Tuesday, September 13, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 11.

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 11.


Chiều thứ bẩy tuần đó, tôi cùng Thưởng ra chợ mua một cuộn dây ni lông, rồi vào sân trường. Theo kế hoạch của tôi, chúng tôi dùng dây và cọc chia sân trường làm mấy chục ô nhỏ, mỗi ô độ hơn 100 mét vuông. Trên mỗi ô, tôi cắm một tờ giấy có ghi tên mỗi lớp.
Sáng hôm sau, các thầy các cô, đem học sinh lớp mình đến ô có tên lớp, cuốc cỏ, và đổ cỏ vào các chỗ trũng quanh trường.
Tôi xuống làm việc với các em học sinh.
Thưởng chạy lại tôi hỏi:
- Anh Hiệp! Tôi phải làm gì chứ? Anh sai tôi đi!
Tôi cười:
- Nếu vậy thì quí lắm. Anh bắt chước tôi, mặc áo thung, quần xà lỏn, lấy cần xé, rồi giúp học sinh các lớp nhỏ đi đổ rác. Được không?
- OK thôi xếp.
Anh ta vào văn phòng một lúc rồi trở ra với cái áo thung và cái quần xà lòn trắng đốm đỏ, và đi làm việc ngay. Tôi rất thích thú, vì người hiệu trưởng này cũng rất chịu chơi, chứ không hống hách như người ta tưởng. Các thầy cô cũng noi theo đó, giúp học sinh làm cỏ. Toàn thể học sinh thấy vậy hoan hô rầm rĩ, làm việc thật hăng. Lâu lâu lại thấy một số học sinh bỏ chạy tán loạn, miệng thì hô "Rắn! Rắn!". Tôi và các nam sinh, lớp đệ nhị, chạy đến đó đánh chết con ấy. Chỉ hai giờ sau, cái sân trường mênh mông cỏ dại đã biến thành một sân chơi, sạch sẽ. Trong thời gian làm cỏ, thầy trò đã giết hơn 10 con rắn và mấy chục con rết.
Đến hôm thứ hai, chỉ có độ một phần tư học sinh mặc đồng phục, theo đúng thông cáo, số còn vẫn mặc đủ thứ quần áo. Đến hôm sau, chỉ còn vài học sinh có đồng phục, và ngày thứ tư, thì toàn trường trở lại tình trạng cũ.
Thưởng hằn học nói với tôi:
- Anh thấy không? Tụi nó là đầu bò mà! Bây giờ chỉ đem hết ra phạt là xong.
Tôi an ủi:
- Thôi bớt giận đi anh. Tôi giải quyết cho.
- Đúng đó, với tư cách hiệu đoàn trưởng anh lo việc đó đi.
- Vậy anh cho tôi mượn cuốn sổ thông cáo đi.
Thưởng trao tôi cuốn sổ, rồi tôi hí hoáy viết: "Kể từ niên khóa tới, tất cả học sinh phải mặc đồng phục. Đây là quyết định tối hậu của ban điều hành hiệu đoàn, để giúp học sinh có thời gian chuẩn bị."
Thưởng hỏi:
- Sao kỳ vậy?
Tôi hỏi lại:
- Anh bắt học sinh mặc đồng phục mấy năm rồi?
- Vài năm rồi!
- Anh thấy không. Vì mỗi lần thông cáo anh ra là tuần tới mặc đồng phục, nên tụi nó làm gì có đồng phục mà mặc. Thật ra thì một cái quần kaki còn rẻ hơn các loại vải khác, chỉ một điều là phụ huynh đã may cho chúng các quần áo đó nên không còn tiền may quần áo đồng phục được. Tôi để thời gian dài như vậy là vì đến lúc đó thế nào chúng phải may quần áo mới. Bố mẹ học sinh rất hoan hô mình vì họ tiết kiệm được một ít.
Thưởng chăm chú ngồi nghe, sau cùng anh gật đầu:
- Hay! Anh nói có lý.
Sau khi thông cáo được phổ biến, tôi đi các lớp ngỏ lời vận động học sinh. Nếu em nào quần áo đã đến lúc phải may thì nên may theo kiểu đồng phục, và mặc liền không gì cần đến niên học sau. Từ đó, trường mỗi ngày mỗi nhiều đồng phục hơn.
