Wednesday, September 21, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 15.


Vì trường vẫn đóng cửa, nên các bạn tôi rời đó về Sàigòn ngay ngày hôm sau, còn lại mình tôi ở lại mà thôi. Tôi muốn lưu lại đây để tìm hiểu các học sinh tôi có an toàn không. Cuối ấp Phụng Châu là những cánh đồng lau sậy hoang dã, nên VC vẫn thường thẩm nhập về ấp này. Cúc và bà ngoại cô ta thường khuyên tôi tìm nơi nào yên hơn mà ngủ đêm, để tránh tai lây vạ gió, nên làm tôi cũng băn khoăn và chẳng biết đến đâu mà trọ.
Chiều hôm đó, tôi nhảy xuống kinh tắm, thấy bên bờ đối diện cũng có mấy học sinh bơi ra giữa kinh.
Chúng vừa bơi vừa chào:
- Thầy!Thầy!
Tôi nhận ra đó là các học sinh lớp tú tài ban toán của tôi gồm: Mai Chí Hiếu, Nguyễn Toàn Thảo, Nguyễn Thanh Tùng và Mai Văn Đường[1]. Chúng rủ tôi sang nhà chúng ngủ đêm đó để tránh tai nạn và thêm vui, thật là một trùng hợp ngẫu nhiên. Các cậu này cũng lên nhà này ngủ để bớt rủi ro khi hai bên đụng trận.
Việc đầu tiên là tìm chõ ngủ cho tương đối an toàn. Ngoài hành lang rộng độ thước rưỡi có tường gạch che ba phía là tương đối nhất, nên bốn cậu trải tấm nệm ở đó để thầy trò cùng ngủ. Đầu quay về phía dưới, chân hướng về phía chợ. Nếu bên VC bắn thì cùng lắm là đạn xuyên qua đầu, nhưng bụng và hạ bộ cồn nguyên. Rủi hơn nữa mà bên quận bắn thì phần hạ bộ mất nhưng đầu không việc gì. Quả thật là thông minh chưa từng có.
Chiều tối hôm đó, mấy cậu học sinh tinh nghịch hỏi tôi:
- Thầy có thấy đói không ?
Vì tắm nhiều, nên bụng tôi cũng cảm thấy đoi đói, nên trả lời:
- Có chứ!
Tùng nói:
- Thầy ăn cháo môn ngứa chưa?
Tôi hỏi:
- Đã gọi là môn ngứa, thì ăn ngứa bỏ mẹ. Sao mà dám ăn?
Hiếu nói:
- Nhưng có cách ăn không ngứa đâu Thầy.
Tôi ngạc nhiên:
- Thật sao?
Hiếu nói:
- Thật đó Thầy.
Thảo nheo mắt cười, thêm vào:
- Tụi em không gạt Thầy đâu.
Đường từ lúc đầu ngồi yên một cục, đề nghị:
- Mình đi hái môn về nấu cháo cho Thầy ăn thử đi bây.`
Thảo nói:
- Khi lấy môn, không được gọi tên môn ngứa nghe Thầy. Nếu không, thì ăn ngứa bỏ bà.
Chúng tôi cởi quần áo ngoài, rồi cả trò lẫn thầy nhảy xuống kinh, đi dọc theo bờ hái môn. Tôi chẳng mấy tin vào việc gọi tên môn ngứa và hậu quả ăn vào bị ngứa, nhưng để thỏa lòng mấy cậu học sinh nên cũng đành câm miệng, cặm cụi cắt môn. Môn ngứa hình thức cũng giống như cây bạc bà (dọc mùng), nhưng nhỏ hơn nhiều, mọc dưới nước ở dọc bờ sông, bờ kinh, hay các mương của vùng châu thổ sông Cửu Long. Sau một hồi làm việc, chúng tôi thu được một rổ, đem về nhà, rồi thầy trò tước da, cắt nhỏ đem nấu với ít gạo thành cháo.

MÔN NGỨA

Tối hôm đó, thầy trò được một bữa no nê. Nửa giờ sau, tôi thấy trong cổ ngứa dữ dội, nhưng không dám gãi, sợ mấy tên học trò mắc dịch cười. Tôi đột nhiên thấy chẳng một tên nào nói chuyện cả, và tên này ngó tên kia. Sau cùng, tôi chịu không nổi, dơ tay gãi cổ, thế là cả đám cùng thi nhau gãi. Nhưng khổ nỗi, ngứa bên trong cuống họng, mà gãi bên ngoài cần cổ, nên đỏ cả cổ mà vẫn bị ngứa.
Đây đúng là cảnh :
Quần cụt, thầy trò nhảy xuống kinh.
Đi tìm môn ngứa mọc trên sình.
Cùng nhau đua hái về làm cháo.
Ăn uống no nê, ngứa khắp mình.
Ít ngày sau, trường mở cửa trở lại, tuy nhiên nhiều học sinh vẫn vắng mặt.
Một hôm, tôi nhận được tin một học sinh lớp đệ nhị B của tôi tên là Nguyễn V Bé Em bị bịnh chết. Tôi cùng một số học sinh lại gia đình của kẻ xấu số thăm, cùng đưa Em đến chỗ an nghỉ cuối cùng. Cha của Bé Em, lớn hơn tôi khoảng mười mấy tuổi, tên là Năm Châu, rất cảm động vì sự hiện diện của chúng tôi. Ông và cả gia đình còn rất tin vào sự kiêng cữ.
Trong số những người dự đám táng, tôi thấy có người lính bót Phụng Châu. Ông ta nhìn tôi, nhưng chẳng nói năng gì và lảng đi nơi khác.
Theo các thày tướng số nói rằng: Bé Em phải được chôn vào 10 giờ sáng ngày hôm đó. Xui xẻo thay, sáng hôm đó nước ròng, nên con kinh trước nhà cạn queo, mà phần mộ của Bé Em đã được đào ở bên kia con kinh và cách nhà khoảng 100 thước. Theo dự tính gia đình em định dùng thuyền chở quan tài sang bên mộ phần, nhưng trường hợp này thì cách ấy không thể thi hành. Còn cách đi đường bộ cũng không xong, vì từ nhà em sang đến bên kia bờ sông chỉ có một cây cầu khỉ duy nhất, một người qua một lần cũng khó khăn.
Mọi người, nhất là hai vợ chồng ông bà Năm, rất bối rối không biết giải quyết ra sao.
Tôi đề nghị:
- Ông bà cho khiêng quan tài của Bé Em xuống cái xuồng, rồi hè nhau đẩy xuồng trên sình đến mộ phần. Những ai không đẩy xuồng thì khiêng lễ vật đi vòng qua cầu khỉ, rồi đến đó. Cách này tuy mệt nhọc, nhưng đến 10 sáng thì mọi việc đều xong.
Nhiều người tán thưởng:
- Ý ông Thầy đúng đó.
Ông Năm nói:
- Thôi nhờ Thầy điều động giùm.
Tôi không khách sáo nói:
- Bây giờ các thanh niên khỏe mạnh bỏ áo ngoài, xắn quần dài lên, cùng tôi khiêng quan tài xuống xuồng.
Nói xong, tôi cởi áo ngoài ra, xắn quần lên. Nhiều người làm theo và cả người lính bót Phụng Châu. Chúng tôi hì hục khiêng quan tài của Bé Em xuống xuồng, lội bì bõm, đẩy xuồng trên sình đến chỗ huyệt và kết quả chúng tôi đặt quan tài của Bé Em đúng giờ ấn định.


[1] Cả bốn cậu này, đều theo học đệ nhất (12) TPH sau năm 1968.

No comments:

Post a Comment