Rời quân trường, tôi về thẳng Sàigòn thăm gia đình. Tại đây, các trường tư thục cũ đều nhận tôi dạy lại.
Sau đó, tôi quay lại trường ở Chợ Lách để trình diện với hiệu trưởng. Thưởng bây giờ đã lành, nhưng tay của anh đã thành tật. Anh rất mừng khi tôi trở lại trường.
Công việc kế tiếp của tôi là thả con sóc vào vườn cây, để nó tự do kiếm sống. Tôi bây giờ bận rộn với việc dạy học ở cả SG lẫn Chợ Lách nên không còn thì giờ chăm nó.
Vài ngày sau, Thưởng nói:
- Bây giờ anh đã nghĩ kỹ về đề nghị của tôi chưa?
Tôi nghĩ thầm: "Đất nước mình chủ quyền không nắm được. Hội nghị bàn về ngưng bắn thì chỉ có Mỹ và Bắc Việt. Chức vụ này cũng là một hình thức chính trị làm tay sai cho Thiệu, Kỳ. Nhận làm chỉ rước thêm bực tức."
Tôi đáp:
- Tôi vẫn còn thấy ngại lắm, anh ạ.
- Thôi đừng từ chối nữa cha nội!
Tôi giải thích:
- Hiện nay, ở Sàigòn tôi đang dạy mấy lớp của các trường tư thục. Tôi cần giúp nhà.
Thưởng thuyết phục:
- Thì bỏ các lớp đó đi! Tôi cũng cần anh giúp tôi. Tay tôi thành tật nên cần về quê để vợ con giúp đỡ.
Tôi hỏi:
- Tại sao anh lại chỉ nghĩ đến tôi?
- Tôi biết anh là người hy sinh vì học trò nhiều, nên cố sức chuyển trách nhiệm lại cho anh. Chỉ có anh mới nghĩ đến học trò nhiều hơn bản thân. Anh đừng từ chối nữa.
Tôi nghĩ: "Mình cứ nhận rồi chuyển lại cho Ngạn cũng được, như lời hắn đã yêu cầu vậy là ổn và hơn nữa còn giúp giải quyết khó khăn cho Thưởng. Để anh ta yên tâm về quê."
Cuối cùng tôi đành gật đầu.
Tôi trở lại Sàigòn từ chối tất cả các lớp toán, để có thì giờ làm việc cho một nhiệm vụ mới.
Chỉ vài tuần sau, tôi nhận được giấy làm xử lý thường vụ hiệu trưởng. Chức vụ này thường kéo dài vài tháng, trước khi có giấy bổ nhiệm chính thức.
Trường mới sửa
Trong thời gian này, cuộc hòa đàm vẫn tiếp diễn và chẳng thấy một viễn ảnh tốt đẹp nào. Các lực lượng tác chiến Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam; đến tháng 4, 1969, tổng số quân Mỹ ở miền Nam đã đạt con số kỷ lục là hơn 543 ngàn người.
Trong khi đó, những sự thối nát tham nhũng ở miền Nam càng ngày càng trở nên tệ hại hơn.
Lúc ấy, Lê Thơm cho xây một cây cầu bắc ngang kinh Chợ Lách. Lẽ dĩ nhiên tiền viện trợ thì có, nhưng bị gậm nhấm nhiều, nên kết quả thiếu tiền. Cách hay nhất là bắt dân làm công không để bù vào chỗ thiếu hụt ấy. Chính quyền quận bắt cả chục ngàn thanh niên đàn ông còn sức lao động hàng ngày gói theo cơm nước, lên đắp dốc cầu. Đây đúng là câu: “Ăn cơm nhà đi vác ngà voi.”
Nói đến Lê Thơm thì người Chợ Lách ai cũng biết. Ông ta là một hùm xám đất này, tháo vát, gan lỳ, có tài về quân sự. Mỗi lần hành quân bắt được VC hay chỉ là nghi can, nếu không cung khai là ông giết chết. Ông thường cho đem xác VC về để ngay cầu tàu trước chợ, cạnh bến đò ngang cho dân xem và còn có mục đích tìm người liên hệ.
Một lần Tổng Thống Thiệu xuống kinh lý, ông làm một bữa tiệc linh đình đãi ông này và phái đoàn cả trăm người với món ăn độc đáo là chim én nứơng. Ông mong sau khi ấy sẽ thăng quan tiến chức mau hơn chắc. Nhưng làm sao có đủ số chim én như vậy? Ông ra lệnh cho tất cả xã trưởng trong quận phải nộp vài trăm chim én trong một thời gian. Nếu thiếu một con là bị một hèo. Các xã khác tôi không biết kết quả ra sao, nhưng xã Phú Phụng thì tôi được nghe câu chuyện từ Đào Hữu Ngạn, bạn thân của xã trưởng kể lại như sau.
Đúng hạn, ông xã trưởng Phú Phụng đem nộp chim, nhưng thiếu hơn 100 con. Ông này bị đè ra đánh trên 100 hèo, làm ông lết không nổi. Ông lại được gia hạn thêm vài ngày nếu không đủ lại chịu thêm hình phạt này. Ông lo quá, chẳng biết sao để giải quyết. May nắm có một người thông minh làm kế sau : đi bẫy chim sẻ rồi giết chết vặt lông trụi lủi đem nộp. Sau khi vặt lông thì én hay sẻ nhìn cũng giống nhau, và bày kế nói láo. Hôm nộp chim, Lê Thơm hỏi ông này sao chim bị vặt lông hết? Ông này trả lời, vì bẫy nhiều chim một lần, nhốt vào chuồng quá nhỏ nên chúng đạp, cắn nhau chết gần hết. Một số khác thì ngắc ngoải, nên ông vội làm lông cho sạch sẽ. Nhờ vậy mà ông thoát bị đòn. Kết quả ông Thiệu và phái đoàn ăn chim sẻ khá bộn.
Lê Thơm đi mỗi xã là có một vợ bé là ít nhất. Bà vợ ông rất ghen, có lần lấy súng lục bắn ông ta làm ông phải chạy trốn toán loạn.
No comments:
Post a Comment