâu nay, làng tôi không dám chăn trâu nơi đây dù là nơi đây thuộc làng tôi. Sỏ dĩ có chuyện này là vì con trâu đực của làng này mạnh quá. Nó húc trâu thôn tôi chạy tán loạn. Hơn thế nữa, bọn mục đồng làng này đông nên chúng ăn hiếp làng tôi.
Lần đầu tiên, người mục đồng đầu đàn làng là Tú, dắt tôi đến đây tôi mới thấy cái hay của rừng.
Khi đuổi trâu, bò qua rừng Tre, tôi để ý đó thật không phải là tre, mà là luồng, một loài tre lớn hơn tre bình thường và không gai. Tôi không thể ngờ sau rừng tre um tùm đó là một cánh đồng cỏ bao la nằm trên vài quả đồi liên tiếp. Rải rác trên cánh đồng có những cụm dứa (thơm hay khóm), những bụi sim và mua.
Trước kia, Quỳnh và Tôi đã nhiều lần đuổi trâu, bò qua vùng này, nhưng chúng tôi nghĩ sau lũy tre xanh là tài sản tư nhân nào đó, vì vậy chúng tôi chẳng dám vào.
Chỉ vào bụi khóm Tú nói:
- Đó là dứa rừng. Ngoài cỏ tốt, đó là lý do thứ hai mà tụi Diên Hào cố gắng chiếm đồng cỏ này. Vào mùa hè, chúng tôi hay đi tìm dứa chín để ăn.
Nơi đó quả thật là một nơi lý tưởng để chăn đàn mục súc. Chỉ cần leo lên một gò mối cao là có thể quan sát được hết trâu bò. Giữa đồi chúng tôi đứng và quả đồi kế cận có một lạch nước nhỏ, và một vài vũng nước trâu đầm hôi thối. Chỉ có trâu đầm mình trong bùn, còn bò thì không. Vì trâu không có nhiều lông như bò, nên dưới ánh sáng mặt trời mùa hạ, nó thừơng bị rát da. Để bảo vệ thân chúng, trâu phải đầm mình trong bùn. Lớp bùn phủ bên trên lưng chính là một lớp áo giáp chống nắng.
Giao, em của Quỳnh đề nghị:
- Sang đồi kia coi đi anh Tú.
Giao bây giờ đi chăn bò cho nhà anh ta.
Tú nói:
- Ừ! Mình đi!
Để trâu, bò gặm cỏ nơi đó, Tú dắt Giao và tôi vượt qua lạch nước sang bên đỉnh đồi đối diện.
Giữa đỉnh đồi đó có một con đường mòn chạy theo hướng bắc nam.
Tú nói:
- Con đường này nối liền từ Mả Dẻ, ở phía nam, đến Diên Hào rồi chợ Tứ Trụ, ở phía bắc. Dân làng ta đôi khi cũng phải dùng nó để đi chợ, nếu con đường qua chòm đa bị lụt. Tuy nhiên, con đường này quá xa cho chúng ta. Tiện nhất là mình dùng nó để đi lên rừng Lim hay đập Bái Thượng. Một cái bất tiện khác là cái dốc kia.
Tú ngừng một lát chỉ tay về cái dốc nối liền từ đồi đó đến sông Nông Giang:
- Vào ngày mưa, nó trơn như xối mỡ.
Tôi tò mò:
- Đập Bái Thượng ở đâu?
Tú chỉ tay về phía tây, tây bắc:
- Phía đó cách đây độ mười mấy cây số.
- Còn đâu là rừng Lim?
- Cùng hướng đó. Chỗ mà có những chòm cây cao xa tít mù khơi đó. Thấy không? Theo ông cố Lý thì nơi đó là một vùng thuộc đất Lam Sơn.
Tôi nói:
- Vậy tôi biết rồi. Lam Sơn là nơi mà vua Bình Định Vương Lê Lợi đã khởi nghĩa chống nhà Minh bên Tầu vào thế kỷ 15.
Tú ngạc nhiên:
- Sao mày biết?
- Trong sử ký mà.
Tú lắng tai nghe một lúc rồi nói:
- Mình về đồi kia đi! Chúng nó tới.
Đến xế chiều, thì nhóm đầu tiên bầy trâu, bò của làng Diên Hào nhởn nha gặm cỏ đến đỉnh đồi đó.
Mấy thằng bé chăn trâu bên kia đồi la lên khi thấy tụi tôi:
- Ê bay ơi! Có trâu! Có trâu!
Có lẽ chúng báo động cho những tên trong đám còn ở dưới chân đồi, cùng khi ấy, Thiến bắt đầu mài sừng. Trên đỉnh đồi của đối phương, một con trâu đực, đầu đầy cành lá tiến về Thiến. Lúc chỉ còn độ năm bẩy thước con đó đứng lại, nhìn Thiến. Hai con trâu đánh hơi nhau, bằng cách hít hít mũi về hướng đối phương. Chỉ độ vài giây sau, con trâu đó chợt đâm đầu bỏ chạy và bầy trâu của làng Diên Hào chạy luôn, làm mấy tên mục đồng kia chạy theo chúng.
Vài tên quay sang chúng tôi, dơ quả đấm lên trời:
- Đừng bao giờ đến đây nữa! Các ông sẽ đánh tụi mày chết cha!

No comments:

Post a Comment