Ngày hôm sau, anh Thưởng cho ra một thông cáo cho các học sinh như sau: "Kể từ tuần tới, tất cả các học sinh phải mặc đồng phục. Nam sinh mặc áo sơ mi trắng, quần dài kaki xanh. Nữ sinh mặc áo dài trắng. Nếu ai bất tuân sẽ bị trừng trị."
Chiều cùng ngày, anh Thưởng triệu tập cuộc họp giáo sư.
Thưởng tuyên bố:
- Hôm nay, tôi giới thiệu với các bạn, anh Hiệp kể từ bây giờ sẽ làm hiệu đoàn trưởng. Công việc này từ trước đến giờ vẫn do hiệu trưởng đảm nhiệm, nhưng nay tôi muốn cách mạng một chút để công việc sinh hoạt của học sinh được tiến triển hơn. Quí vị có ý kiến gì không?
Câu tuyên bố của anh làm chúng tôi chưng hửng, nhưng không một ai phản đối hết.
Thưởng tiếp:
- Bây giờ mời anh Hiệp, lên trình bày ý kiến về việc làm sân trường.
Tôi tiếp lời:
- Tôi thấy sân trường cỏ cao, đất không bằng phẳng, đã thế còn nhiều rắn rết, vì vậy các em học sinh không có chỗ ra chơi trong giờ giả lao. Lúc này, hành lang đầy người làm chúng mình lên văn phòng uống trà cũng khó khăn. Nếu các bạn cùng giúp đỡ anh Thưởng và tôi, tôi nghĩ mình sẽ huy động học sinh làm trường mình khang trang hơn. Theo ý nghĩ của tôi, nếu chúng ta một hai nguời làm thì không nổi, nhưng tất cả cùng làm thì khác. Người ta đã nói "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao."
Tri Lộc, một giáo sư Pháp văn hỏi:
- Chúng tôi làm gì được cho anh?
- Tôi cần nhất các anh, các chị cổ động học sinh tất cả các lớp đến tham gia công tác vào sáng chủ nhật tuần này. Nam sinh thì mang cào cuốc, nữ sinh thì mang cần xé, ki.. Nếu ai làm giáo sư hướng dẫn lớp nào, thì sáng chủ nhật đến chỉ huy lớp đó hộ. Tôi sẽ cho phân ranh thành lố và có tên lớp trên mỗi lố đó.
Tất cả mọi người tán thành việc ấy.
Tối hôm đó tôi về với bó đuốc, nhưng khi ngang bót tiếng quát vẫn vang lên:
- Đi đâu mà khuya dữ vậy? Lần sau ông bắn nát óc.
Tôi biết người ấy ghét tôi, nên đe dọa cho đã tức thôi.
Ngày hôm sau, tôi về sớm hơn thường lệ. Mặt trời chưa lặn tôi đã về rồi. Khi đi trên cầu Bò Cạp, tôi nghe nhiều giọng cười vang lên từ một ngôi nhà bên kia đầu cầu. Ngước nhìn về hướng đó, tôi thấy bốn năm người đàn ông đang nhậu nhẹt, cười nói huyên thuyên.
Khi tôi bước gần tới ngôi nhà ấy, một người cởi trần đột nhiên lắc lư, bước ra khỏi nhà, tay vịn hàng rào nhìn tôi trân trối. Tôi nghĩ: "Ông này muốn làm gì đây? Hay muốn gây sự?" Gần đến chỗ ông ta, tôi thấy mặt mày ông ta đỏ gay, thân hình lực lưỡng, bắp thịt cuồn cuộn, nhưng thấp hơn tôi một chút.
Ông ta bước ra đường, chặn tôi lại, dáng điệu đã ngà ngà:
- Ê! Bắc Kỳ, sao mày kên tao?
Tôi thấy hơi nói toàn là rượu đế, biết ông ta đang say, và biết ông ta không thích Bắc Kỳ, nên nói:
- Tôi nào có kên ông đâu, thôi để tôi về.
Ông ta dơ tay xô tôi thật mạnh, vì bất ngờ tôi phải lui lại vài bước tới cạnh bờ kinh.
Ông ta hất mặt:
- Sao mày đi một mình, còn mấy con nhỏ học trò đi với mày đâu?
TAY KHÔNG CHỐNG KIẾM
của AIKIDO
Tôi nghĩ thầm: "Có lẽ mấy cô học sinh cô nào nhìn cũng đẹp, nên ông này ghen hay sao?" Tôi nghe tiếng nói ông này hơi quen quen, nhưng không rõ đã gặp ông ta ở đâu?
