Tuesday, September 20, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 14.



Kể từ sau biến cố đó, người lính nghĩa quân kia, không còn hăm dọa tôi nữa. Có lẽ ông ta cũng cảm thấy tên Bắc Kỳ này không đến nỗi dễ ghét như ông ta tưởng.
Tết Mậu Thân gần tới (1968), tôi đề nghị với Thưởng và sự hợp tác của các giáo sư khác tổ chức cây mùa xuân cho học sinh. Tôi nói Nguyễn Toàn Thảo, một học sinh ban toán của lớp tú tài I, đem vào trường một cây tre để làm cây nêu. Nhưng tết năm đó có cuộc tổng tấn công của VC vào Sàigòn cùng 44 tỉnh, thị xã.
Sau khi cuộc tấn công tạm yên, tôi đi tìm một số bạn cùng dạy ở Chợ Lách và bàn cách trở về trường, xem xét tình trạng nơi đó ra sao? Quả thật sau một thời gian dạy học nơi đây, tôi rất mến học sinh của vùng nước ngọt cây lành này, và nhớ chúng lắm. Nơi đây làm tôi có cảm tưởng sống trong một gia đình thứ hai, hết còn cảm tưởng cô đơn lạc lõng như ngày mời nhận nhiệm sở. Các bạn tôi gồm anh Hà V Khoan, cô Đỗ T Tám, cô Đinh T San[1] và cô Vũ T Oanh đều đồng ý theo tôi về đó.
Về đến Mỹ Tho, chúng tôi ra vườn hoa Lạc Hồng rồi quyết định thuê một chiếc đò vừa vủa dài độ 6 thước, ngang 1 thước 2 có mui che nắng để đến Vĩnh Long.
 Đò chạy ngang vàm Chợ Lách, chúng tôi nhìn vào thấy nơi đây có vẻ yên tĩnh, nhưng vẫn cho đò đến Vĩnh Long như dự định. Vì chỗ ngồi trong khoang hơi hạn hẹp, nên Hà Văn Khoan và tôi ngồi chỗ ông lái đò, chỉ có mái che, nhưng tứ bề trống rỗng.
Gần đến Đồng Phú, ông chủ đò hỏi:
-          Tui rẽ vô kinh Đồng Phú để đến Vĩnh Long sớm hơn 2 giờ, các Thầy, Cô chịu không?
Nghe nói chuyện đến sớm mà ngồi lâu cũng mỏi, nên mọi người đồng thanh đáp:
-          Được! Ông chủ.
Ông rẽ đò vào kinh.
Đò chạy được khoảng 50 thước thì Khoan và tôi nhìn thấy cờ sao vàng, nửa xanh, nửa đỏ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Khoan tái mặt, chui xuống khoang ngồi.
Mấy cô hỏi:
-          Cái gì vậy anh Khoan.
Khoan chỉ lên bờ chỗ mấy nhà treo cờ, lắp bắp:
-          VC.
Các cùng nhìn lên rồi cùng xanh mặt.
Tôi cũng thấy nguy hiểm là vì trong thời chiến tranh, trắng đen không phân biệt được. Nguyên chỉ nói tất cả là công chức của chính phủ Sàigòn thì cũng bị rắc rối rồi. Đà thế hầu hết chúng tôi là người bắc di cư lại càng rắc rối hơn. Nếu họ nghi chúng tôi là gián điệp thì chẳng biết hậu quả ra sao. Một đe dọa khác là quân đội của chính phủ Sàigòn có thể pháo kích vào đây thì cũng nguy hiểm vô cùng. Tuy vậy, tôi vẫn thản nhiên chờ đợi rồi sẽ ứng biến.
Đột nhiên tôi thấy một bàn tay thật to túm lấy đầu gối. Cúi xuống thấy đó là bàn tay của Hà Văn Khoan. Anh ta túm lấy để bớt run. Một phút sau, tôi cảm thấy mấy bàn tay nữa túm vào cổ chân, bắp chuối. Tôi biết tất cả các cô bạn gái đồng nghiệp theo Khoan làm để phần nào trấn tĩnh.
Tôi thấy các bạn quá sợ nên bình tĩnh để làm giảm sút tình trạng ngột ngạt ấy.
Cô Tám cất tiếng run run:
-          Anh Hiệp! Anh.. . không…không sợ à?
Tôi thản nhiên:
-          Có gì mà sợ!
-          Anh…anh Hiệp! Anh có…có thấy… nguy hiểm…không?
-          Chẳng nguy hiểu đâu! Các cô đừng lo!
Tôi xin ông chủ đò ít thuốc rê, se một điếu rồi hút. Tôi ngửa đầu phà khói và quan sát cảnh vật chung quanh. Tất cả nhà cửa hai bên kinh đều lặng lẽ không một tiếng người, không một bóng vật, chỉ có lá cờ MTGPMN treo trước cửa. Cái yên lặng làm ta có cảm giác một bí mật, đe dọa phảng phất đâu đây. Cái yên tĩnh càng làm Khoan và mấy cô sợ rúm người.
Đột nhiên, vang lên tiếng hắt hơi nhỏ vang lên, dường như người này cố sức bịt mũi vả đè nén. Ông chủ đò liếc mắt nhìn tôi. Tôi biết rằng có sự nguy hiểm quanh đây; họ đang quan sát chùng tôi, và nếu tôi tỏ ra hốt hoảng thì những người này càng nghi ngờ chúng tôi hơn và như vậy càng làm tăng lên sự nguy hiểm. Tôi chỉ mỉm cười.
Một nửa giờ sau, thuyền ra đến sông Cổ Chiên. Các đợt sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền làm tan đi các cái lo lắng sợ sệt của nhóm chúng tôi.
Tối hôm ấy, chúng tôi ngủ nhờ nhà một người bạn của một trong mấy cô giáo. Nhà này cũng có các vết đạn và tường có lỗ thủng lớn thông sang nhà bên cạnh. Điều này chứng tỏ rằng khu phố đã có trận giao tranh.
Chúng tôi nghe tin Chợ Lách yên tĩnh không có trận đánh trong dịp tết, nên hôm sau chúng tôi về đây. Thật đúng như thầy Cảnh nói, nơi này quả là êm trong phạm vi Quận Lỵ, các xã Định Bình, Định An và ngoài đầu vàm Tiền Giang.


[1] Cô Đỗ Thị Tám hiện đang sống ở Chicago. Cô Đinh thi San hiện đang sống ở Orange County, Ca.

No comments:

Post a Comment