Sáng hôm sau, ngày 14, trời mưa lất phất, chúng tôi dùng đường Huyền Trân để đi xem núi Ngũ Hành sơn. Tên Ngũ Hành Sơn là do vua Minh Mạng đặt tên. Mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là Kim Sơn, Thuỷ Sơn, Thổ Sơn, Mộc Sơn và Hoả Sơn. Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 5 km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang.
Tổng quan Ngũ Hành Sơn
Đây là nhóm núi đá , trong đó có cả đá cẩm thạch. Nên ngay chân núi có rất nhiều gia đình mở xưởng tạc tượng đá cẩm thạch. Tuy nhiên, ngày nay số lượng đá cẩm thạch còn rất ít, nên họ phải mua đá từ Thanh Hóa. Năm ngọn núi này nằm kề với biển, liền sông.
Một cửa hàng làm tượng ỡ chân Thủy Sơn
Cổng vào động Huyền Không
Tuy mưa nhẹ nhưng đường lên núi rất trơn và các bậc thang cũng khá cao. Các du khách thường viếng ngọn Thuỷ sơn (Wasser - water) phiá đông bắc là núi đẹp nhất, phong cảnh hữu tình. Vì chúng tôi không rành lịch sử của ngọn núi, nên tìm một hướng dẫn viên khi mua vé tham quan.
Cháu Lilli thì mới hơn 3 tuổi, nên không thể leo lên đây được. Tôi quyết định bế cháu vượt 156 bậc thang lên núi. Bố cháu thấy vậy cũng giúp tôi. Người hướng dẫn viên đưa lên chùa Tam Thai đầu tiên.
Chùa Tam Thai
Chùa nhìn còn tương đối mới, nhưng đượm vẻ linh thiêng, thoát tục. Ngay trước mặt chùa có một chỏm đá cao, dẫn lên bởi các bậc thang ngoằn nghèo. Đó là Vọng Giang Đài, nơi đây chúng tôi nhìn về phía tây thấy bốn ngọn núi khác, và một con sông. Vì lý do ấy mà chỏm này có tên Vọng Giang Đài. Theo người hướng dẫn viên thì sông ấy là sông Trường Giang. Cái tên làm tôi nghĩ tới sông Trường Giang bên TQ dài trên 6000 km. Nhưng trong địa lý Việt Nam thì không có con sông nào ở Trung Việt dài quá 500 km.
Tôi hỏi người hướng dẫn:
- Bộ con sông này dài lắm sao mà có tên Trường Giang.
- Dạ dài lắm. Nó dài đến mấy chục kilomet lận.
Sau này tôi tìm hiểu thì biết được con sông ấy chạy song song với bờ biển, nối từ sông Hàn- Đà Nẵng, đến vũng An Hòa, cuối Quảng Nam, dài tổng cộng khoảng 60 km. Vậy sông này nên lấy tên Đà An, có nghĩa là nối Đà Nẵng với An Hòa thay cho chữ Trường giang mới phải. Chứ một sông dài 60 km thì chữ Trường Giang đi đến phần quá lố, làm cho người nghe có cảm tưởng sai lầm.
Sau đó chúng tôi tới chùa Linh Ứng và động Huyền không. Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở hai nơi này. Cả hai nơi đều có thạch nhũ trông khá đẹp. Ở trong động Huyền Không, có một lỗ thông thiên, ánh sáng rọi vào đây làm ta ra nhận được một am nhỏ lờ mờ trước các thạch nhũ, nên tạo ra một cảnh kỳ ảo. Theo lời người hướng dẫn thì một người con gái vua Minh Mạng đã vào đây tu. Nhà vua đã xây am này cho bà. Nếu quả đúng như vậy đây mới thật là chân tu, thoát khỏi cái ô uế của thế nhân.
Sau cùng chúng tôi đến mặt đông nhìn ra biển cả mênh mông, sóng vỗ trắng xóa vào một bãi cát trắng phẳng lì với những cây cỏ lưa thưa, nhìn thật thơ mộng. Nơi chúng tôi đứng ngắm biển cả có tên là Vọng Hải Đài. Giữa núi Thủy Sơn và biển cả có một con đường nhựa, mới làm nhìn thật khang trang. Nếu từ Đà Nẵng đến Ngũ Hành Sơn thì đường này rộng và dễ hơn nhiều.
No comments:
Post a Comment