Wednesday, September 28, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 21

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 21

Tuy đã nhận nhiệm vụ mới, nhưng tôi vẫn dạy một số giờ toán, vật lý cho lớp đệ nhị, vật lý cho lớp đệ tam và toán cho lớp đệ tứ.
Trong thời gian, này tôi vẫn thường về nhà Cúc một tuần vài lần, để kèm toán, lý hóa miễn phí cho em, và các bạn cùng lớp như Trần T Phỉ, Đỗ T Thanh Tâm, Nguyễn T Vui..
Một hôm, Đỗ Hữu Tín đến thăm và cho tôi biết em họ của em- Đỗ Thị Thanh Tâm- nhà bị ném bom cháy vì cuộc giao tranh. Ngày hôm sau, khi đi ngang nhà Tâm ở tạm, để cùng em sang nhà Cúc. Tôi đem cho em 10 ngàn đồng, tiền lương một tháng của tôi. Tâm khóc không chịu nhận. Tôi phải an ủi em vì nhà em đang cần trong lúc khó khăn, và cuối cùng em mới chịu nhận.
Một hôm, tôi dạy lực học cho lớp đệ tam, khi nói về sự cân bằng và mặt chân đế, tôi nói:
- Một vật càng cân bằng nếu mặt chân đế càng lớn. Vật ấy càng cân bằng hơn nếu trọng tâm của vật càng thấp, có nghĩa là gần mặt chân đế.
Một học sinh hỏi:
- Thưa Thầy tại sao vậy?
- Để Thầy giảng cho các em rõ hơn.
Tôi giảng về lý thuyết cho các em một lúc rồi tôi lấy thí dụ:
- Thầy đem thí dụ về cây cầu mà ông Quận Trưởng đang cho xây qua kinh. Cái móng giữa của cây cầu sẽ rất dễ đổ.
Các học sinh nhao nhao:
- Thật không Thầy?
- Thầy chỉ dựa vào lý thuyết của vật lý mà suy luận thôi. Cái bệ để đà quá lớn, dầy và quá cao so với mặt chân đế, trong khi các cột móng quá nhỏ và cao, vì vậy trọng tâm của cả móng cầu ở cách xa mặt nước. Chỉ cần một ghe thuyền tương đối khá nặng đâm vào là móng cầu sẽ đổ liền. Trong trường hợp lâu ngày, móng cầu sẽ lún không đồng đều cẩu sẽ đổ, và lúc ấy cầu đã làm xong thì có thể gây thiệt hại nhân mạng. Nhưng chúng ta cứ đợi thời gian sẽ trả lời.
Một học sinh khác hỏi:
- Thầy; như Thầy nói cái cầu xây không được đúng cách sao?
- Theo Thầy biết, kỹ sư công chánh khi xây cầu họ phải dùng các phép đo cao độ để tính ra độ dốc của mặt đường. Độ dốc này phải theo nhiều đường parabol nối tiếp và tiếp xúc nhau. Còn dốc cầu mình thì là một đường thẳng. Thôi nhưng trong hoàn cảnh này làm sao có đủ điều kiện được?
Thời gian đó, Đường và Thái không còn trọ chung nhà với tôi nữa. Đường thì đậu tú tài I và lên Vĩnh Long theo học lớp đệ nhất, sau đó bị động viên đi sĩ quan, còn Thái thi hỏng nên trở về quê ở Càng Long. Tôi buồn tình, tìm chỗ khác để trọ.
Một hôm, tôi đang đi lang thang thì gặp Nguyễn Nghĩa Tín, một học sinh lớp đệ tam B. Tín mời tôi về nhà em ở cho vui. Tôi nhận lời, thế là hàng ngày tôi đến trường lại có Tín cùng một số bạn của cậu tháp tùng, hết còn lẻ loi trong số này có Thiện, một nam sinh giỏi ở Vĩnh Bình. Nhà Tín ở cạnh bờ sông, phía bên này cầu Bò Cạp, cái cầu này bây giờ đã được xây bằng bê tông cốt sắt, bề ngang hơn 1 thước, nên dân bên ấp Phụng Châu không còn phải vừa bò vừa cạp nữa mỗi khi qua cầu nữa.
