Friday, September 23, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 17.

Cuối hè cùng năm (1968), chúng tôi nhận được tin vào đầu tháng 10, tất cả các giáo chức sẽ đi học quân sự trong 9 tuần lễ và sẽ được trả về trường, sau khi mãn khóa.
Ngày khai giảng niên học mới, Thưởng hân hoan chạy lại nói:
- Anh Hiệp, anh nhiều tâm lý lắm. Bây giờ học sinh đã mặc đồng phục hết rồi.
Cuối tuần ấy, Thưởng trở về Cần Thơ thăm gia đình. Khi đi từ Vĩnh Long qua Cần Thơ, anh bị gẫy tay khi xe đò của anh bị tai vạ của chiến tranh. Vài tuần sau, tôi nhận được thư anh, trong thư nguệch ngoạc vài hàng: “Anh Hiệp, anh sắp đi học quân sự, nên tôi đề cử cô Oanh lên làm xử lý thường vụ hiệu trưởng. Khi anh trở về, tôi sẽ đề cử anh thay thế tôi.”
Tôi nhận thấy con đường chính của trường, từ cổng vào, luôn luôn bị ngập nước, làm cho sự đi lại rất khó khăn sau cơn mưa, hay lúc nước rong vào tháng 10. Lúc ấy, cả con đường là một con kinh đầy nước.
Tôi đã bàn với Thưởng về việc này, nhưng chưa thi hành thì anh đã bị thương, vì thế tôi lại đề nghị với cô Oanh sửa chữa con đường đó. Cô ấy đồng ý, nhưng cô cho tôi biết ngân khoản dành cho việc sửa chữa quá ít, chỉ đủ mua xi măng mà thôi. Tôi vào các lớp đệ nhị A và B, khuyến khích các em cùng tôi bỏ công ra làm lại con đường đó. Tất cả học sinh, nam cũng như nữ đều đồng ý, và chúng tôi lập tức khởi sự và dự trù hoàn tất trước khi tôi nhập quân trường.
Ngày hôm sau, các nam sinh như: Nghĩa, Thanh, Nẫm, Thơi, Thời, Thái, Việt, Phát, Nghi, Tường, Hoan, Nam, Đua.v.v. mang cào, cuốc đến đào đất, phá các gạch cũ ra, còn các nữ sinh như Phỉ, Cúc, Vui, Não, Thanh Tâm..v.v.  mang thùng, ca, li đến làm nước đá chanh cho chúng tôi giải lao. Chanh thì các em hái ở vườn mang tới, còn đường thì nhà trường cho. Thầy, trò làm việc quên cả nắng mưa, nóng lạnh.
Tôi cho các em nam sinh thay phiên nhau ra làm với tôi, vì các em cần theo học các môn quan trọng cho kỳ thi tú tài sắp tới. Vì tôi cứ chịu trận liên tiếp nên mấy cái áo lót của tôi đã bắt đầu rách sau lưng. Nhiều em, nhất là các nữ sinh khuyên tôi nghỉ ngơi, nhưng tôi biết tất cả nam sinh hăng hái làm việc là vì sự hiện diện và chăm chỉ của tôi. Hơn nữa, tôi không muốn chỉ huy bằng cách chỉ tay năm ngón.
Sau hơn hai tuần làm lụng, với mồ hôi, và nước mưa mấy cái áo may ô của tôi đã rách nát. Vì đã lâu tôi không có dịp tắm nắng lâu cũng như liên liếp nhiều ngày như vậy, nên da tôi bị phòng lên làm việc ngủ ngáy của tôi bị khó khăn. Đêm đến, tôi không thể nằm ngửa vì đau vô cùng, nên phải nằm nghiêng và muốn trở bên thì phải lật xấp rồi lăn mình.
Đến tuần lễ thứ ba, chúng tôi làm xong con đường dài 50 thước, rộng 4 thước đó, kể cả bồn hoa quanh cột cờ[1], và tôi chỉ còn hơn một tuần dạy học, trước khi đến quân trường Chi Lăng. Tôi tổ chức lễ khánh thành con đường và trao phần thưởng cho các học sinh đã tham dự công tác xây cất. Lê Thơm cũng đến dự. Đến lúc đó, khắp lưng tôi các vết cháy nắng đã bắt đầu lột da, nên chỗ trắng chỗ đen, hay đỏ nhìn như một con cắc kè bông.


TRƯỜNG TÔI 1968, SAU KHI SỬA


Trong những giờ dạy học, một đôi khi, tôi vô tình mở cửa sổ, thấy một người đàn ông lạ mặt đứng bên ngoài lắng nghe. Khi thấy tôi, ông ta mỉm cười, cúi đầu chào. Các học sinh cho tôi biết người đó là ông trưởng chi thông tin. Tôi tự hỏi: "Ông ta đứng đó để làm gì?"
Vài ngày cuối cùng ở trường, mỗi buổi sáng, tôi cùng Nguyễn Ngọc Thái, Nguyễn Hữu Hiền, Mai Văn Đường và Đỗ Hữu Tín ra chợ uống cà phê ở quán Lù Ta, một quán ngay bên bến đò ngang. Chúng tôi vừa uống vừa nghe loa phóng thanh phát tin tức, âm nhạc.
Sau khi bản tin chấm dứt, tiếng nói của xướng ngôn viên vang lên:
"Thưa đồng bào, sau đây là câu chuyện "Một người lạ". 
Thưa đồng bào, người lạ mà tôi vừa nói tới là thầy Võ Hiệp..."
Thì ra ông trưởng chi thông tin đã gom góp lại tất cả các việc mà tôi làm, để viết lên câu chuyện một người lạ. Đại khái bài nói tôi từ miền Bắc vào đây và đã làm thay đổi bộ mặt của trường trung học, cùng học sinh nơi đây.
Đường khích vào tay tôi:
- Thầy nghe không? Họ đang tuyên dương Thầy đó.
Hiền cười tít mắt:
- Thầy mình mà, còn ai bằng. Cho nên người ta mới kêu:
   Võ Hiệp Kỳ Tình.
Cái bụng chình bình..
Tôi ngắt lời:
- Đủ rồi thằng cốt đột. Thầy nghe các em gọi thầy là Võ Hiệp Kỳ Tình nên Thầy làm bài thơ tự trào sau:
                       Võ thì chẳng biết miếng nào.
               Hiệp thì chỉ biết ra vào ăn chơi.
                       Kỳ ra một đứa hại đời.
               Tình thì bạc bẽo như vôi ăn trầu.
Mấy Thầy trò nhìn nhau cười.
Mỗi buổi sáng, câu chuyện "Một người lạ" lại được viết một khúc về công việc của tôi với trường và các học sinh. Cho đến hôm tôi ra đi, bài vẫn còn tiếp tục. Các học sinh ra tiễn tôi ở bến xe rất đông, điều này càng làm tôi sung sướng, thương yêu học sinh nơi đây hơn.


[1] Riêng bồn cột cờ, tôi dùng phép vẽ toán để tạo hình sao sáu cánh và cho trồng hoa mười giờ, hoa dừa, vạn thọ…

No comments:

Post a Comment