Thursday, September 22, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 16.


Vài ngày sau, khi lớp ra chơi, một học sinh lớp đệ tứ lại chỗ tôi nói:
- Thưa Thầy, cha mẹ em muốn mời Thầy vào nhà em trưa nay.
Tôi hỏi:
- Nhà em ở đâu?
- Dạ thưa Thầy, em là Tư em của Bé Em đó Thầy.
- À ra thế. Thầy ăn cơm trưa xong sẽ lại nhà em.
Cậu học sinh lắc đầu nói:
- Dạ không Thầy. Cha em muốn mời Thầy lại ăn cơm trưa.
- Thôi được, Thầy lại sau khi tan học.
Tan học, tôi lững thững một mình lại nhà ông Năm Châu.
Khi vừa đến đầu chợ, tình cờ gặp người lính bót Phụng Châu.
Khi thấy tôi, ông này đứng lại cúi đầu chào:
- Chào Thầy.
Tôi ngạc nhiên, xúc động vì không ngờ người này lại đổi hẳn thái độ.
Tôi cúi đầu chào lại:
- Chào anh.
- Thầy khỏe không?
Tôi dơ tay bắt tay anh ta:
- Cám ơn anh tôi bình thường.  Anh đi đâu vậy?
- Dạ tui đi chợ mua ít đồ, Thầy.
- Thôi xin phép anh, tôi phải đi có việc. Khi nào rảnh mình sẽ nói chuyện nhiều.
Nói xong, tôi đi xuống nhà ông Năm, với lòng  đầy hân hoan, vì đã biến thù thành bạn.
Ông Năm ra đón tôi ở ngoài sân.
Sau khi chúng tôi chào hỏi xã giao, ông Năm nói với vẻ rất cảm động:
- Thưa Thày, tôi có chuyện này muốn thưa cùng Thày.
Tôi hỏi:
- Dạ, ông Năm muốn nói chuyện gì vậy?
- Tôi hết sức cảm động vì Thày đã giúp chúng tôi. Tôi muốn kết thân cùng Thày, coi Thày như người trong nhà.
Tôi thấy ông chân thành quá nên nói:
- Chuyện giúp ông thì có gì đáng nói, nhưng tôi rất cảm động khi ông đưa ý kiến này. Thôi, ông là người lớn tuổi, vậy ông là anh, còn tôi là em.
Ông Năm ứa nước mắt:
- Thày thiệt là bình dân, không phân biệt giầu sang, phú quý, học vấn...
Tôi ngắt lời:
- Anh gọi tôi bằng chú chứ!
- Thày.. à chú, chú thứ mấy?
- Anh Năm cứ gọi tôi là chú Hiệp hay chú Ba gì cũng được.
- Thôi chú Ba, vào ăn cơm với tụi tôi. Hôm nay là ngày thất của Bé Em đó chú à.
Từ ngày đó, hàng năm cứ đến ngày giỗ của Bé Em, anh Năm cho mời tôi tới dự đám, và hàng đêm khi đi về nhà tôi cũng không còn nghe tiếng đe dọa của người lính bót Phụng Châu, mà thay vào đó là những lời chào hỏi.
Vài tuần sau, tôi rời chỗ ở ra đầu kinh theo lời khuyên của bà ngoại cô Cúc, để được an toàn hơn. Cùng ở với tôi có Nguyễn Ngọc Thái và Mai V Đường, ba thầy trò ngủ cùng một giường. Tại đây, các học sinh, nhất là các nam sinh thường ra chơi với tôi. Trong số đó có Lý văn Nhân, Mai chí Hiếu, Đỗ hữu Tín, Nguyễn hữu Hiền, Lương v Thái, Nguyễn thanh Tùng...
Ngoài vấn đề khuyên và chỉ bảo việc học hành, tôi còn làm vai trò một nhà tâm lý để giải quyết các khó khăn tinh thần, tâm lý cho các em.
Có đêm cuối tuần, một đám nam sinh đến nhà tôi chơi. Lý Văn Nhân đem ra một chai mầu nâu nâu đen đen:
Tôi không biết đó là gì hỏi:
- Chai gì vậy Nhân?
Nhân cười:
- Ngũ Gia Bì, thầy à.
Tôi hỏi:
- Ngũ Gia Bì là cái con khỉ gi?
Nguyễn Ngọc Thái, cậu học sinh trọ cùng nhà cười chọc:
- Ngũ Gia Bì là ngủ li bì Thày à.
Một cậu khác chêm vào:
- Cái này phải có đồ nhắm thì hết xẩy.
Tôi hỏi:
- Có tên nào dám bắt hến ban đêm không?
Cả đám nhao nhao:
- Thầy dám thì tụi em dám chứ Thầy.
Cậu khác nói:
- Chút nữa nước ròng, xuống bắt hến nướng có lý lắm.