Cùng năm đó, ông Lê Vinh Hoa, bố Hạnh, cũng dời nhà từ Vĩnh Bình về Chợ Lách sinh sống. Ông đã từ chức nhiệm vụ hiệu trưởng trường tiểu học Vĩnh Bình để trở về đây làm giáo viên thường. Thật là một con người không màng danh lợi. Tôi càng mến ông hơn qua sự kiện đó. Tôi lại nhà ông ăn cơm tháng, do bà Hoa nấu. Ông Hoa có một đứa con trai mới 4, 5 tuổi, tên Nhân, chưa đi học, nhưng làm toán cộng trừ có nhớ một cách thông thạo. Một nhân tài chăng?
Một buổi sáng, tôi còn đang ngủ bỗng nhiên nghe tiếng gõ cửa:
- Thầy, Thầy thức chưa?
Tôi hỏi:
- Ai đó?
- Thưa Thầy, em Thầy.
Tôi mở cửa thì thấy một cậu học sinh, tuổi khoảng 18, đang đứng ở trước cửa. Cậu này tôi biết mặt nhưng chẳng biết tên. Cậu ta bước vào nhà, quì xuống, ôm lấy chân tôi khóc.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy em?
Cậu ta vừa khóc vừa nói:
- Thầy ơi! Thầy cứu em đi Thầy!
Tôi an ủi:
- Em cứ từ từ mà nói để xem Thầy phải giúp em bằng cách nào?
- Thầy làm ơn cấp cho em chứng chỉ lớp đệ tứ.
Tôi hỏi:
- Em tên gì? Học  lớp mấy?
- Dạ em tên T, đang học lớp đệ ngũ.
Tôi biết em này muốn tôi cấp cho em chứng chỉ lớp đệ tứ để em có thể theo học lớp hạ sĩ quan, nhưng chuyện này là một việc bất hợp pháp. Một trong những điều mà tôi đã tiên liệu trước khi nhận chức vụ này. Trong lòng tôi cũng đau đớn lắm vì không thể làm chuyện bậy, và cũng chẳng có cách nào cứu em cả.
Tôi ngồi xuống giường ôm đầu T:
- Em à, làm sao Thầy cứu em giờ? Em tha  cho Thầy đi! Thầy vô phương làm chuyện này.
T năn nỉ:
- Thầy cố sức cứu em đi, ba má em sẽ đền ơn Thầy.
Tôi nghĩ: "Cậu này muốn ngỏ ý hối lộ đây."
Tôi trả lời:
- Thầy không làm chuyện trái với luật định đâu em ạ, dù là tiền nong cũng vậy. Sao em không lên Mỹ Tho ghi tên học nhảy lớp đệ ngũ để được cấp chứng chỉ đệ tứ?
Sau một hồi năn nỉ, thấy tôi không đổi ý, T biết không thể thuyết phục tôi, nên đứng dậy lủi thủi ra về. Tôi nhìn theo hắn và trong lòng thấy thật khó chịu, buồn rầu chẳng biết nên làm sao cho đúng với chức vụ và lương tâm?
Tối hôm đó, tôi chỉ cho Tín một số bài tập, rồi hai thầy trò rủ nhau đi chơi bi da. Về đến nhà đã 11 giờ đêm, nên hai thầy trò lăn ra ngủ.
Đang mơ mơ màng màng, tôi hốt nhiên nghe tiếng kêu cứu thất thanh:
- Bớ làng nước ơi! Cứu tôi với! Bớ làng nước ơi! Cứu tôi với!
Tôi đánh thức Tín dậy:
- Tín dậy em! Có ai đang kêu cứu! Thầy trò mình ra xem sao!
Tín[1] dụi mắt tụt xuống giường, còn tôi xỏ chân vào đôi bốt đờ sô, khoác cái áo lính lên, chiếc áo mà tôi thường mặc ở quân trường, rồi hai thầy trò chạy ra ngoài, nhìn sang phía tiếng kêu. Tôi thấy bên kia bờ sông một ngôi nhà đang bốc cháy. Tôi cắm đầu chạy trước, và Tín cũng chạy theo tôi. Hai thầy trò vượt qua cầu Bò Cạp rồi đến căn nhà đang cháy. Trước căn nhà đó, một bà già đang ôm mặt khóc kêu cứu inh ỏi, nhưng chẳng ai đến giúp bà.



