Monday, September 26, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 19.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi được phép nghỉ thường lệ. Tôi và Ngạn rủ nhau ra chợ Voi ngay trước trung tâm chơi rồi xem cảnh chung quanh.
Qua khỏi chợ Voi khảng 1 km là vùng đất với các cục đá chồng, cao 7, 8 m nhìn cũng vui vui. Ngạn và tôi elo lên một cục đá lớn ngồi nghỉ mát. Đột nhiên, tôi thấy bên kia đường có một ông già đang ngồi bán thú mà ông bẫy được. Tôi vội tụt xuống chạy sang phía ấy.
Ngạn ngạc nhiên hỏi:
- Ế Hiêp! Mày đi đâu vậy?
- Tao chạy mua con này.
Ngạn hiếu kỳ cũng tụt xuống, chạy theo.
Sang đến nơi tôi mua con sóc nhỏ bằng quả chuối mắn.
Từ ngày ấy con vật bé tý là bạn thân của tôi. Mấy ngày đầu tôi cột nó cho ăn trái cây, bánh mì, gạo sống, hay bắp. Mấy ngày sau tôi bỏ nó vào túi áo hay túi quần. Nó cứ bò loanh quanh người tôi; lúc thì chui vào bụng, khi thì chui vào túi thò cổ ra nhìn các bạn khóa sinh khác làm ai cũng phì cười. Ôi thật dễ thương.
Một hôm, tất cảc chúng tôi đang đi theo hàng tử tế, con sóc chui từ trong áo lên cổ, thò đầu ra ngó mấy khóa sinh phía sau. Không biết nó làm gì, mà cả đám phì cười làm cho sĩ quan huấn luyện viên phạt cả trung đội vì mất trật tự.
Cuối tháng 12 năm đó, lớp học quân sự mãn khóa. Chúng tôi nôn nóng đi trả lại hành trang, quân cụ, để ngày hôm sau lên đường về nhiệm sở cũ.
Chiều hôm đó, tôi mang tất cả quần áo đi giặt, chỉ chừa lại một bộ đang mặc trên người. Sau đó, tôi đi ăn bữa cơm chiều cuối cùng với bạn bè, và từ giã nhau. Khi ăn cơm xong, chúng tôi ngồi nói chuyện ngẫu ở bên hông nhà bàn, phòng ăn tập thể của khóa sinh. Bỗng nhiên, chúng tôi thấy các khóa sinh khác ùn ùn chạy đến, mặt mày hớt hải.
Chúng tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy các anh?
Họ trả lời:
- Đang cháy bãi mìn sau trại mình.
Nguyễn hữu Lộc, một người bạn tôi hỏi:
- Xe cứu hỏa đã tới chưa?
- Vừa tới.
Lộc nói tiếp:
- Phải tới chữa cháy chứ! Vì ngoài tụi mình còn nhà dân ở chợ Voi phía bên kia nữa. Với gió mùa này thì sẽ cháy sang nhà dân mất.
Một người khác trong đám mới tới thêm:
- Còn mìn nổ nữa chứ! Vì vậy họ nói chúng tôi phải di tản lên đây đó!
Tôi hỏi:
- Tại sao bãi mìn bị cháy vậy anh?
- Tại cũng cái ông nội Mai Khắc Trí. Không biết tại sao ông ta có một cái hỏa hiệu. Anh ta vui quá, vì sắp về, mang nó ra bắn. Anh ta không bắn lên trời mà bắn vào bãi mìn với lau khô.
Cường nói:
- Chắc lửa cũng sắp tàn rồi.
Một người mới chạy tới thở hổn hển:
- Tàn... gì.. mà tàn! Cháy...cháy càng ngày càng...to thì có...Lính cứu hỏa đem xe tới, rồi..bỏ chạy mất tang.
Tôi không nói thêm một lời, đứng dậy, phóng một mạch về trại. Lúc ra đến đường, tôi thấy sau trại khói bay mù mịt, vài khóa sinh đang chạy thục mạng lên nhà bàn. Lúc đến hàng rào cạnh bãi mìn, tôi thấy một xe cứu hỏa đậu đấy, còn cái vòi rồng, không người điều kiển, đang xịt nước tung tóe, quật qua, quật lại như một con trăn khổng lồ, khi bị chặn bởi một chướng ngại vật gì đó. Qua màn khói, phía bên kia xe cứu hỏa, một người khác cũng đang phóng tới phía vòi rồng. Tôi tự hỏi” “Ai đây? Sao gan thế này?”  Trong lòng tôi thầm khâm phục một con người  can đảm ấy.
Tôi thấy vòi nước bị chặn dưới bánh xe, nên lôi ra để cứu hỏa. Nào ngờ tôi vừa chụp cái vòi rồng lôi ra thì bị nó quật té, vì bị bất ngờ và không nghĩ nó mạnh như vậy. Người kia, chụp lấy cái vòi rồng, cẩn thận hơn lôi ra hàng rào. Tôi chạy theo rồi và cùng xịt về hướng lửa đang cháy. Bấy giờ, tôi mới nhận ra người đồng chí can đảm đó: anh Đào Khánh Thọ, Hiệu Trưởng trường trung học Tống phước Hiệp, Vĩnh Long.


