Monday, March 26, 2012

Nam Bắc du kí bài 84

 Cậu đưa tôi đi chụp hình loanh quanh một lúc rồi hỏi:
- Chú muốn lên Tân Lâm chụp không chú? Ở đó có nhiều cái lạ mắt lắm.
Tôi hỏi lại:
 - Cái gì mà lạ mắt?
Người thanh niên nói:
- Ở đó bộ đội đang xây cất và đào hầm nhìn lạ lắm.
Tôi thành thật đáp lại:
- Tưởng cái gì chứ việc quân đội làm thì để họ làm, mình đến đó làm gì.
Cậu thanh niên sau đó nói tôi chụp cho cậu ta một tấm hình rồi cho tôi địa chỉ.
Cậu ta nói:
- Khi nào về Mỹ, chú gửi cháu tấm hình, rồi liên lạc với cháu.
Tôi bỏ địa chỉ vào túi đeo trước ngực, cùng với tiền đi du ngoạn.
Có thể đây là một công an ngầm. Họ thấy chúng tôi đeo máy ảnh nghĩ rằng có thể đây là gián điệp. Cậu hỏi tôi muốn chụp hình các cái lạ không là để ướm ý xem tôi phản ứng thế nào. Nhưng tôi lại trả lời không muốn tìm hiểu các bí mật quân sự, nên câu ta tỏ ra có thái độ thiện cảm.
Chiều tà, tất cả chúng tôi quyến luyến rời thôn để ra quê ngoại là thị xã Ninh Bình, bằng đường 47 trở lại thành phố Thanh Hóa rồi theo quốc lộ IA.
Đến thành phố Thanh Hóa thì trời tối hẳn, nên khi vượt cầu Hàm rồng thì chúng tôi không thấy gì ngoài bóng đen chập chùng, nên chẳng thấy cây cầu lừng danh ấy ra sao.
Ninh Bình là tỉnh nhỏ với diện tích 1390 km2, hàng thứ 58; dân số 885 ngàn dân, hàng thứ 42 và tỉnh lỵ là thị xã Ninh Bình. Ninh Bình xưa thuộc bộ Giao Chỉ, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế đóng đô tại Hoa Lư và đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu này kéo dài cho đến Lý Thánh Tông 1054, mới đổi thành Đại Việt. Nhà Đinh là triều đại thứ hai tạo nền độc lập của đất nước ta khỏi ách thống trị từ phương bắc. Trong thời Trần, vùng này có tên là lộ Trường Yên. Trong hai lần kháng Mông thứ 2 năm 1285 và thứ 3, năm 1287, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đưa Thượng Hoàng Trần Thái Tông vả vua Trần Nhân Tông về đây cùng Thanh Hóa. Ngài dùng những dãy núi trùng điệp hiểm trở làm địa bàn và đẩy lui quân xâm lược.
Năm 1010, Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long, Ninh Bình nằm trong phủ Trường An, sau đổi là châu Đại Hoàng vào cuối thế kỷ 12. Đời Lê Thái Tông (1434-1439), Ninh Bình sáp nhập vào Thanh Hóa; thuộc trấn Sơn Nam cho tới đời vua Minh Mạng.
Thời nhà Nguyễn, địa bàn tỉnh Ninh Bình là 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan. Năm 1831, Vua minh Minh Mạng cải tổ toàn quốc, Ninh Bình trở thành một trong số 13 tỉnh ở Bắc Kỳ với 6 huyện Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn, Gia Khánh, Gia Viễn và Yên Mô. Trong thời gian kháng chiến chông Pháp, Ninh Bình thuộc Liên khu 3. Sáu huyện vẫn giữ nguyên cho đến khi tỉnh Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam ĐịnhHà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh ngày 27/12/1975.
Đối với tôi, Ninh Bình cũng còn một số kỷ niệm. Trước năm kháng chiến chống Pháp, mấy chị em chúng tôi được bố mẹ đem ra đây thăm ông bà ngoại. Tôi nhớ nhà ông bà là một dãy nhà hai từng lầu khang trang, một đầu đường là giáo đường của tỉnh. Và trước mặt của nhà nhìn ra ga xe lửa, cùng núi Cánh Diều. Tôi nhớ rõ, vào các buổi sáng, các anh bà con bạn dì, dẫn tôi ra lan can trên lầu nhìn các đoàn xe lửa đen thùi, phun khói mịt mù chạy trong ga. Khi ông ngoại qua đời, bố mẹ lại đem chúng tôi ra đây. Tôi quá bé nên không được đưa đám, nhưng cố chạy ra đường nhìn theo đám ma, cho đến khi mọi người khuất hút trong ngôi giáo đường ấy. Ông Ngoại tôi đạo Thiên Chúa, nhưng bà ngoại tôi đạo Phật. Để công bằng, gia đình hai bên quyết định con trai theo đạo bố, con gái theo đạo mẹ. Đây là gương sáng cho hậu thế.
Tuy tỉnh nhỏ, nhưng Ninh Bình đã nổi tiếng vì những danh lam thắng cảnh từ ngàn xưa. Nói chung quanh tỉnh lỵ Ninh Bình đầy những núi đá vôi. Những núi này xuyên qua một thời gian hàng ngàn năm, nước xâm thực tạo ra nhiều hang động, với thạch nhũ tuyệt đẹp. Nổi danh nhất là Tam Cốc- Vịnh Hạ Long trên cạn. Chùa Bái Đính với hang động đẹp, thuộc huyện Gia Viễn, được lập từ khi vua Lý Thái Tổ rời kinh đô ra Thăng Long năm 1010.  Núi Cánh Diều nhìn giống như một cô gái khỏa thân, nằm ngửa mặt lên trời. Cụ Nguyễn công Trứ, lúc còn làm Dinh Điền Chỉ Huy Sứ tại đây, đã ví núi này là Ngọc Mỹ Nhân với hai câu thơ:
Ngọc Mỹ Nhân ơi! Ngọc Mỹ Nhân.
      Trời tạc em, tóc xõa ngực trần...