Trong khoảng thời gian đó, Cửu đem tôi với thiệu với một giáo sư Việt văn khác, quê quán tại Chợ Lách, tên là Đào Hữu Ngạn. Ngạn là một người hiền từ, không thích va chạm, và lúc ấy, đang dạy tại trường trung học Tam Bình, Vĩnh Long. Anh ta còn một nghề tay trái là y tá, và đã thế bố mẹ anh có nhiều vườn tược nên cuộc sống rất vững vàng.
Một hôm, tôi lại chơi với Cửu, Thu và Lộc, khi bước ra về thì gặp Thưởng đang cùng Ngôn đi dạo mát về.
Thưởng hỏi:
- Anh có giờ không? Tôi muốn bàn chuyện này với anh.
- Tôi vẫn còn nửa giờ nói chuyện cùng anh.
- Anh vào nhà tôi đã.
Khi vào nhà, thưởng nói:
- Trường mình là đệ nhị cấp rồi, tôi nghĩ mình cũng nên có một giáo sư đệ nhị cấp làm hiệu trưởng. Chức vụ này có nhiều người muốn làm lắm, chắc anh cũng thấy.
Tôi gật đầu.
Thưởng tiếp:
- Tôi muốn nhường lại chức này cho anh.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao anh nhường cho tôi? Còn anh làm gì?
- Tôi định xin về quê ở Cần Thơ. Gia đình tôi đều ở đó cả. Sau một thời gian làm việc, tôi thấy anh là người thẳng thắn, không thích phá hoại, mà nhiều nhiệt tâm muốn xây dựng cho trường. Anh nghĩ sao về đề nghị này?
Tôi nghĩ: “Dạy học là một nghề nghiệp, còn lảm hiệu trưởng thì pha mầu chính trị. Đất nước này càng ngày bị Mỹ chi phối nhiều hơn. Tập đoàn cầm đầu đều bị Mỹ điều khiển. Mình nhận làm gì?”
Tôi lắc đầu:
- Anh Thưởng ạ, tôi không nhận đâu.
- Đó là bước thang tiến thân của anh mà!
Tôi trả lời:
- Nếu tôi muốn làm lớn thì tôi không học sư phạm, để gõ đầu trẻ đâu anh ạ. Tôi đã có nhiều cơ hội làm chính trị từ sau cuộc đảo chánh năm 1963, vì  ngày ấy tôi có dịp gặp tất cả các nhân vật từ ông Minh, ông Thiệu, ông Kỳ và ông Tôn Thất Đính, nhưng tôi bỏ hết. Nên chức này tôi cũng chẳng muốn làm.
- Tại sao vậy?
- Tôi có nhiều lý do: Thứ nhất, tôi không thích tù túng vì vai trò này. Thứ hai: Học sinh cần tôi làm giáo sư hơn hiệu trưởng. Các lớp thi cử không có giáo sư toán, lý hóa, nếu tôi làm hiệu trưởng thì ai dạy các em? Thứ ba: Tôi muốn về Sàigòn dạy thêm các trường tư, để giúp bố mẹ tôi, vì nhà tôi còn nghèo lắm, anh ạ. Còn lý do cuối là...công việc này dễ đụng chạm với mọi giới từ chính quyền đến thường dân, kể cả đồng nghiệp, cũng như học trò. 
Thưởng thở dài:
- Làm hiệu trưởng anh vẫn có thể dạy các em lớp đệ nhị mà. Tôi mong rằng anh sẽ đổi ý.
Có lần đi chơi với các học sinh, tôi thấy một cây cầu khỉ xuống Định Bình bị hư, vì nước rong làm cây cầu lệch đi, nên đi qua rất khó và dễ té. Tôi bàn với các em học sinh, vào nhà mấy người hàng xóm mượn dao, cuốc, đắp đất móng, chặt tre, sửa lại để dân chúng đi qua dễ dàng hơn.
Sau đó, tôi cũng khuyến khích các em lớp đệ nhị cấp hợp tác với tôi làm sân đánh bóng chuyền, đường tập nhảy dài, nhảy cao..để các em chơi và tập thể dục thể thao khi nhàn rỗi hay sau khi tan học.

1 comment:

  1. Xin hỏi là sau buổi lao động này, mỗi bao lâu sau thì trường lại tập hợp để làm cỏ lại, bởi vì nếu không tráng cement thì cỏ vẫn mọc dài dài.

    ReplyDelete