CỨU HỎA
Có nhiều lý do mà người ta không ra giúp bà già:
·  Vì đã quá khuya, lúc ấy khoảng 2 hay 3 giờ sáng.
·  Phần khác là vì ây là thời gian chiến tranh ở cao độ, ra đường lúc này có thể bị nguy hiểm đối với cả hai phe.
·  Và lý do cuối cùng là xông vào một ngôi nhà cháy cứu ai cũng là một nguy hiểm. Chẳng ai dại mà đâm đầu vào chỗ chết.
Tôi hỏi:
- Bà cụ, còn ai trong nhà không?
Bà già chỉ tay vào nhà:
- Thầy ơi, trong nhà tui không có ai nhưng có một con heo nái. Gia tài tui chỉ nhờ vào nó. Thầy cứu nó hộ tui.
Thì ra bà cụ này nấu rượu bán và lấy hèm nuôi heo. Bà dậy sớm nấu rượu, nhưng chắc ngủ gật (gục), nên lửa bén sang củi lá bên cạnh làm cháy nhà.
- Con heo bà cụ ở đâu?
- Đàng sau bếp đó!
Tôi nhìn vào thấy nhà cháy chưa lên đến đỉnh, có lẽ mái tranh còn ướt sương nên đã cản bớt sức tàn phá.
Tôi quay sang Tín nói:
- Em đứng ngoài này, nếu thấy Thầy bị nguy hiểm thì lập tức kêu cứu!
Tín gật đầu :
- Dạ.
Tôi chạy đến cái mương gần đó, lấy nước khoát lên người cho thật ướt, cả đầu cổ, lẫn quần áo, rồi chạy thẳng vào nhà. Bên trong nhà phủ bởi ngọn lửa nên nóng vô cùng, mà đã thế nhà chứa toàn lá dừa, trấu để nấu rượu, nên khói dữ dội. Tôi nhịn thở chạy xuống bếp, nghe tiếng heo kêu eng éc rối rít cạnh bếp.
May quá, lửa cháy từ bếp lên, nên chỉ lan lên trên mau hơn là lan sang cạnh, do đó chỗ chuồng heo chưa cháy tới, nếu không thì con ấy đã thành con heo quay rồi. Tôi nhẩy vào chuồng heo, đạp thủng một lỗ lớn trên vách, rồi đuổi con heo nái về lỗ. Nhưng vì nóng quá, nên con heo cứ chạy vòng quanh, không biết đường ra. Mặt khác, nó quá lớn, nên tôi không thể bế nó lên được.
Bên cạnh tôi, chỗ bếp, mái nhà bắt đầu sụp xuống, kéo theo cả một mảng lửa, làm người tôi nóng dữ dội. Quần áo tôi bốc khói nghi ngút. Chẳng còn cách nào hơn, tôi chống tay vào vách chuồng, co người lên, dùng hết sức đạp hai chân vào con heo. Nhờ vậy mà con heo lọt qua lỗ và rơi "ùm" xuống  cái mương bên dưới.
Tôi định chạy qua cửa bếp để ra ngoài cho lẹ, nhưng ngoài cửa lửa  bếp còn cháy dữ hơn trong nhà, vì bà cụ đã chất củi, lá dừa ngay phía ngoài cửa. Tôi chỉ còn cách chạy lên nhà trên để ra ngoài.
Tôi hai tay che mặt, phóng trở ra phía trước, nhưng cả căn nhà bây giờ đã thành một hỏa ngục. Vì ngọn lửa đã làm mái lá khô hơn nên càng cháy to hơn. Những cây sào, đòn tay bằng tre nổ lốp bốp như lựu đạn, rơi xuống tứ tung, làm cả nền nhà phủ toàn than đỏ. Đồ đạc trong nhà cũng bắt đầu cháy nên sức nóng khủng khiếp. Rất may tôi đi đôi giầy lính, nếu không đã phỏng chân rồi.
Chạy được vài bước thì một mảng mái nhà cháy đỏ rực, rơi xuống ngay trước mặt, rồi một cây đòn tay đang cháy rơi xuống vai tôi, làm cháy một mảng tóc. Tôi thấy ra cửa trước không xong. vội chạy lại bếp, nhẩy qua một đám lửa, vọt vào chuồng heo, rồi đâm đầu vào cái lỗ mà tôi đã đuổi con heo ra.
"Ùm" một cái, tôi rơi xuống mương, đồng thời ngửi thấy mùi nước tiểu cùng phân heo khắp nơi. Cái mương này chính là nơi con heo xả đồ phế thải. Tôi nhắm mắt, ngậm mồn, sợ đớp phải ít "đồ bổ" của con heo.
Tôi hai tay sờ soạng, tìm đường bò lên bờ. Bỗng nghe "éc" một tiếng, thì ra tôi rờ nhằm "cô nàng" mà tôi vừa cứu. Có lẽ "cô ta" không hài lòng vì chuyện đụng chạm đó, nên đã lên tiếng phản đối. Mò sang mương bên cạnh, tôi rửa ráy đầu cổ, quần áo rồi về nhà cùng Tín.



[1] Tín hiện đang sống tại Bình Minh, Vĩnh Long.

No comments:

Post a Comment