Núi Cánh Diều

Riêng núi Non Nước lại còn nổi tiếng hơn vì các vị vua Trần Anh Tông, Thiệu Trị, cùng nhiều thi sĩ nổi danh như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền... đã từng viếng thăm đề thơ, đánh cờ...

Cụ Trương Hán Siêu, quê ở Ninh Bình, đã đặt tên cho ngọn núi này là Dục Thúy có nghĩa là Con chim Trả đang tắm, vì núi nằm cạnh con sông  và nhìn giống như con chim Trả khổng lồ bên dòng nước. Cụ Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm. Ông tham dự cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Năm 1308, ông được vua Trần Anh Tông bổ Hàn lâm học sĩ. Sau đó đều được các vua trần khác trọng dụng. Ông có bài Bạch Đằng Phú nổi danh. Tại chân núi Non Nước có đền thờ Trương Hán Siêu.
Nói chung quanh tỉnh lỵ Ninh Bình đầy những núi đá vôi. Những núi này xuyên qua một thời gian hàng ngàn năm, nước xâm thực tạo ra nhiều hang động, với thạch nhũ tuyệt đẹp. Nổi danh nhất là Tam Cốc- Vịnh Hạ Long trên cạn.
(Khi mẹ từ Thanh Hóa ra Nam Định, bà cũng dừng chân quê cũ. Nhìn cảnh vật tiêu điều bà làm bài thơ, "QUA QUÊ HƯƠNG HOÀI CẢM" như sau:
Về đến quê hương dạ não nùng.
Đúng lời Phật dạy sắc như không.
Tiêu điều cảnh cũ…nhà tan nát.
Áo não vườn xưa… cỏ chập trùng.
Vững tợ Thúy Sơn  mà mất đỉnh!
Bền như Hồi Hạc chỉ còn hông!
Chín năm khói lửa bao thay đổi!
Đối cảnh khôn ngăn lệ chảy ròng.  
                       Đinh thị Việt Liên
                                     1954


KHU DU LICH HOA LƯ
(Với đền vua Đinh, Lê)



                   

No comments:

Post a Comment