Thursday, March 8, 2012

Nam Bắc du kí bài 74

Có lẽ ông nhạc sĩ, trong một buổi chiều mát mẻ, ngắm một cậu mục đồng cầm ống sáo, ngồi vắt vẻo trên mình trâu nên đã sáng tác ra bài nhạc “Ai bảo chăn trâu là khổ”. Thật ra không phải riêng nhạc sĩ, mà một số họa sĩ cũng đã vẽ nên những bức tranh êm ả của cuộc đời mục đồng. Chẳng ai hiểu nổi các cơ cực lúc trâu lạc, bão tố hay lúc trời nóng như thiêu mà phải chạy theo trâu lồng.

Năm 1961, nghe vẳng vẳng bài hát trên, tôi đã làm bài thơ:

Cũng có hôm, người anh em bạn dì của tôi tên Giao và tôi chăn trâu lúc bão về. Và đây là câu chuyện chăn trâu trong bão:

       Một buổi hừng đông, trời đột nhiên mưa thật lớn. Trận mưa kéo dài cho đến sáng hôm sau và gió mỗi lúc một mạnh. Bố tôi cho mọi người biết chắc là có bão. Chúng tôi phụ ông lấy các tre, gỗ chống đỡ thêm cho căn nhà chính.
Đến gần trưa, gió mạnh giật dữ dội làm cho căn nhà tôi rung rinh, xiêu vẹo như muốn sập và kêu răng rắc. Cả nhà mỗi người ôm một cây chống, với hy vọng làm tăng thêm sức chịu đựng của căn nhà. Vì mưa gió lớn nên bữa cơn trưa hôm đó, chúng tôi, mỗi người chỉ được vài củ khoai luộc.
Sau bữa khoai cho người là bữa cỏ cho trâu, bò. Bố, mẹ đều có ý định cho trâu bò đói một hôm, nhưng tôi tình nguyện đi chăn chúng nó dù là bão bùng. Tôi sang nhà Giao, rủ y cùng đi chăn trâu với tôi. Y cảm thấy ái ngại vì mưa gió lớn quá.
Tôi nói:
- Anh Giao! Mình là cháu ngoan của Bác thì chẳng có lý gì mà sợ giông bão.
Giao nghe có lý, nên dắt hai con bò của y ra đồi với tôi.
Chăn được một lúc thì quần áo chúng tôi đều bị ướt vì chạy theo trâu bò, làm cả hai chúng tôi lạnh run lập cập. Chúng tôi bèn đâu hai cái áo tơi lá lại với nhau tạo thành một cái chòi tí hon, bên cạnh một gò mối để bớt gió và chỉ để hở một chút mà nhìn trâu, bò. Lâu lâu chúng tôi phải tách ra đuổi trâu, bò để tránh chúng ăn hại mùa màng.
Thêm độ một giờ nữa, tất cả năng lượng mấy củ khoai đều tiêu tan hết. Hai đứa tôi, quần áo ướt như chuột lột, miệng đánh bò cạp, nói chẳng ra hơi. Khổ một nỗi, lúc dầm mưa chỉ mót tiểu hoài mà không khát nước. Giản dị nhất khỏi phải đi đâu mà tiểu, vì cứ ngồi tại chỗ mà làm, tuy nhiên mỗi lần tiểu tôi cảm thấy đít mình ấm lắm.
Giao có vẻ hơi nản chí:
- Hi... hi...ệp ạ! Thôi...thôi mình... về đi.
Tôi khuyến khích:
- Anh...anh..kh... ông  sợ tự...ph... ê...phê bi...nh...bình là... là hèn...yếu sao?
Giao yên lặng một lúc rồi nói:
- Như...ng...nhưng... tớ...tớ...lạnh...qú... á.
Tôi đề nghị:
- Khi...nào đứ...a...nào đái, chu...ng ta cù...ng cùng... lấy tay...hứng...nước đái, xoa...xoa... vào người cho đỡ lạnh.
Giao gật đầu.
Từ lúc ấy, chúng tôi hứng nước đái của nhau để làm ấm thân. Vài giờ sau, chính tôi cũng hết chịu đựng nổi đói và lạnh, nên hai đứa đành đuổi trâu, bò về chuồng dù rằng chúng còn đói lắm. Khi trâu bò vào chuồng hết, tôi không còn một chút sinh lực nào cả, đứng vịn cửa chuồng trâu mà đi vào nhà không nổi.
Một chặp sau, tôi cố gắng lết vào nhà, nhưng khi đến giữa sân chân đạp phải chỗ quá trơn nên té xuống đất và đứng dậy không nổi.
May mắn thay, Cẩm Dung thấy, liền tri hô:
- Anh Hiệp ngã! Anh Hiệp ngã!
Ông cố Lư vội chạy ra, bế tôi vào nhà, rồi mọi người xúm xít quanh tôi: người lấy quần áo khô cho tôi thay, kẻ múc cho tôi một chén cháo nóng. Ôi sao mà sung sướng thế?

No comments:

Post a Comment