TRÊN BÃI MÌN

Hai chúng tôi, đứng trên một miệng hầm trú ẩn, đào sẵn cạnh hàng rào kẽm gai, cố sức ghìm vòi rồng hướng về đám cháy. Lửa bốc càng lúc càng cao, và mãnh liệt hơn, vì tháng này nhằm vào mùa khô, hanh, nên cỏ, cây, lau lách đều khô, mà gió lại mạnh. Chỉ với một cái xe  cứu hỏa thì làm sao ngăn nổi sự giận dữ, hung tàn của thần hỏa? Lửa mỗi lúc một tới gần chúng tôi hơn, tuy chưa thấy một tiếng nổ của mìn, lựu đạn, nhưng tôi cảm thấy nguy hiểm trập trùng. Hình ảnh những bánh TNT nổ tung khi gặp lửa ngày học lớp chất nổ làm chúng tôi càng lo lắng hơn. Mìn lựu đạn cũng có thể phát nổ khi các dây gài bẫy bị cháy.
Tôi nói:
- Anh Thọ, anh xuống hầm đứng phụ với tôi đi!
Thọ nói:
- Đâu được, mình cùng chia sự nguy hiểm với nhau chứ!
Tôi không chịu, tiếp tục thuyết phục:
- Anh Thọ, đứng đây cả hai cùng bị nguy hiểm! Chẳng thà một thằng bị nguy hiểm còn hơn cả hai. Anh đứng dưới hầm phụ tôi giữ cái vòi rồng là tốt lắm rồi.
- Tôi không muốn Hiệp bị nguy hiểm một mình.
Một đám khói, bay sà về chúng tôi làm cả hai cùng ngộp khói, nên phải nhịn thở. Chúng tôi đã cảm thấy rát mặt vì sức nóng của đám cháy.
Tôi nói:
- Anh đã có gia đình. Anh phải nghĩ đến vợ con chứ! Tôi còn độc thân anh ạ! Nếu tôi bị thương thì còn có người cứu tôi chứ!
Thọ nhăn mặt:
- Nhưng..nhưng..
Tôi gạt:
- Không nhưng nhiếc gì hết. Anh xuống đó đi!
Sau một hồi thuyết phục của tôi, Thọ cuối cùng nói:
- Vậy Hiệp đứng đây nhé, tôi xuống hầm giúp Hiệp.
Anh ta nhẩy xuống hầm giữ ống vòi rồng. Tôi đứng lại miệng hầm để điều khiển hướng nước xịt. Tôi thấy có phần dễ dàng điều khiển vòi chữa lửa hơn, vì Thọ đã giữ phần dưới cho tôi và không bị vướng vì người bên cạnh. Tôi rất băn khoăn, một phần vì e các chất nổ có thể nổ bất kỳ lúc nào, một phần sợ nhà dân của chợ Voi bên cạnh đường bên ngoài có thể bị cháy, vì ngọn lửa bốc lên rất cao, đưa lên trời những tàn lửa của cây rừng bay tứ tung trong không khí.
Bất ngờ, tôi thấy đèn đỏ chớp chớp ở bên kia bãi mìn. Tôi mừng lắm, vì đó là đơn vị cứu hỏa của lính Mỹ đồn trú đã đến giúp chúng tôi. Như vậy cơ hội dập tắt lửa có nhiều triển vọng hơn.
Đàng sau lưng chúng tôi, và cách chúng tôi khoảng 20 thước, tôi thấy nhiều đồng nghiệp đã chạy tới đứng lấp ló sau vách tôn của trại, ngó chúng tôi chữa lửa.
Nhờ xe cứu hỏa cả trong lẫn ngoài cùng xịt nước vào bãi mìn, nên ngọn lửa đã bớt hung hãn như trước.
Độ 10 phút sau đó, ngọn lửa đã bị đội cứu hỏa Mỹ và chúng tôi khống chế, và may mắn thay, chúng tôi chẳng bị tổn thất gì, nhưng quần áo tôi ướt như chuột lột. Chỉ ti cho con sóc bé tý cũng ướt như chuột thành nhìn nó giống con chuột tht sự.
Đêm đó tôi phải cởi hết quần áo, chui vào một pông sô, cuốn tròn lại mà ngủ, không còn dịp đi lang thang từ giã bạn bè, vì không còn một mảnh vải trên người.

No comments:

Post a Comment