Tuesday, March 20, 2012

Nam Bắc du kí bài 81

Đến sáng ngày kế tiếp, đê sông Nông Giang bị vỡ làm nước ngập lụt cánh đồng sâu, còn các loại cây mềm như: chuối, tre non đều bị gẫy rụi. Khi nước lụt tràn vào đồng, mà tôi hàng đêm phải vượt qua, chúng tôi thấy rắn bơi từng đàn. Điều này làm mọi người cùng nhận thấy sự nguy hiểm mà tôi phải đương đầu hàng đêm. Nhiều cánh đồng khác ngăn giữa làng tôi với các đồng cỏ: Ô Rô, Mả Dẻ, đồi Găng...cũng bị lụt hết. Vì lý do đó, chúng tôi chỉ chăn trâu ở những đồng cỏ gần nhà trong đó có cả rừng Tre.
Một lý do giản dị mà chúng tôi trở lại đây là vì bầy trâu, bò của làng Diên Hào đã bị trận lụt ngăn cản không vào đây được. Trong vài ngày đầu, chúng tôi chăn trâu ở phía đầu cánh đồng cỏ này, rồi mỗi ngày một xa hơn và vài ngày sau chúng tôi đã đến gần cuối đồng. Nơi đây cỏ non xanh mượt vì nhiều nước mưa trong trận bão và không có trâu, bò nào ăn trong một thời gian dài. Mỗi ngày chúng tôi đều vui mừng, vì đàn mục súc của chúng tôi đều cằng bụng khi về chuồng.
Ở Rừng Tre, vào mùa đó, chúng tôi có thể tìm dứa chín để ăn. Riêng tôi, tôi thường hay đi tìm trứng chim về luộc cho cu Thắng ăn cơm; cả nhà chỉ có cu Thắng có cái đặc ân đó. Các bạn tôi leo cây không giỏi lắm nên chỉ đứng nhìn tôi biểu diễn nghề leo trèo.
Một buổi trưa, tôi chợt khám phá ra những bụi luồng gần bờ ruộng có rất nhiều tổ cò. Tôi leo lên lấy được vài trứng; trứng cò tương đối lớn hơn các trứng chim khác và màu xanh nhạt trông rất đẹp. Tôi leo lên một cây khác để lấy trứng cò, tuy nhiên cái tổ này rất cao, nên càng lên cao thì càng khó khăn hơn. Lúc lên gần đến nơi, với sức nặng của tôi cây bắt đầu cong, làm mấy đứa con gái bên dưới la lên ỏm tỏi.
Bất chợt một cơn gió khá mạnh thổi tới, cây luồng uốn cong như một cánh cung, làm trứng cò rơi xuống đất. Tôi thấy đầu mình cắm xuống dưới, chân đưa lên trời. Lúc ấy, tất cả trai gái đều rú lên, vì sợ tôi ngã. Nếu mất bình tĩnh, tôi có thể ngã xuống đất không chết thì cũng què. Tôi bèn kẹp cứng ngắc cây luồng, để mặc nó uốn thế nào thì uốn. Khi luồng đã hết trớn, nó bắt đầu bật lên càng lúc càng mạnh, rồi lại uốn sang phía đối diện. Tôi cảm thấy chóng mặt, nhưng pha trộn với nhiều cảm xúc khác rất lạ lùng.
Tôi quyết định ở lại trên ngọn cây để được hưởng cái cảm giác kỳ lạ trong những tiếng rú của bạn bè. Sau khi gió giảm bớt, cây từ từ cân bằng, tôi tụt xuống cho bạn bè biết các cảm giác vừa qua. Các bạn tôi cũng theo tôi leo luồng, vì leo luồng dễ hơn leo cây, để có một trò chơi mới.
Một hôm, chúng tôi đang chăn trâu, bò ở khu này thì đột nhiên một cơn dông kéo tới. Vì  bấy giờ là cuối hè, nên ít khi có mưa dông, do đó chúng tôi chẳng ai chuẩn bị mang theo áo tơi. Mọi người đều chuẩn bị chịu ướt. Tôi chợt nghĩ ra một cách để không bị ướt khi trận mưa kéo tới.  
