Tuesday, September 6, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 5


Ngày hôm sau, tôi sang trường trình sự vụ lệnh. Trường trung học Chợ Lách là một ngôi trường cũ, gồm ba dãy nhà gạch, xây theo hình chữ "U", trên một miếng đất hình vuông mỗi bề độ năm, sáu mươi thước. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn từ xa thấy vài con bò gặm cỏ trong sân trường.
Con đường gạch, dài khoảng 50m, dẫn từ cổng vào văn phòng hiệu trưởng đã quá cũ, gạch mục nát và lún sâu hơn sân cỏ hai bên, nên nước mưa đọng lại thành một rãnh rước, nhiều chỗ tôi phải nhón lên để tránh nước ướt vớ. Con đường đó là lối đi chính vào trường và có hai ngả rẽ qua các lớp khác ở hai dãy bên hông. Tất cả học sinh và thầy giáo phải đi qua đó để vào trường. Gần văn phòng hiệu trưởng có một bồn bông, tròn chẳng ra tròn, méo chẳng ra méo, và một cột cờ xiêu vẹo ở chính giữa.
Hai bên đường chính này là sân trường, nhưng tôi nghĩ là các bãi cỏ hoang, có nhiều nơi thấy gò với cỏ cao quá đầu gối. Nhìn nó chẳng khác gì các đồi cỏ ở rừng Tân Phúc (Lam Sơn-Thanh Hóa), nơi tôi chăn dê và trâu bò lúc còn nhỏ. Thảo nào mà mấy con bò đã vào đây tìm thức ăn.
Hai chỗ phân chia của ba dẫy lớp có hai ao nhỏ. Cái ao nhỏ bên trái nhìn từ cổng vào nối dài với một cái mương sâu đến đầu gối và cá rô, cá sặc bơi qua bơi lại trông cũng vui mắt. Nếu như được chăm sóc tủ tế thì đây là nơi đẹp để ngắm cảnh. Nhưng trường hợp này thì khác hẳn. Nhiều khi không có giờ dạy học, tôi mang cần câu ra ao câu cá giải khuây.
Hiệu trưởng trường là Nguyễn Thành Thưởng, người nhỏ con, quê quán ở Cần Thơ, một giáo sư Pháp văn đệ nhất cấp, tính tình nhẹ nhàng, chừng gần 30 tuổi.
Sau khi đọc sự vụ lệnh, anh Thưởng mừng rỡ:
- Thật hay quá! Mấy năm nay tôi làm đơn xin bộ một giáo sư toán đệ nhị cấp, mà chẳng thấy ai về, làm chúng tôi lo quá xá. Nay trường đã có một số lớp đệ nhị cấp. Nếu anh không về chắc tôi phải dẹp các lớp này. Năm nay có hai lớp thi tú tài, nếu không có ai dạy toán các em chắc rớt. Nay anh về đây, tụi tôi như hạn gặp mưa.
Tôi hỏi:
- Tôi sẽ phụ trách lớp nào hả anh?
- Trường có hai lớp đệ nhị (lớp 11), một A, một B, cùng vài lớp đệ tứ. Đó là các lớp quan trọng nhất, vì học sinh phải thi tú tài và trung học, nên nhờ anh phụ trách cả toán lẫn lý hóa cho các em.
Tôi hỏi:
- Tôi có một lá thư của người bạn gởi cho cô Nguyễn Thị Cúc. Cô ấy nhà ở đâu anh có biết không?
- Ngày mai, các học sinh đến trường, tôi sẽ gọi cô ta lên văn phòng gặp anh.
(Đây là cách vẽ trong kỹ thuật được gọi là broken section view.
Một phần bờ trường bị xóa đi để ngừơi ta có thể nhìn vào trong lớp học- Hinh ve bang Solidworks & Photoworks)

No comments:

Post a Comment