 Đến 11 giờ khuya nước ròng sát đáy, thầy trò rủ nhau xuống sông bắt hến, rồi đem lên nướng, và nhậu với Ngũ Gia Bì. Khi say quá, tất cả chất lên một giường nằm ngủ, người này đè lên người kia, nửa đêm giường bị gãy làm thầy trò cùng lăn xuống đất.
Tháng 5, 1968, Mỹ và Bắc Việt mở cuộc thương nghị sơ khởi tại Paris, giữa hai ông Kissinger và Lê Đức Thọ. Điều này càng làm tôi bất mãn với chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Tại sao Mỹ lại nói chuyện trực tiếp với Bắc Việt, mà không để chính phủ miền Nam làm việc đó, vì ngừơi Việt giải hòa với người Việt? Sự kiện này, đã chứng tỏ Mỹ coi Bắc Việt là một quốc gia ngang hàng với Mỹ, và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chỉ là một chính phủ bù nhìn.
Theo ý tôi, Mỹ chỉ đứng ngoài và ủng hộ cho một cuộc thương lượng giữa hai miền Nam, Bắc, cũng như Liên Xô, Trung Quốc đã làm thế đối với Bắc Việt. Một khi Liên Xô, hay Trung Cộng muốn tham dự cuộc nói chuyện, thì Hoa Kỳ cũng tham dự để cân bằng lực lượng.
Cuộc hòa đàm Paris là một sự chứng tỏ sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Nó đã làm cả thế giới nhìn nhận sự độc lập và có chủ quyền của miền Bắc cũng như sự nô lệ của miền Nam.
Sau một thời gian dạy học ở vùng nông thôn, tôi cũng nhận ra một điểm ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến đấu Quốc Cộng. Đa số nông dân ở vùng nông thôn không mấy để ý đến Cộng Sản hay Quốc Gia. Họ thấy có gió bề nào, thì che bề đó, nếu ai chiếm cứ vùng của họ thì họ theo, chứ họ không hề có ý thức hệ. Cuộc chiến này chỉ thành công cho bên nào chinh phục được đa số nhân tâm và như vậy miền Bắc chiếm ưu thế.
Trong những thời gian nghỉ ngơi, tôi thường đem các lý tưởng cuộc sống và reo vào lòng trong sạch của tuổi đầy nhiệt huyết đó, những tư tưởng: thích độc lập, chuộng công bằng, yêu tự do, không kỳ thị Bắc Nam hay tôn giáo; chống: tham nhũng, bóc lột, bất công, quan liêu, bè phái…. Tôi hy vọng sau này các học sinh đó, khi lớn lên, nắm những vai trò quan trọng trong xã hội, sẽ góp phần vào làm cho đất nước hùng cường, nhân dân no ấm ở bất kỳ dưới chế độ nào.
Mùa hè năm đó, tôi dạy toán, lý miễn phí cho các học sinh ở Chợ Lách.
Hôm trước khi thi tú tài, một số học sinh lớp đệ nhị A,B cùng vài em đệ tứ đên nhà trọ của tôi làm tiệc. Các em gái làm 5, 6 con gà rồi cháo gà và gỏi chuối cây.
Khi làm các cô hỏi tôi:
- Trong con gà Thầy thích phần nào nhất?
Tôi trả lời:
- Hồi nhỏ thầy thích ăn chân gà nhất.
Nấu nướng xong, thầy trò cùng ngôi ăn. Các cô mời tôi ngồi trước, rồi các em ngồi sau. Tôi ngạc nhiên vì trước ,ặt tôi không có đĩa thịt nào cả. Một bưng ra một tô toàn là cẳng gà để trước tôi rồi nói:
- Đây là phần của Thầy! Thầy không được ăn thịt gà nhe.
Tất cả đám cùng cười.

Ngồi trái sang phải :Tín, Thái, Châu, Nhân, Đường       
Đứng : Dễ, Bé, Phiếu, Nhẫn, Cánh, Xuyên, VHKT, Hiếu, Thảo, Hiền, Tùng
(Bấm vào hình thì hình sẽ phóng đại)

Khi có kết quả, hầu hết các em trong hình đều đậu và một số khác không có tham dự cũng đâu đã đậu tú tài I, một kết quả không ngờ trong thời tiền a, b, c khoanh.


 

No comments:

Post a Comment