Tôi cười:
- Ông say rồi, thôi để tôi về.
- Không mày không về được, mày phải uýnh nhau với tao đã.
Mấy người bạn của ông ta ngồi trong nhà bật cười vang.
Ông ta dơ tay đánh gió về hướng tôi.
Tôi nóng lắm, nhưng tự nhủ đừng gây họa, và cố nhịn. Tôi nhớ lại ngày dượt thi lên huyền đai; một lần tôi dượt một thế tay không chống kiếm với một người bạn. Người bạn dùng kiếm chém xuống tôi. Khi người ấy vừa đưa kiếm lên, tôi phóng tới, dơ tay trái chặn vào tay đối phương, không để kiếm chém xuống; chân phải bước lên chặn sau chân trái đối phương, còn bàn tay phải xòe ra, chưởng một cái từ cằm lên.
Thật ra theo thế đánh, ngón tay tôi ngừng lại ngay mí mắt người bạn, và hất anh ta ngã ra phía sau, nhưng vì tập đã lâu nên tay tôi cũng như mặt anh ta toàn là mồ hôi, do đó tay tôi mất trớn thọc luôn vào mắt anh. Khi đầu ngón tay đụng vào các thớ thịt mền xèo trong mắt anh ta, tôi biết tôi đã làm một việc gây nguy hiểm cho bạn rồi. Lúc rút tay lại, tôi thấy anh ta hai tay ôm mắt, đau đớn và kêu "oái!" một tiếng, rồi một dòng máu đỏ tươi trào ra từ mắt qua kẽ tay anh ấy. Tôi co người đau khổ, tôi đã làm anh ta mù rồi? Và cả hai chúng tôi cùng ngã xuống ta pi . Anh ấy ngã xuống vì đau đớn thể xác, còn tôi ngã xuống là vì hối hận, đau khổ tinh thần.
May quá, khi đem anh ta tới bác sĩ, mắt anh chỉ bị đứt vài gân máu nhỏ, chứ không bị mù. Tôi biết nếu dùng võ, có khi mình có thể làm đối phương bị tật nguyền thậm chí có thể gây ra án mạng.
Tôi ôn tồn:
- Ông đang say, còn tôi không biết đánh nhau đâu.
- Đ má! Để tao dạy mày uýnh nhau! Uýnh như thế này này.
UKI GOSHI
- đòn nhu đạo
Nói xong, ông dơ tay đấm vào cằm tôi, nhưng tôi lách sang một bên nên quả đấm trúng vai. Trái đấm khá đau làm tôi nổi cơn nóng. Tôi quay sang nửa vòng, tay phải ôm ngang cạp quần ở eo ếch, tay trái túm bắp tay phải ông ta, định dùng đòn hông, Uki goshi, của nhu đạo hất ông ta xuống sông. Ông này là người có sức mạnh, nhưng không biết võ, nên không biết thế để chống lại với miếng quật đó.
Khi nhìn xuống sông, tôi thấy nước ròng cạn lắm. Bãi sình không bằng bặn sâu tới trên 2 m; trên bãi sình của dòng sông toàn là cọc, cành cây, cùng mảnh chai, và hình ảnh của sự lỡ tay ngày trước, làm tôi dịu lại. Nếu ông này rơi xuống đó có thể bị cọc cây chai ve đâm bị thương nặng. Tôi buông tay ông ta ra. Nhân đó, ông ta dơ tay xô tôi một cái, làm tôi loạng choạng tị nữa rơi xuống lòng sông toàn cọc và mảnh chai ấy. May quá, tôi thấy một cây cau gần đó, nên với tay chụp được gốc cây. Rồi theo trớn xô, tôi quay quanh một nửa vòng và nhẩy sang phía bên kia gốc cây ấy.
Sự tức bực của tôi từ đâu tràn tới. Tôi định thật sự ra tay với người này. Nhưng ngay khi ấy, ba bốn người khác trong nhà bước ra chân nam đá chân xiêu, vai đeo mấy khẩu Garant M 1, một người nói:
- Thôi đủ rồi mày!
Họ ôm lấy người đó, rồi cùng khéo nhau về bót Phụng Châu.
Ông này, theo mấy người kia vừa đi vừa nói:
- Đ mẹ! Lần sau mà kên ông, ông đục vỡ mặt!
Tôi nhận ra giọng nói người này, chính là giọng đã từng đe dọa tôi mỗi đêm.
No comments:
Post a Comment