Lúc mưa đến, tôi chạy đến một lùm cây xa chỗ các bạn đang đứng, rồi bắt đầu thoát y. Lấy tất cả quần áo để lên đầu, rồi lấy nón đội lên trên. Với cách đó, khi tạnh mưa, tôi có ngay một bộ quần áo khô để mặc, trong khi các bạn khác đều lạnh run và ướt như chuột lột. Tụi nó đã không hiểu tại sao tôi có thể làm như vậy được?
Chiều đến, chúng tôi lo gom trâu, bò về nhà. Khi đàn mục súc của chúng tôi đến đầu dốc của con đường mòn về Mả Dẻ, chúng tôi thấy trước mặt một đàn mục súc khổng lồ của làng Diên Hào chặn ngang ngay chỗ vũng trâu đầm. Tất cả bọn tôi chẳng biết làm cách nào để ngăn ngừa một cuộc đụng độ giữa con trâu trắng với Thiến hoặc Vồ.
Ngay lúc đó, phía bên dưới chân đổi tụi mục đồng Diên Hào bắt đầu gọi nhau ơi ới:
- Tụi bay ơi! Tụi Tân Phúc đây này!
Chỉ một thoáng, chúng tôi thấy con trâu trắng bên dưới lạch trâu đầm bắt đầu mài sừng, con trên này Thiến và Vồ vẫn bình thản gặm cỏ.
Chúng tôi không ngờ được rằng nước lụt đã rút bớt quá nhanh, và tụi Diên Hào đã vượt qua chỗ đó mà vào đây. Tôi lo lắng chờ đón một thảm họa khác diễn ra. Tôi cố sức kéo Thiến, Vồ chạy, nhưng chúng cưỡng lại dù rằng tôi dùng roi quất chúng.
Viện chỉ con trâu trắng nói:
- Con này là con đánh Thiến đó.
Tôi gật đầu, nhưng không trả lời hắn. Tôi đã nhận thấy con trâu đó từ lúc nó mài sừng, và trong lòng không ngớt lo âu cho Thiến, Vồ vì sức mạnh cộng thêm cặp sừng nhọn như gươm của nó.
Tú nói:
- Con Vồ có lẽ sợ con trâu trắng rồi, hay là nó lười mà không chịu mài sừng?
Không ai đáp lại lời Tú, và tất chúng tôi chúng tôi đều dán mắt vào các cử động của con trâu trắng.
Tôi dặn Giao, Viện:
- Khi con Vồ thua chạy, tụi bây đuổi hộ đàn trâu tao về chuồng, còn tao phải chạy theo con Vồ để đem về sau, không thì nó sẽ lạc.
Giao, Viện cùng gật đầu.
Con trâu trắng đi lên từ dưới chân đồi, trên đầu đầy cành lá, theo sau nó là lũ mục đồng la hét như ong vỡ tổ.
Con Thiến đột nhiên lãng ra chỗ khác, còn mình con Vồ vẫn ở lại ngay đầu dốc, ngẩng đầu nhìn đối thủ, miệng vẫn nhai ít cỏ còn dư. Khi hai con trâu đứng gần nhau, chúng tôi có dịp quan sát, so sánh chúng. Kể về cơ thể, hai con nhìn rất tương đương, tuy nhiên con trâu trắng có cặp sừng dài, nhọn hơn, nhưng con Vồ có cái cổ to hơn nhiều.
Con trâu trắng dương cặp mắt đỏ ké, mũi hít hít về phía Vồ, rồi bắt đầu di động. Bất thình lình, con trâu trắng hạ đầu xuống, lao thẳng về phía Vồ. Con Vồ nhanh nhẹn đổi hướng, hạ đầu xuống đón cái húc của đối phương.
Với sức nặng và vận tốc của đối phương, làm con Vồ phải lui lại một bước.
