Thursday, March 22, 2012

Nam Bắc du kí bài 82

Cậu thanh niên này rất hăng, cậu thấy tôi có vẻ thích thú với phong cảnh không mấy gì là đẹp nên đưa tôi đi tiếp đến vài nơi mà tôi đã hỏi.

Cậu ngừng lại nói:

-          Đây là rừng Oro chú ạ.

Nơi đây có kỉ niệm tát cá với bố.

***

Vài ngày nữa là ngày đầu mùa gặt của nhà tôi. Chúng tôi lại bận rộn chuẩn bị đem lúa mới về trại. Một vấn đề chính của những ngày mùa là đồ ăn cho thợ gặt. Vì chỉ còn ông cố Lư và ba chị em tôi, nên chúng tôi không thể gặt kịp lúa khi lúa chín. Do đó bố mẹ phải muợn thêm người gặt theo cách đổi công. Đổi công là cách giúp nhau trong các mùa cấy hay gặt; khi nhà tôi cần phải gặt cho kịp lúa chín thì người khác lúa chưa chín đến giúp hai hay ba người; đến khi lúa họ chín, chúng tôi lại phái hai, ba người giúp lại họ. Để giải quyết vấn đó, bố tôi nói tôi dẫn ổng vào các lạch nước ở giếng Ô Rô để tát cá.

Trưa ngày hôm ấy, hai bố con chuẩn bị gầu, oi rồi đi vào giếng Ô Rô. Việc chăn trâu, bò Cẩm Dung phải đảm nhận. Kể từ năm đó, Cẩm Dung thường phải thay thế tôi chăn trâu, bò khi tôi bận hoặc bị bệnh. Chúng tôi thấy một lạch nước dài lắm, mà phần đầu khoảng 20 mét, với nhiều khúc nằm dưới những tàn lá, những bụi cây um tùm. Muốn tiết kiệm sức khỏe, hai bố con đắp những đê nhỏ chia lạch nước làm bốn cái ao nhỏ.

Cái ao đầu tiên, chúng tôi phải dốc toàn lực tát thật cạn rồi mới bắt được cá. Kết quả sau khi tát cái ao đó, chúng tôi được độ năm, bẩy con cá diếc vài con cá rô và vài con cá quả ( cá lóc) nhỏ. Còn từ cái ao thứ hai trở đi, chúng tôi mở một nổ nước nhỏ để nước chảy từ ao thứ hai sang ao thứ nhất. Do đó, chúng tôi chỉ cần tát hơn nửa ao nước mà thôi.

Sau ba cái ao, chúng tôi thu hoạch không được khả quan lắm. Đến lúc mặt trời gần lặn, hai bố con bắt đầu tát cái ao thứ tư, cũng là cái ao cuối cùng. Cái ao này phần lớn nằm dưới các bụi cây rậm rạp.

Khi cái ao gần cạn, bố tôi nói:

- Hiệp! Con lên bờ đứng nhìn, nếu thấy con cá quậy ở chỗ nào thì nhẩy xuống bắt.

Ông khỏe nên tát nước mạnh hơn tôi. Tôi lại bắt cá giỏi hơn ông; thật là một ý kiến hay.

Tôi theo ý ông lên bờ đứng nhìn.

Một lúc sau, dưới ánh sáng nhá nhem của mặt trời gần lặn, tôi thấy một chỗ bùn bị động thật mạnh.

Tôi la:

- Ba ơi con thấy một con cá!

Nói xong, tôi nhẩy xuống chỗ đó, dơ hai tay bắt. Ôi thật sung sướng, tôi đã bắt được một con cá quả thật lớn. Đó là con lớn nhất mà chúng tôi đã bắt được trong ngày. Chẳng bao lâu sau, tôi lại thấy cá quậy mạnh trong bùn.

Tôi lại mừng rỡ la lớn:

- Một con nữa ba ơi!

Tôi phóng xuống chụp ngay được một con cá quả lớn thứ hai. Cả hai bố con đều rất mừng vì kết quả bất ngờ đó. Chúng tôi hy vọng với cái đà này chúng tôi sẽ thu hoạch được nhiều kết quả khả quan.

Tôi vừa bỏ con cá vào oi, thì nghe tiếng quậy trong bùn. Nhìn về phía đó, tôi thấy bùn động dữ dội ngay dưới một bụi cây, chắc hẳn là một con cá quả thật lớn.

Tôi lại la lớn:

- Lại một con nữa!

Bố tôi vui mừng ngừng tát nước, nhìn tôi bắt cá. Tôi lội qua ao sang chỗ ấy, rồi dang hai, cẩn thận chụp con cá. Đúng như tôi dự đoán, tôi chụp được một con cá quả không những to mà còn dài nữa.



TÁT CÁ



Tôi vui quá dơ con cá lên khỏi đầu cho bố tôi coi:

- Ba! Coi con cá này!

Dưới ánh sáng yếu ớt của những tia sáng cuối cùng trong ngày, cả hai bố con tôi đều thấy con cá lớn mà tôi đưa lên đó không phải là cá mà là một con rắn. Tôi vội vàng quăng nó đi, nhưng con rắn còn lẹ làng hơn quay đầu lại cắn vào cổ tay tôi.

Tôi đau quá la hét um sùm. Bố tôi hoảng hốt chạy lại, túm lấy cổ tay tôi, ở phía trên chỗ rắn cắn, để chặn máu chảy về tim. Ông kéo tôi đến một ao nước chưa tát, lấy nước trong rửa tay tôi rồi hút máu độc và phun ra ngoài.

Sau khi máu cầm, bố tôi hỏi:

- Con cảm thấy thế nào? Có đau không?

Tôi lắc đầu:

- Con không thấy đau lắm.

- Con có nhìn thấy con rắn gì không?

- Con không thấy.

- Con rắn này không biết ở dưới nước sẵn hay là trên cây rơi xuống? Thôi về đi con.

Chúng tôi bỏ dở cái ao đó, trở về nhà và may mắn thay con rắn đó không độc lắm nên tôi chỉ bị nhức sơ sơ.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục trở lại giếng Ô Rô để tát cá và lần này mọi việc đều yên thắm. Khi về đến nhà, mặt trời hãy còn ở đầu ngọn tre.

Một lúc sau, Cẩm Dung đuổi trâu về chuồng với bộ quần áo tơi tả. Khi hỏi ra mới biết là cô ả, chẳng hiểu sao, đã ngồi ở cổ trâu và túm lấy sừng trâu khi trâu lồng. Một cô con gái nhỏ bé như Cẩm Dung mà phải đi chăn trâu thật là cực nhọc lắm. Ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục công việc ấy cho Cẩm Dung, và Cẩm Dung có thể về lo việc gặt hái trọn ngày.

No comments:

Post a Comment