Sunday, September 4, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- bai 3

Trầm ngâm tôi làm mấy vần thơ:
Bên Cầu Thiềng Đức
Tôi tới Vĩnh Long lúc ngả chiều.
Bên cầu Thiềng Đức nắng xiêu xiêu.
Bèo non dưới lạch, bông mầu thắm.
Mận chín trên mương, trái sắc điều.
Quen thuộc Sài Gòn, làm luyến tiếc.
Lạ xa Chợ Lách, kiến cô liêu.
Tương lai mình biết làm sao nhỉ?
Cuộc sống, rồi ta cũng phải liều.

Bất chợt có tiếng nói ở sau lưng:
- Ông về Chợ Lách hả?
Tôi quay lại, thấy một thanh niên, khoảng 20 tuổi, nước da ngăm ngăm, tướng vạm vỡ, khỏe mạnh, nét mặt chân thành, vui vẻ, đang nhìn tôi. Tôi đoán: "Người này chắc quê quán ở Chợ Lách, thấy mình là người lạ, nên hỏi đây."
 Tôi cúi đầu chào:
- Chào anh. Vâng tôi về Chợ Lách đây, còn anh quê ở đó sao?
- Dạ vâng, tôi quê ở đó.
Tôi hỏi:
- Mấy giờ thì xe khởi hành anh nhỉ?
Người đó nhìn đồng hồ tay, rồi trả lời:
- Độ mấy phút nữa thôi. Tôi tên là Linh, còn ông tên gì?
- Tên tôi là Hiệp. Anh cũng đi về đấy hả?
- Tôi là quân nhân, trung sĩ, ông ạ. Hôm nay tôi về thăm nhà, còn ông, ông về đó làm gì vậy?
- Tôi về đó dạy trường trung học.
- Ồ! Thì ra ông là thầy giáo. Ông dạy đệ nhất hay đệ nhị cấp, và môn gì vậy?
- Tôi dạy đệ nhị cấp, môn toán.
Linh cười khoái chí:
- Ồ! Như vậy mấy đứa bạn và em tôi đỡ rồi. Chúng sắp thi tú tài, và đang chờ giáo sư toán dài cả cổ. Tối nay, Thầy đã có chỗ ngủ chưa?
Tôi thấy hơi ngượng, vì anh ta đột nhiên gọi tôi là thầy và tôi chẳng phải là thầy của anh ta.
- Chưa anh ạ. Anh đừng gọi tôi là Thầy, có..
Linh ngắt lời:
- Thầy là Thầy chứ. Thầy gọi em bằng em, hay Linh cho thân mật.
Linh làm cho tôi mến Chợ Lách ngay lúc ban đầu ấy, với cách ăn nói chân thành, tự nhiên và thân mật. Tôi nhìn Linh cười, gật đầu.
Linh hỏi:
- Thầy định ngủ đâu đêm nay?
- Chưa biết anh..à Linh ạ.
Linh vui vẻ:
- Vậy Thầy về nhà em đêm nay đi.
Tôi e dè:
- Sợ phiền Linh.
- Trời! Phiền gì đâu! Thầy về nhà em đi, ngày mai sẽ có học trò đến nhậu với Thầy.
Tôi nghĩ thầm: "Người Chợ Lách dễ mến quá." nên trả lời:
- Nếu vậy tôi về với Linh.
- Thôi mình lên xe đi Thầy. Xe sắp chạy rồi. Thầy đưa em sách cho một cái túi.
Không đợi tôi trả lời, Linh cầm một túi xách đi lại xe, và nhường tôi lên trước.
Xe khởi hành và chạy độ mươi phút thì đến bắc Cổ Chiên[1] rộng bát ngát và đúng lúc mặt trời vừa lặn. Xe ngừng lại bên bờ sông, để chờ chiếc bắc (phà) đang ở giữa dòng, tiến lại phía chúng tôi một cách chậm chạp, mệt mỏi, uể oải như một con trâu già kéo cày lúc đói bụng. Bắc mỗi lúc một gần, và tôi nhận ra đó là một cái bắc loại nhỏ, cũ kỹ, chắc là Pháp đem đến đây từ hồi hoàng đế Bảo Đại chưa làm lễ đăng quang. Trên bến môy vài người dắt xe đạp  uể oải đứng nhìn chiếc bắc; vài cậu bé ngây thơ vui chạy, đùa giỡn; một bà già nhai trầu bỏm bẻm, cô độc bên một cá rổ. Tất cả các hình ảnh tạo nên một mối buồn man mác trong tôi.

 Nhìn về phía bên kia sông, tôi thấy trời mây vần vũ. Một cơn mưa rào đang hoành hành Chợ Lách xa lạ đối với tôi. Tôi chép miệng nghĩ: “Về đây đời sống mình có yên ổn không hay cũng đầy giông tố?”
Độ chừng 15 phút sau, cái bắc cặp bến. Bến bắc là một phao xi măng nổi hình vuông mỗi bề chừng 8, 9 thước, nối với bờ sông bằng một cầu sắt. Cầu phao lên cao hay xuống thấp tùy theo nước thủy triều và không làm gián đoạn sự lưu thông. Vì cầu phao nhỏ, xe không thể xoay trở để lên bờ, nên các kỹ sư đã làm một bệ gỗ, hình chữ thập, xoay quanh tâm điểm. Sau khi chiếc xe hơi trên bắc đã vào bệ gỗ, các phu bắc xoay bệ 90 độ, làm mũi xe hướng về cầu sắt và xe lên bờ dễ dàng.
Sau đó chúng tôi cũng lũ lượt xuống bắc. Người đi bộ xuống trước, xe lăn bánh xuống sau, rồi bắc nhổ neo và từ từ vượt qua con sông rộng bao la đó. Linh và tôi ra mũi bắc, nhìn cảnh hoàng hôn trên sông Cửu Long. Gió chiều thổi hây hây, tạo thành những ngọn sóng nhỏ vỗ nhè nhẹ vào mạn bắc. Nhìn về hướng tây, phía thành phố Vĩnh Long tất cả nhà cửa làng mạc hai bên sông chỉ là một giải màu đen hiện lên nền trời hồng đỏ của hoàng hôn, và phản chiếu trên mặt nước. Những cụm lục bình (bèo tây) lững lờ trôi trên giòng sông dường như không tìm ra một nơi để dừng bước phiêu lãng, làm tôi thấy nhớ nhà.
Tiếng Linh vang lên, cắt đứt sự suy tư của tôi:
- Qua đến bên kia, xã đầu tiên là Bình Hòa Phước. Tiếp theo là xã Phú Phụng, rồi Vĩnh Bình và mình về đến Chợ Lách Thầy ạ.
- Có xa đây không anh?
- Thầy lại gọi là anh rồi. Đây về đó chỉ có 17 cây số thôi, nhưng đường thì xấu, xe chạy chậm lắm và còn bỏ hành khách, nên cũng còn cả giờ mới về đến nơi.
Khi xe về đến Phú Phụng thì trời tối lắm rồi. Ngồi nhìn những ngọn đèn dầu leo lét của vài quán hai bên chợ, nhắc nhở tôi biết rằng tôi đã thật sự rời khỏi nơi phồn hoa đô hội và trở về nông thôn đơn sơ.


[1] Phà Đình Khao ngày nay.

No comments:

Post a Comment