Cả đám Diên Hào la inh ỏi:
- Hay qua! Hay quá!
Tôi bắt đầu lo cho Vồ.
Tiếng sừng trâu va chạm đinh tai, nhức óc. Con Vồ bấy giờ choại chân đứng yên một chỗ, có lẽ nó đã giữ được sự thăng bằng. Còn con kia vẫn hung hăng vặc cặp sừng nhọn hoắt vào cổ Vồ. Một phút sau, tôi thấy cổ Vồ có một vết máu chảy.
Tụi Diên Hào hô hoán:
- Con trâu đen bị chảy máu rồi bây ơi.
Lòng tôi quặn đau, lại một thảm kịch sắp xẩy ra cho Vồ theo đúng con đường của Thiến. Các bạn tôi đều xanh mặt, bắt đầu đi tìm trâu, bò của chúng để chuẩn bị đuổi về, nhưng cả bọn đều ngừng lại khi nghe tiếng la mừng rỡ của tôi:
- Vồ tiến lên! Tiến lên!
Tôi nhận thấy Vồ đột nhiên đổi chiến thuật sau khi bị đau. Nó không còn đứng yên một chỗ như trước, mà bắt đầu choại mạnh chân ra sau, và đẩy tới mãnh liệt làm con trâu trắng bị đẩy lui một lượt bốn, năm bước tới gần đầu dốc.
Con trâu ấy cũng không vừa, nó vặc cặp sừng lợi hại của nó liên hồi, làm Vồ bị thương lần thứ hai. Những giọt máu đỏ của Vồ rơi xuống thảm cỏ ướt và loang đi với nước mưa còn sót lại.
Tụi Diên Hào lại có dịp cổ võ vang dậy:
- Hay quá! Hay quá! Sắp thắng rồi!
Con Vồ phát điên, nó đột nhiên lùi lại một bước rồi phóng tới đối thủ như một cái xe ủi đất. Con trâu kia lại bị đẩy lùi thêm sáu bẩy bước nữa. Có lẽ nó chịu không nổi với cái đầu cứng như đá của Vồ, nên cong đuôi chạy. Vô phúc cho nó, ngay sau lưng nó là cái dốc trơn như mỡ dội vì trận mưa cuối mùa.
Con trâu đáng thương đó tụt xuống cái dốc như một lực sĩ thi môn tuyết Super G trong kỳ thế vận mùa đông. Nó cố trì chân lại để thoát hiểm, nhưng khi gần đến cuối dốc thì mất thăng bằng té lăn cù như một khối gỗ tròn xuống cuối dốc. Nó lồm cồm bò dậy, chạy biết mất sau hàng găng.
Con Vồ có lẽ còn hăng máu, phóng đuổi bầy trâu kia chạy tứ tán.
Trong khi tụi trẻ kia lủi thủi đi lùa trâu bò, bọn tụi tôi la hét mừng rỡ cho trận chiến thắng oanh liệt của Vồ.
Viện ngon trớn mạ lị:
- Tưởng sao! Con trâu trắng dở bỏ mẹ. Phen này chắc chắc về nhà ỉa té tỏng.
Tụi Diên Hào bàn tán một lúc rồi đột nhiên chia làm hai: một tốp theo bầy trâu bò, còn phần lớn quay lại chỗ chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau, cùng đoán thầm chúng tới để gây sự với số người gấp đôi chúng tôi. Thằng đầu sỏ cao hơn tôi một chút, và to con lắm, trên mặt có một cái sẹo. Tôi nhận ra nó chính là thằng trùm du côn của làng Diên Hào mà mấy năm trước đã từng chọc ghẹo Cẩm Dung, Tuyết, Nguyệt. Nó thì không nhận ra tôi, vì tôi đã lớn hơn trước nhiều.
Hắn xăn tay áo, tiến tới chỗ Viện, hếch mặt hỏi:
- Tiên sư mày! Mày nói gì? Trâu mày thì khỏe hơn trâu tao, nhưng tao thì đánh mày hộc máu dễ như chơi.
