Wednesday, September 7, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 6

Chiều hôm đó tôi thấy bẩy tám cậu học sinh đến nhà chị Năm, trong số ấy có Găn, Đấu, Từ, Thảo, Chanh, Minh... Cậu thì mang chai rượu, kẻ thì xách con gà, rồi mở tiệc "đón thầy", tất cả đều mừng rỡ vì năm nay các em thi tú tài I ban toán, nếu mà không có giáo sư toán thì các em sẽ gặp nguy.
Ngày hôm sau, khi tới trường, tôi hơi ngạc nhiên, vì thấy học sinh nơi đây không mặc đồng phục, người áo đỏ, kẻ áo xanh, đủ thứ quần áo, trông như một cái chợ.
Thưởng giới thiệu một số thầy cô trong trường, hiện diện lúc ấy, trong số đó có một số giáo đệ nhị cấp như: Đỗ Viết Cửu[1] người Thanh Hóa, dạy Việt văn và Hà Văn Khoan, dạy sử địa; Vũ Thị Oanh dạy Việt văn đệ nhịc cấp (tư nhân dạy giờ). Các giáo sư khác như Nguyễn Tri Lộc- Pháp văn, Nguyễn Văn Thu- Anh văn, Đỗ Thị Tám, vạn vật- Đinh thị San sử địa, Trần Phương Lan, cô Nghiệp...đều dạy đệ nhất cấp.
Sau đó anh Thưởng cho gọi cô Nguyễn Thị Cúc lên văn phòng để gặp tôi. Cúc là một nữ sinh lớp đệ tam, ban A (sinh vật), thùy mị, xinh xắn. Cô ta rất mừng vì đó là lá thư mà Sanh, Đạt đã giới thiệu tôi về ở tạm nơi đó trong thời gian đầu. Ngày hôm sau nữa, Cúc đem ghe máy đến nhà bảo sanh đón tôi về nhà cô ta, ở ấp Phụng Châu.
Nhà Cúc là một căn nhà ngói, vách gạch nền lát đá hoa, trông rất khang trang, chung quanh nhà là một vườn rộng, trồng chanh, mận... Thật ra ngôi nhà này là của ông bà Nam Cường (nhà xuất bản) cất lên để thân phụ thân mẫu của bà sống. Cúc lên đây để chăm nom ông bà của cô ấy mà thôi, còn gia đình Cúc thật ra sống cách đó vài trăm thước. Gia đình này đối với tôi hết sức tử tế, và tôi được ngụ tại căn gác của nhà sau. Căn gác này rộng rãi và mát mẻ lắm. Ban đêm tôi dùng thì giờ nhàn rỗi kèm thêm toán cho Cúc và Chanh. Chanh là em bạn dì của Cúc.
Tôi chẳng hiểu tại sao ấp này, khu tôi ở, không có nam học sinh học đệ nhị cấp, nên mỗi buổi sáng, tôi cùng mấy cô nữ sinh bạn Cúc như Phỉ, Vui, Đẹp, Tuyết Mai cùng đi đến trường. Muốn đến đó thầy trò chúng tôi phải vượt qua cái bót Phụng Châu, do nghĩa quân canh, và đi qua một cái cầu tre lắt lẻo, bắc qua một con kinh lớn, bề ngang khoảng 16 hoặc 17 thước(?)
Cây cầu này là một loại cầu khỉ và có tên là cầu "BÒ CẠP", làm bằng một cây tre hay dừa, nên đi rất khó, nhất là sau cơn mưa. Sau những cơn mưa, các người đi trước để lại vết đất sét trên thân cây tre, làm cho nó trơn như thoa mỡ, thầy trò tôi phải bám thật chặt vào lan can ọp ẹp để khỏi bị ngã xuống sông. Tôi không hiểu tại sao cây cầu có tên đó? Có lẽ khi qua cầu vừa đi vừa run, hay vừa bò vừa cạp, nên dân chúng địa phương đã gán cho cây cầu một tên thật thi vị.
Sau đó thầy trò đến một bến đò ngang. Có hai chiếc chuyên chở người qua lại bờ kinh bên này sang ngôi chợ ở bờ bên kia. Vượt qua chợ độ trăm thước là ngôi trường trung học.


[1] Đỗ Viết Cửu khi thi ra trường đậu rất cao, nhưng vì chê thơ của thầy là GS Nghiêm Toản, nên bị đầy. Sau này, Cửu chuyển về Đại Học Cần Thơ để dạy chữ Hán. Xem ra về Chợ Lách hay các nơi hẻo lánh chưa chắc là tại học tệ.

No comments:

Post a Comment