Vừa nói, hắn vừa xô Viện thụt lùi năm sáu bước. Viện bản tính đã nhát gan lại thấp và nhỏ hơn tên đó, nên trông vẻ sợ hãi lắm. Tôi cảm thấy bất nhẫn khi chứng kiến một thằng lớn bắt nạt một thằng nhỏ.
Tôi nói:
- Con trâu đó là của tao.
Thằng mặt sẹo quay lại nhìn tôi từ đầu đến chân, có lẽ nó nhận ra được giọng nói của tôi.
Nó ngửa mặt, rồi cười hô hố:
- Ha! Ha!...Tưởng ai, thì ra mày thằng kỳ đà. Đ mẹ! Đợi ông đánh bỏ mẹ cái thằng đen thui này đã, rồi ông sẽ hỏi tội con. Nhe con!
Tôi cãi lại:
- Mày đừng hòng ỷ lớn mà bắt nạt con nít. Tao không...
Tôi chưa kịp hết lời thì hắn đã dùng hết sức phóng một quả đấm vào mặt tôi. Tôi cảm thấy tối tăm mặt mày, mắt nổ đom đóm, và ngã bổ nhào xuống đất. Tôi cảm thấy mặn mặn ở trong miệng. Tôi biết rằng miệng tôi đã chảy máu, nhưng máu trong người tôi thì sôi lên sùng sục.
Mấy thằng bạn nó la hét hỗ trợ:
- Đánh! Đánh! Đánh chết nó đi Huê!
 Tôi vùng đứng dậy để phản công, nhưng chưa kịp vững chân thì tên sẹo mặt đã đạp thêm một cái, làm tôi ngã xuống cạnh một cái gò mối nhỏ. Tên đó phóng tới đạp tôi cái nữa, nhưng tôi lăn mình đến gò mối làm hắn đạp hụt.
Huê quay sang phía tôi định tấn công nữa, nhưng tôi ngồi dựa lưng vào gò mối, dùng nó như là điểm tựa, đạp ngược vào bụng dưới hắn làm hắn bật văng ra phía sau. Không đợi hắn giữ lại thăng bằng, tôi phóng vào, hạ người xuống thấp ôm ngang hông hắn, dở hắn lên.
Huê cố vùng vẫy để thoát khỏi tay tôi, nhưng người nó đã không còn chỗ dựa. Không còn cách nào hơn, nó đành đấm liên tiếp vào người tôi, cố tình làm tôi đau và phải thả nó ra. Nhịn đau, tôi luồn đầu xuống nách nó, nên nó chỉ còn có thể đấm vào lưng tôi mà thôi. Tôi đã có thế thượng phong, ôm ngang hông hắn, quật nó sang trái rồi sang phải làm hắn chóng mặt và cuối cùng tôi ném mạnh nó xuống đất. Vô phúc cho hắn, chỗ nó bị ném xuống là một gốc cây bên một vũng nước, nên nước bùn văng tung tóe đầy người và hắn đau lắm.
Tôi phóng theo, ngồi lên bụng hắn rồi đấm vào mặt hắn trả thù.
Tụi bạn hắn hô:
- Đánh thằng chó bay ơi!
Cả đám xông vào, lấy roi đánh trâu quất vào người tôi.
Tú cũng hô:
- Vào cứu Hiệp anh em ơi!
Mấy đứa bạn tôi, tuy là ít, không còn sợ nguy hiểm, cùng một loạt xông vào: đứa dùng roi kẻ dùng gậy đánh nhau túi bụi.
Khi chúng đang tôi bị nguy vì ít người hơn tụi kia nhiều, chợt ở dưới đồi có tiếng vọng lên:
- Bay ơi! Xuống đây giúp tụi tao! Trâu, bò ăn lúa!
Cả đám tụi nó bỏ chúng tôi, chạy xuống đồi để cứu mấy đứa bạn chúng, và vì thế chúng tôi thoát nạn.

No comments:

Post a Comment